1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel sắp từ chức

(Dân trí) - Trước áp lực từ dư luận và sự không hài lòng của Tổng thống Obama, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã quyết định từ chức. Quyết định chính thức sẽ được ông chủ Nhà Trắng công bố trong ngày 24/11 theo giờ địa phương, tờ New York Times khẳng định.

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel
Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel

Như vậy ông Hagel đã trở thành nhân vật đầu tiên trong nội các của ông Obama “mất ghế” sau khi thế đa số của đảng Dân chủ tại Thượng viện bị phe Cộng hòa đẩy lùi, còn đội ngũ cố vấn an ninh của ông Obama đang gặp nhiều khó khăn trong việc đương đầu với các cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Dự kiến ông Obama sẽ thông báo về ý định từ chức của ông Hagel tại một cuộc họp báo ở Vườn Hồng của Nhà Trắng, trong ngày thứ Hai. Trước đó, hôm thứ Sáu tuần trước, chính vị Tổng thống Mỹ đã đề nghị Bộ trưởng quốc phòng của mình từ chức, sau một loạt các cuộc gặp trong 2 tuần qua, New York Times dẫn các nguồn tin cấp cao trong chính phủ Mỹ khẳng định.

Các nguồn tin miêu tả quyết định phế truất ông Hagel, 68 tuổi, của ông Obama như một sự công nhận rằng mối đe dọa của nhà nước Hồi giáo cần phải có những kỹ năng khác so với những gì ông Hagel sở hữu.

Là một người của đảng Cộng hòa với kinh nghiệm quân ngũ, người từng tỏ ra hoài nghi về cuộc chiến tranh Iraq, ông Hagel được đề bạt lãnh đạo Lầu Năm Góc trong bối cảnh Mỹ rút quân khỏi Iraq còn ngân sách quốc phòng bị cắt giảm.

Nhưng giờ “một vài năm tới sẽ đòi hỏi một dạng trọng tâm khác”, một quan chức Mỹ giấu tên nói. Nguồn tin khẳng định Hagel không bị sa thải, mà chính ông đã khởi động những bàn thảo về tương lai mình cách đây 2 tuần với ông Obama. Và sau đó cả hai thống nhất vị Bộ trưởng nên ra đi.

Tuy vậy, những cộng sự thân cận của ông Hagel những tuần gần đây vẫn khẳng định ông muốn hoàn tất 4 năm nhiệm kỳ của mình, thay vì chấm dứt sớm 2 năm.

Ngay từ trước khi quyết định chấp thuận đơn từ chức của ông Hagel được công bố, các quan chức Mỹ đã đồn đại về những gương mặt có khả năng tiếp quản Lầu Năm Góc. Sáng giá nhất gồm có nguyên thứ trưởng quốc phòng Michèle Flournoy, thượng nghị sỹ Jack Reed, một cựu quân nhân của sư đoàn không vận số 82 và Ashton B. Carter một cựu thứ trưởng quốc phòng khác.

Từng là một cựu thượng nghị sỹ và là bạn của ông Obama, ông Hagel dù vậy lại gặp khó khăn trong việc hòa nhập vào đội hình những cựu đồng minh vận động tranh cử và cố vấn trong hàng ngũ những nhân vật trung thành với ông chủ Nhà Trắng. Những quan chức cấp cao cho biết ông Hagel thường ít khi lên tiếng trong các cuộc họp nội các.

New York Times khẳng định Hagel chưa bao giờ thực sự tạo được ảnh hưởng lớn sau khi về Lầu Năm Góc, và trong những tháng gần đây hầu như đã lùi về phía sau, nhường lại sân khấu chính trị cho chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân, tướng Martin E. Dempsey, người được cho là khiến ông Obama tin tưởng với đề xuất dùng hành động quân sự với IS.

Trong chưa đầy 2 năm tại vị, ông Hagel gặp nhiều khó khăn trong việc truyền cảm giác tin tưởng tại Lầu Năm Góc, theo cách những người tiền nhiệm, đặc biệt là Robert M. Gates từng làm được. Thay vào đó, ông thường dành phần lớn thời gian thực thi những mong muốn của ông Obama, từ rút lính Mỹ khỏi Afghanistan tới cắt giảm ngân sách của Bộ quốc phòng mà không mấy tranh luận.

Vị cựu chiến binh từng tham chiến tại Việt Nam cũng thường gặp khó khăn trong việc thể hiện suy nghĩ của mình, cũng như các chính sách của chính quyền. Đôi khi ông khiến các phóng viên khó diễn giải những điều ông phát biểu tại các cuộc họp báo. Trong những lần xuất hiện cùng ngoại trưởng John Kerry và tướng Dempsey, ông Hagel thường bị các đồng nghiệp lấn át trên sân khấu.

Thanh Tùng
Theo NY Times