1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Cạnh tranh chiến lược trên Biển Đông - Kỳ 1:

Biển Đông: Trung Quốc tính ngắn hạn, lợi trước mắt nhưng hại về sau

Trung Quốc chú trọng xây dựng cán cân quân sự ở biển Đông và khu vực nghiêng về phía mình.

Theo tạp chí phân tích chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc tế của Mỹ - Foreign Affairs, chiến lược của Trung Quốc ở biển Đông tập trung vào các thay đổi đơn phương ngắn hạn về cán cân quân sự ở biển Đông và khu vực.

Chú trọng xây dựng sức mạnh quân sự trên biển Đông

Hiện trạng biển Đông đã và đang trên đà đổi thay nhanh chóng. Trung Quốc đã cải tạo hàng ngàn km2 đất ở biển Đông chỉ trong 18 tháng, xây dựng ba đường băng mới, lắp đặt nhiều thiết bị quân sự.

Chỉ vài tuần trước, hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt trái phép hệ thống radar phức tạp trên đá Châu Viên (quần đảo Trường Sa) và triển khai trái phép hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 ra đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa). Có thông tin rằng Trung Quốc đang chuẩn bị bồi đắp bãi cạn Scarborough sau khi chiếm từ Philippines năm 2012.

Trung Quốc đã triển khai trái phép tên lửa đất đối không HQ-9 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: BBC
Trung Quốc đã triển khai trái phép tên lửa đất đối không HQ-9 ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: BBC

Chẳng những gấp rút xây dựng đảo, đường băng để khẳng định tuyên bố chủ quyền trên biển, Trung Quốc cũng đang nỗ lực khẳng định tuyên bố chủ quyền trên không.

Nhiều chuyên gia nhận định Trung Quốc sẽ sớm tuyên bố lập vùng nhận dạng phòng không ở biển Đông (ADIZ) tương tự như đã lập trên biển Hoa Đông - một âm mưu can thiệp giao thông hàng không trên vùng biển tranh chấp.

"Thừa nước đục thả câu"

Vài năm gần đây, Trung Quốc theo đuổi chiến lược chia nhỏ biển Đông để chiếm từng phần. Tuy nhiên, Trung Quốc đủ khôn khéo để tránh manh động tới mức để Mỹ có cớ can thiệp vào biển Đông.

Trung Quốc đưa giàn khoan vào sát Việt Nam, chiếm bãi cạn Scarborough từ Philippines, bồi đắp bảy đảo đá nhân tạo ở Trường Sa. Những hành động này dù bị phản đối, chỉ trích nhưng không gặp phải động thái phản ứng mạnh. Bởi vì Trung Quốc nắm giữ nhiều lợi thế chủ chốt.

Trước tiên, chiến lược biển Đông của Trung Quốc dựa vào chủ nghĩa cơ hội. Trung Quốc thực hiện chiến thuật không dẫn tới xung đột vũ trang. Họ hành động vào những thời gian và địa điểm mà Trung Quốc chắc rằng các nước sẽ không phản ứng vũ trang.

Trung Quốc tính toán rất kỹ khi nào thì thực hiện bước đi tiếp theo ở biển Đông. Mỹ cũng như các đối tác buộc phải kiềm chế không làm gì được Trung Quốc. Trung Quốc chấp nhận các mất mát về ngoại giao và uy tín để theo đuổi và thu lợi trước mắt từ chiến thuật chia nhỏ biển Đông để chiếm.

Quân sự hóa biển Đông

Các nhà phân tích từ lâu lo ngại Trung Quốc đang phát triển năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) phòng các nước vào và hoạt động trong các vùng biển gần các bờ biển Trung Quốc trong trường hợp xảy ra xung đột lớn.

Để có được năng lực này, Trung Quốc sẽ cần phải có hệ thống radar phức tạp giám sát khu vực, cũng như cần có tên lửa đất đối không, tên lửa hành trình chống hạm.

Hai tên lửa đất đối không HQ-9 Trung Quốc vừa triển khai ra đảo Phú Lâm chắc chắn không có khả năng ngăn chặn Mỹ, nhưng đó là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc nhiều khả năng sẽ triển khai thêm vũ khí nguy hiểm hơn ra biển Đông.

Trung Quốc chú trọng thiết lập cán cân quân sự nghiêng về phía mình, thúc đà cải tạo các đảo đá, quân sự hóa biển Đông sao cho nhanh hơn đà xây dựng liên minh của Mỹ ở khu vực. Kết quả là Trung Quốc chiếm ưu thế cán cân quân sự khu vực nhưng thua Mỹ về cán cân chính trị khu vực.

Foreign Affairs nhận định đây là bước đi lợi trước mắt nhưng hại về lâu dài.

(Đón đọc tiếp Kỳ 2: "Mỹ tái tạo cân bằng, lôi kéo đồng minh dài hạn")

Theo Thiên Ân/Foreign Affairs

Pháp luật TPHCM