1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Biển Đông “dậy sóng”, Mỹ sẽ hành động như thế nào?

(Dân trí) - Trước tình trạng căng thẳng ngày càng gia tăng ở Biển Đông, giới chức Mỹ cho rằng Trung Quốc đã “không có những bước đi thận trọng”. Do đó, Washington tuyên bố sẽ không cho phép những đảo nhân tạo trái phép của Bắc Kinh tiếp tục tồn tại. Vậy tiếp theo, Mỹ sẽ làm gì?

Chiến hạm USS Fort Worth (LCS 3) tuần tra gần quần đảo Trường Sa tháng trước. (Ảnh:
Chiến hạm USS Fort Worth (LCS 3) tuần tra gần quần đảo Trường Sa tháng trước. (Ảnh: US Navy)

Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter cuối tuần trước đã nêu rõ rằng Mỹ sẽ không chịu ngồi yên. “Máy bay Mỹ sẽ bay, tàu Mỹ sẽ hoạt động ở bất cứ nơi nào pháp luật quốc tế cho phép, như trước nay vẫn thế. Dù sao đi chăng nữa, không phải cứ biến một bãi đá ngầm thành sân bay là có thể tuyên bố chủ quyền hay được phép áp đặt chế tài lên hàng không quốc tế và giao thông hàng hải”.

Ông Carter cảnh báo, nếu Trung Quốc không ngừng việc xây dựng các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa, vũ khí quân dụng hạng nặng mới của Mỹ sẽ sớm được triển khai đến khu vực này để giúp họ “cân nhắc lại”. Ông liệt kê một loạt vũ khí hiện đại nhất hiện đang và sẽ được Mỹ triển khai tại khu vực như tàu tác chiến ven biển USS Forth Worth, tàu ngầm lớp Virginia, tàu khu trục tàng hình Zumwalt, máy bay do thám hải quân P-8 Poseidon… để vô hiệu hóa hoặc giảm thiểu những “lợi thế” mà Trung Quốc có thể có được. 

Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục làm ngơ. Hôm 31/5, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tuyên bố: “Trung Quốc và quân đội Trung Quốc chưa bao giờ biết sợ ... Đừng hy vọng rằng chúng tôi sẽ đầu hàng những lập trường xấu xa hay một sức mạnh to lớn”. 

Ông William Choong, một chuyên gia về châu Á có mặt tại Đối thoại Shangri-La cho rằng: “Trung Quốc không có vẻ sẽ dừng hoạt động bồi đắp tại Trường Sa. Trên thực tế, việc xây dựng sẽ tiếp tục diễn ra”.

Giới chức Mỹ cho biết những gì Bắc Kinh đang làm là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc về Luật Biển. Theo đó, “các đảo, công trình và cấu trúc nhân tạo không mang đặc trưng của đảo tự nhiên. Chúng không có lãnh thổ trên biển, và sự hiện diện của chúng không ảnh hưởng đến việc phân định lãnh thổ trên biển, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa”.

Các chuyên gia cho rằng nếu thực sự hành động như lời nói, Hải quân Mỹ sẽ sớm gửi tàu chiến đến gần các đảo nhân tạo của Trung quốc để chứng minh tuyên bố chủ quyền của nước này là vô giá trị.

Tuy nhiên, Biển Đông vốn có tiếng là nghĩa địa của những con tàu. Vùng này nông đến độ có thể khiến tàu bị mắc kẹt, trong khi cho phép thiết bị nạo vét mở rộng các hòn đảo có sẵn. Theo cựu đô đốc Jerry Hendrix, người đã dành cả sự nghiệp tại Thái Bình Dương, điều này khiến Hải quân Mỹ chỉ có thể triển khai một trong những chiến hạm tác chiến cận bờ trang bị vũ khí hạng nhẹ hay một con tàu lưỡng cư Marine đáy phẳng đến đây.

Tàu tác chiến USS Fort Worth nặng 4.000 tấn, dài 118m, mới đây đã được triển khai gần Trường Sa, dưới con mắt theo dõi sát sao của Trung Quốc. “Các hoạt động như tàu Fort Worth vừa thực hiện ở Biển Đông sẽ sớm được thực hiện thường xuyên khi chúng ta đón thêm 4 con tàu tác chiến cận bờ đến khu vực này vào vài năm tới”, quan chức hải quân thuộc Liên đội Tàu khu trục 7 Fred Kacher cho biết hôm 12/5 sau khi tàu Fort Worth quay trở về Philippines.

Theo ông Hendrix, một con tàu lưỡng cư lớn hơn thuộc lớp San Antonio hoặc Whidbey Island sẽ cho thấy thái độ nghiêm túc của Mỹ. “Chúng là những chiến hạm lớn với tải trọng rất nhẹ”, ông cho biết.

Ông Hendrix cho rằng Trung Quốc đang cố thu hút sự chú ý của Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình “nhận thấy rằng chính quyền Obama đang phải giải quyết vấn đề Cuba, thỏa thuận hạt nhân với Iran, vấn đề Nga tại bán đảo Crimea và Ukraine”. Việc Mỹ từ chối can thiệp vào Biển Đông cũng có thể đã động chạm tới lòng tự tôn của Trung Quốc. Theo ông Hendrix, “có quan điểm, ít nhất là trong quân đội Trung Quốc, cho rằng có một sự thiên vị văn hóa ở đây: “Mỹ đối phó với Iran, với Latin, với Đông Âu, mà không đối phó với chúng tôi ư?”. Đó cũng được coi là một kiểu động chạm”.

Ông Bernard Cole, một đại úy Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu và là chuyên gia về Trung Quốc, tin tưởng vào việc triển khai các tàu tác chiến cận bờ. “Nhưng nếu tôi vẫn còn là chỉ huy Hải quân, tôi sẽ không gửi các tàu này một mình đến đó. Các tàu tác chiến cận bờ gần như không thể tự vệ. Tôi sẽ triển khai thêm 2 tàu khu trục tên lửa dẫn đường hoặc một số trực thăng”. 

Theo ông Cole, khả năng súng nổ tại Biển Đông hiện là 50-50. “Nhưng giả sử Philippines đưa ra một trong 2 tàu phòng vệ bờ biển mà chúng tôi đã gửi cho họ và bị Trung Quốc đánh chìm, thì sẽ ra sao? Chúng tôi đã có một hiệp ước phòng thủ chung với Philippines, và trong đó rõ ràng bao gồm cả tàu chiến”, ông Cole đưa ra giả thiết.

Nghi Phương
Theo Time.com