1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Biển Đông lại làm nóng các Hội nghị cấp cao ASEAN

Sáng 21/11, Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 27 (ASEAN 27) đã chính thức khai mạc tại Thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, mở đầu cho chuỗi các Hội nghị cấp cao diễn ra trong hai ngày 21 và 22/11.

Tại phiên họp toàn thể Hội nghị cấp cao ASEAN 27, diễn ra sau lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo ASEAN đã trao đổi sâu rộng về tình hình khu vực và quốc tế cùng quan tâm, các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó nổi lên vấn đề khủng bố quốc tế, các thách thức an ninh biển và tình hình Biển Đông.  Nóng vấn đề Biển Đông và chống khủng bố tại Hội nghị APEC Vấn đề biển Đông ảnh hưởng trực tiếp đến ASEAN

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng nước chủ nhà Najib Razak nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, kêu gọi các bên liên quan tới tranh chấp Biển Đông tự kiềm chế và tránh có các hành động gây phức tạp thêm tình hình hoặc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Tổng thống Philippines Benigno Aquino tái khẳng định, ASEAN không nên để bất cứ nước nào tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ biển Đông, nhất là khi nước đó viện đến sức mạnh quân sự.

Tổng thống Aquino nhấn mạnh: “Vốn là một cộng đồng hoạt động dựa trên luật pháp, chúng tôi tin tưởng ASEAN sẽ không cho phép bất cứ nước nào dù lớn mạnh đến đâu có thể lấy toàn bộ Biển Đông làm của riêng, sử dụng vũ lực hoặc đe dọa để đạt mục đích đó”. Tổng thống Philippines chỉ ra rằng, sự thịnh vượng chung đòi hỏi sự ổn định trong khu vực. Tuy nhiên, trên thực tế, điều này đã bị đe dọa bởi các hành động đơn phương như cải tạo và xây dựng trái phép các công trình trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam, khiến cộng đồng quốc tế và trong khu vực có những hành động ứng phó mau chóng.

Từ đó, Tổng thống Aquino cho rằng, việc đưa tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại Hà Lan là bước đi nhằm đem lại bình ổn cho khu vực ASEAN, đồng thời bày tỏ hoan nghênh PCA nhận xử vụ nước này kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thì đưa ra 3 vấn đề trọng yếu đối với Đông Nam Á, đó là khủng bố, khủng hoảng khói mù và tranh chấp biển Đông.

Thủ tướng Lý Hiển Long nhấn mạnh: “Vấn đề Biển Đông đã trở thành phép thử cho sự đoàn kết và hiệu quả của ASEAN”. Các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự phiên họp cũng chia sẻ quan ngại sâu sắc về các diễn biến phức tạp ở Biển Đông, nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), kêu gọi các bên tự kiềm chế và không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp tình hình hoặc gia tăng căng thẳng, nhất trí cần phát huy vai trò của ASEAN trong việc xử lý vấn đề này.

Biển Đông lại làm nóng các Hội nghị cấp cao ASEAN - 1

Các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN 27. (Ảnh: TheStar)

Trước đó, ngày 20/11, tại các Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao, bao gồm Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN (ACC) lần thứ 17 và Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC) lần thứ 13, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ những diễn biến phức tạp ở Biển Đông, đề nghị ASEAN cần tiếp tục thể hiện tiếng nói chung và vai trò chủ động trong vấn đề này nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh việc tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và UNCLOS, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, nhất là Điều 5, cam kết không quân sự hóa ở Biển Đông và sớm hoàn tất COC.

Tại cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman cho biết các Ngoại trưởng ASEAN vẫn giữ nguyên quan điểm “cực kỳ quan ngại” với các diễn biến gần đây trên Biển Đông, đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Ngoại trưởng Aman xác nhận: “Các bộ trưởng nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của việc tăng cường thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC cũng như việc khẩn trương thành lập COC”.

Trong khi đó, theo Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, trong những năm gần đây, diễn biến tình hình Biển Đông rất đáng quan ngại, trong đó các hành động cơi nới, xây dựng các đảo nhân tạo đi ngược lại tinh thần và quy định của DOC. Điều đó càng thúc đẩy sự cấp thiết của việc thực hiện đầy đủ DOC cũng như sự cần thiết của việc sớm hoàn thành COC.

Tổng Thư ký Lê Lương Minh nhấn mạnh: “Đối với khối ASEAN, COC sẽ là một bộ quy tắc có tính ràng buộc, đủ khả năng ngăn chặn và xử lý các tình huống, tình hình đang diễn ra trên Biển Đông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định cho khu vực. Lập trường của ASEAN là quá trình tham vấn COC giữa ASEAN và Trung Quốc cần có khoảng thời gian cụ thể”.

Tổng Thư ký ASEAN cho hay, hiện nay ASEAN và Trung Quốc đã tiến hành một số vòng tham vấn chính thức quan chức các cấp và trong cuộc tham vấn gần đây nhất, ASEAN và Trung Quốc đã thỏa thuận trong đó hai bên sẽ bắt đầu tiến hành tham vấn tất cả các thành tố của COC, kể cả các thành tố có tính nhạy cảm cao. Tuy nhiên, hiện đang có một khoảng cách rất lớn giữa cam kết chính trị và diễn biến thực tế khi nói về tình hình đang diễn ra trên Biển Đông.

Theo Khổng Hà (tổng hợp)

Công an nhân dân

Biển Đông lại làm nóng các Hội nghị cấp cao ASEAN - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm