1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Biểu tình rầm rộ ở Pháp

(Dân trí) - Hơm 1 triệu người ngày 19/3 đã đổ xuống nhiều đường phố của Pháp yêu cầu chính phủ hành động hơn nữa để đưa đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế.

Biểu tình rầm rộ ở Pháp  - 1
Công nhân Pháp biểu tình tại Paris.
 
Cuộc biểu tình đã không đạt được mục tiêu ban đầu là làm tê liệt nước Pháp, nhưng những cuộc đụng độ lẻ tẻ giữa hàng trăm thanh niên và cảnh sát chống bạo động đã nổ ra ở quảng trường Republique gần trung tâm thủ đô Paris, nơi cuộc biểu tình của ít nhất 85.000 người vừa kết thúc. Theo tin cảnh sát, nhiều thanh niên đã đốt thùng rác và ném gạch đá vào cảnh sát, làm 9 người bị thương.

Các nghiệp đoàn đã ủng hộ cuộc biểu tình và đưa ra một danh sách dài những yêu cầu, trong đó có tăng lương, bảo vệ việc làm, tăng thuế với những người có thu nhập cao… Nghiệp đoàn nói gói kích thích kinh tế trị giá 35 tỷ USD mà Tổng thống Nicolas Sarkozy đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái là chưa đủ. Những biện pháp khác trong đó có giãn thuế, trợ cấp xã hội trị giá 3,2 tỷ USD mà ông Sarkozy đưa ra sau cuộc đình công hồi tháng 1 đã không làm hài lòng lực lượng lao động.

Các công đoàn muốn Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy phải làm nhiều hơn nữa để giúp công nhân vào lúc cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp tục tác động tới những công ty Pháp, và nhiều công ty cắt bớt công ăn việc làm.

Giới chức cho biết dịch vụ đường sắt đã bị chậm trễ, các trường học, các bệnh viện và các công sở cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc biểu tình.
 
Biểu tình của nhân viên trong ngành giao thông trên thực tế bắt đầu vào tối 18/3. Công ty vận hành tàu SNCF cho rằng sẽ có tới 40% tàu cao tốc không chạy và khoảng 60% tàu địa phương không hoạt động. Xe buýt và tàu bị gián đoạn sáng hôm qua nhưng không đến nỗi tồi tệ như trong các cuộc đình công khác. Hệ thống tàu điện ngầm ở Paris vẫn hoạt động bình thường.

Nhìn qua bản đồ nước Pháp, nhịp độ sa thải công nhân viên gia tăng đáng kể trong những tháng qua. Continental, Faurecia, Peugeot PSA, Renault, Valeo, các công ty lớn công bố kế hoạch tinh giảm biên chế đến hàng nghìn người cùng một lúc. Mọi lĩnh vực như chế tạo xe hơi, điện tử, hầm mỏ, công nghiệp dược phẩm, ngân hàng, thương mại... đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Giới công đoàn hy vọng buộc Tổng thống Nicolas Sarkozy triển khai một kế hoạch chống khủng hoảng quy mô hơn và đặc biệt kích thích trở lại sức mua của người làm công ăn lương.

Năm nay, kinh tế Pháp dự báo sẽ suy giảm 1,5% và thâm hụt ngân sách sẽ tương đương với 5,6% tổng sản phẩm nội địa (GDP).

Hôm 19/3, ông Sarkozy đã nhấn mạnh rằng ông thông cảm với những lo ngại của nhân dân Pháp, nhưng chính phủ lại một lần nữa không chấp nhận gia tăng các khoản chi tiêu cho những chương trình xã hội.
 
Trước thái độ cứng rắn của chính phủ, giới công đoàn dự trù tiếp tục kêu gọi xuống đường vào lần tới, ngày 1/5.

Nhật Mai
Theo AFP, CNN