Biểu tình tại Hồng Kông: 1 tháng nhìn lại
(Dân trí) - Đã một tháng kể từ khi phong trào biểu tình gây chấn động Hồng Kông được tổ chức Chiếm đóng trung tâm phát động hôm 28/9, để phản đối những cải cách bầu cử Bắc Kinh áp đặt. Dù vậy, cho đến nay, phong trào này dường như đang bế tắc về hướng hành động.
Chiến dịch vận động bất phục tùng dân sự được nhà đồng sáng lập phong trào Chiếm đóng trung tâm Benny Tai Yiu-ting phát động hôm 28/9, để ủng hộ cho các sinh viên bị bắt sau một tuần bãi khóa.
Những cuộc tuần hành lớn đã làm tê liệt đường phố trung tâm Hồng Kông, và làm bùng lên những kêu gọi ủng hộ dân chủ chưa từng có. Việc cảnh sát mạnh tay sử dụng bình xịt hơi cay cùng 87 quả lựu đạn chứa khí cay được bắn đi dường như chỉ càng khích lệ hơn sự nhiệt huyết của người biểu tình.
Các cuộc tuần hành đã lan rộng từ khu vực quanh trụ sở chính quyền Hồng Kông tại quận Admiralty, để lan sang Mong Kok và Causeway Bay, nơi tập trung nhiều trung tâm thương mại lớn.
Ngay lập tức, sự kiện đã thu hút truyền thông thế giới, khi các tuyến phố vốn thường chật cứng xe con và xe buýt của Hồng Kông nay đen đặc người biểu tình mang theo những chiếc ô.
Và nay, dù một tháng đã qua, vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy sự đối đầu giữa người biểu tình và chính quyền đặc khu hành chính này sẽ sớm kết thúc. Căng thẳng giữa hai bên leo thang mạnh hơn, đang đe dọa phá vỡ xã hội thành phố này.
Các cuộc tuần hành đã vượt xa khỏi phạm vi mà những nhà sáng lập phong trào Chiếm đóng trung tâm dự kiến. Việc phong trào này đi chệch hướng xa khỏi những ý đồ ban đầu và trở thành một phong trào hầu như không có người lãnh đạo thực sự càng làm tăng lo ngại tình hình có thể mất kiểm soát.
Kế hoạch ban đầu của Benny Tai chỉ là huy động 10.000 người phong tỏa các tuyến đường tại trung tâm tài chính của Hồng Kông, nếu chính quyền địa phương và chính phủ trung ương quyết định áp đặt một hệ thống bầu cử, không cho phép quyền dân cử rộng rãi, vào năm 2017.
Benny Tai cũng từng cam kết không để phong trào lan tới các quận đông dân cư, để tránh ảnh hưởng tới đời sống người dân.
Cũng theo kế hoạch ban đầu, biểu tình chỉ bắt đầu từ ngày 1/10, dịp nghỉ lễ Quốc khánh Trung Quốc, tại đường Chater, và kéo dài chừng 3 ngày. Theo các nguồn tin trong nội bộ Chiếm đóng trung tâm, kế hoạch biểu tình đều đã được thông báo tới chính quyền Hồng Kông
Dù vậy, các kế hoạch đã nhanh chóng đổ vỡ, khi hôm 26/9, thành viên của Liên đoàn sinh viên Hồng Kông cùng các học sinh biểu tình do nhóm Chủ nghĩa học giả dẫn đầu đã đổ tới tụ tập tại quảng trường Dân chủ, trước một trụ sở của chính quyền thành phố.
Việc cảnh sát mạnh tay trấn áp cuộc biểu tình, bắt giữ nhiều đại diện của phong trào sinh viên đã khiến hàng chục nghìn người từ mọi ngành nghề, tầng lớp đổ xuống đường bày tỏ sự ủng hộ, trong đó có cả lãnh đạo của Chiếm đóng trung tâm.
Dù ban đầu từ chối phát động ngay lập tức chiến dịch của mình, nhưng trước sức ép từ các nhà hoạt động của phong trào sinh viên, Benny Tai cùng các nhà đồng sáng lập Chiếm đóng trung tâm đã phải đồng ý tuyên bố rằng “kỷ nguyên bất phục tùng dân sự” đã bắt đầu.
Ngay từ ban đầu, phong trào bất phục tùng dân sự này đã đi chệch hướng khỏi định hướng nguyên bản của Chiếm đóng trung tâm, khi không chỉ có khu trung tâm hành chính Admiralty bị chiếm đóng, mà cả những khu vực khác.
Các nhà tổ chức đã choáng váng khi gần 3/4 người tham gia biểu tình rời đi sau tuyên bố nêu trên. “Một số người không muốn phong trào được dẫn dắt bởi Chiếm đóng trung tâm”, ông Chan Kin-man, một nhà đồng tổ chức phòng trào biểu tình cho biết, và khẳng định 80% những người biểu tình đổ tới Admiralty là những người trẻ tuổi.
Các lãnh đạo của Chiếm đóng trung tâm sau đó đã vào vai của những người hỗ trợ, và “lãnh đạo dịch vụ” của phòng trào cho sinh viên dẫn đầu. “Nhận ra rằng chúng tôi đã là một phần của phong trào, chúng tôi đã yêu cầu các tình nguyện viên của Chiếm đóng trung tâm gỡ bỏ logo của chúng tôi khỏi đồng phục”, Chan cho biết.
Dù vậy, việc quyền lãnh đạo biểu tình chuyển từ phong trào Chiếm đóng trung tâm sang các thủ lĩnh sinh viên đã khiến đám đông biểu tình bị giảm tính tổ chức so với trước, và điều đó cũng có nghĩa là các quyết định sẽ chỉ có thể được đưa ra sau những thảo luận kéo dài giữa đại diện 3 phòng trào: Liên đoàn sinh viên, Chủ nghĩa học giả và Chiếm đóng trung tâm.
Cho đến Chủ nhật vừa qua, biểu tình vẫn đang tiếp diễn, sau khi các nhà tổ chức Chiếm đóng trung tâm đề nghị người biểu tình rút lui do lo ngại về an ninh, trong bối cảnh cảnh sát cảnh báo “những hành động mạnh mẽ và quyết liệt” có thể được thực hiện để ngăn ngừa bạo lực.
Tuy vậy, phía Liên đoàn sinh viên lại tin rằng sẽ là không phù hợp khi giải tán trước khi chính quyền có nhượng bộ. Và lãnh đạo của phòng trào Chiếm đóng trung tâm đã bị thuyết phục bởi lập luận này.
Theo ông Cheung Man-kwong, một cựu nghị sỹ của đảng Dân chủ, chính quyền Hồng Kông nên rút ra bài học từ các cuộc biểu tình. “Họ nên tham gia đối thoại một cách chân thành với sinh viên và những bộ phận khác để ngăn ngừa sự tái diễn của một chiến dịch gây sốc tương tự”, ông Cheung nói.
Cho dù khen ngợi phong trào này như một nguồn cảm hứng, ông Cheung thừa nhận xã hội Hồng Kông đã phải trả một cái giá đắt cho chiến dịch này, vốn gây ra những đổ vỡ không thể tránh khỏi trong cộng đồng.
Thanh Tùng
Theo SCMP