1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cạnh tranh chiến lược trên biển Đông - Kỳ 2:

Biển Đông: Mỹ "tái tạo cân bằng", lôi kéo đồng minh dài hạn

Mỹ xác định một chiến lược biển Đông mà xa lánh các nước trong khu vực sẽ không thể mang lại thành công cuối cùng.

Trung Quốc ra sức xây dựng cán cân quân sự ở biển Đông và khu vực nghiêng về phía mình. Trong khi đó, Mỹ cùng lúc vừa có các bước đi chính trị được tính toán kỹ trong khu vực, vừa giữ thái độ kiềm chế trên biển Đông.

Chú trọng cân bằng chính trị khu vực

Thái độ này của Mỹ có vẻ gây nhiều bối rối. Tuy nhiên, theo tạp chí Foreign Affairs (Mỹ), đằng sau các bước đi này là một toan tính với lý do cốt lõi khá đơn giản. Theo đó, "trái tim" của chiến lược ở biển Đông của Mỹ là chú trọng vào cán cân chính trị trong khu vực, tối đa hóa hỗ trợ khu vực, đồng thời tăng dần bố trí quân sự ở khu vực theo thời gian để phục vụ lợi ích của mình.

Nhiều học giả đã từng viết về hiện tượng cân bằng quyền lực - một xu hướng tự nhiên của hệ thống quan hệ quốc tế. Trong đó, các quốc gia nối kết với nhau để chống lại đe dọa từ một đối thủ chung.

Khi đối mặt với một thách thức đang lớn dần, các nước có quyền lợi an ninh tương tự sẽ chấp nhận tạm gác một số bất đồng, kết hợp năng lực của nhau cùng đối phó với thách thức.

Cân bằng chính là tiền đề chiến lược của Mỹ ở biển Đông. Sự cân bằng này bị xáo trộn khi Trung Quốc tăng cường quân sự hóa và đơn phương áp đặt chủ quyền lên cả những vùng biển quốc tế. Sự cân bằng bị đe dọa khi cán cân sức mạnh trong khu vực chênh lệch quá lớn trước một Trung Quốc hung hăng và một ASEAN thiếu đoàn kết. Sự cân bằng này tạo tiền đề cho sự can dự của Mỹ.

Như nhiều nhà hoạch định chính sách Mỹ thường nói Mỹ không tham gia tranh chấp biển Đông nhưng Mỹ có các quyền lợi ở biển Đông: Tự do lưu thông hàng hải, hàng không, quy định luật pháp. Nói cách khác, những tuyên bố của Mỹ hàm ý rằng họ muốn bảo vệ các quy định cơ bản của trật tự quốc tế ở châu Á để "tái tạo" sự cân bằng khu vực.

Không thể xa lánh các nước khu vực

Mỹ xác định một chiến lược biển Đông mà xa lánh các nước trong khu vực sẽ không thể mang lại thành công cuối cùng.

Bảy năm qua, thông qua chiến lược tái cân bằng ở châu Á, Mỹ đã đầu tư ngoại giao rất nhiều vào quan hệ với ASEAN. Mỹ đã nâng cấp quan hệ với ASEAN và sát cánh với ASEAN trong tranh chấp biển Đông. Mỹ đặc biệt đầu tư vào quan hệ song phương với các nước liên quan đến tranh chấp biển Đông như Malaysia, Philippines, Việt Nam.

Đầu tư chính trị của Mỹ đã mang lại một số kết quả ngoại giao mà nhiều năm trước khó có thể hình dung ra. Thời điểm này sự gần gũi của Mỹ với ASEAN lớn hơn bất cứ thời điểm nào.

Các đối tác ASEAN của Mỹ bắt đầu suy nghĩ, lo ngại nghiêm túc về tự do hàng hải, tự do hàng không trên biển Đông, các quy định luật pháp trên biển Đông - vốn là những quyền lợi quốc gia quan trọng của Mỹ.

Trong một số tuyên bố gần đây, ASEAN bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về việc cải tạo, bồi đắp đảo đá của Trung Quốc và sự đe dọa tới tự do hàng hải, hàng không ở khu vực.

Gần đây, mặc dù nhiều nước trong ASEAN có quan hệ kinh tế và chính trị thân thiết với Trung Quốc, một số nước ASEAN có tranh chấp đã đơn phương đối đầu với Trung Quốc, công khai chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa biển Đông.

Chính trị, ngoại giao hỗ trợ quân sự

Nhà phân tích Joshua Kurlantzick thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ) nhận định quan hệ thân thiết của Mỹ với các nước Đông Nam Á là mối lo của Trung Quốc về lâu dài.

Chiến lược của Mỹ ở biển Đông không chỉ là ở lĩnh vực ngoại giao. Quan hệ chính trị thân thiết hơn với các nước trong khu vực cho phép Mỹ tăng cường bố trí quân sự quanh biển Đông.

Binh sĩ Mỹ tập trận chung với binh sĩ Philippines tại tỉnh Nueva Ecija (bắc Philippines) năm 2015. Ảnh: IBTIMES
Binh sĩ Mỹ tập trận chung với binh sĩ Philippines tại tỉnh Nueva Ecija (bắc Philippines) năm 2015. Ảnh: IBTIMES

Singapore đồng ý đón nhận bốn tàu chiến và một máy bay giám sát của Mỹ. Úc cho phép Mỹ luân chuyển một biệt đội lính thủy đánh bộ ở căn cứ Darwin. Philippines thông qua Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ, cho phép Mỹ sử dụng năm căn cứ tiếp giáp với biển Đông.

Các đồng minh của Mỹ ở khu vực cũng đang thắt chặt quan hệ an ninh với nhau, gần đây Nhật và Philippines đã ký một thỏa thuận quốc phòng.

Thách thức đối với chiến lược xây dựng liên minh chính trị và an ninh của Mỹ ở khu vực là cần phải "chăm sóc" liên tục các đối tác vì đó là chiến lược dài hạn. Mỗi nước trong khu vực đều có một số quyền lợi riêng, bao gồm cả quan hệ với Trung Quốc.

Điều này đòi hỏi một sách lược dài hơi và thống nhất qua nhiều nhiệm kỳ tổng thống Mỹ. Thêm nữa, Mỹ có thể ưu tiên Thái Bình Dương nhưng không thể bỏ lơ những vấn đề an ninh còn lại trên thế giới khỏi chính sách đối ngoại của Washington.

Theo Thiên Ân/Foreign Affairs

Pháp luật TPHCM