1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Biển Đông: Cần tiếng nói ngoại giao chung, mạnh mẽ hơn

Các nước có lợi ích tại Biển Đông cần đưa ra những phản ứng ngoại giao chung và mạnh mẽ hơn với Trung Quốc, nếu không muốn mất khả năng hoạt động trong khu vực này.

Trung Quốc xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng tại đảo Phú Lâm. (Nguồn: Stratfor.com)
Trung Quốc xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng tại đảo Phú Lâm. (Nguồn: Stratfor.com)

Peter Jennings, Giám đốc điều hành của Viện Chính sách Chiến lược Australia đã nhận định như trên trong bài viết đăng trên The Australian Financial Review ngày 21/2.

Động thái bất chấp

Việc Trung Quốc bất ngờ triển khai tên lửa tới đảo Phú Lâm ở Biển Đông đã hâm nóng bầu không khí trong khu vực và khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

Trước hết, động thái trên cho thấy ưu tiên của Bắc Kinh hiện tại là củng cố quyền kiểm soát tại khu vực bất chấp những phản ứng chính trị và ngoại giao của các nước khác. Rõ ràng, các cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Washington vào tháng 9/2015 với nội dung không quân sự hóa khu vực chỉ một chiến thuật trì hoãn chứ không phải là một lời hứa nghiêm túc.

Phương pháp tiếp cận của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông là dù vẫn quan tâm tới các vùng biển tranh chấp nhưng luôn hy vọng điều này không làm tổn hại tới quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Đây có lẽ là một sai lầm bởi Trung Quốc đang lợi dụng sự dè dặt của Mỹ để có cơ hội khẳng định quyền kiểm soát ở khu vực. Tuy nhiên, gần đây, Chính quyền của Tổng thống Obama có xu hướng cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề này.

Lo ngại tiếp theo chính là tác động quân sự. Tên lửa đất đối không HQ-9 mà Trung Quốc mang tới đảo Phú Lâm là một một vũ khí tinh vi với phạm vi hoạt động 200km. Chúng ta đã từng chứng kiến Nga triển khai tên lửa Buk vào Ukraine và tên lửa này đã bắn rơi máy bay dân sự MH-17 của Malaysia. Những loại tên lửa này đều là loại công nghệ có thể làm thay đổi tính toán của các nước muốn khẳng định quyền bay qua khu vực.

Việc Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và Thủ tướng New Zealand John Key ngày 19/2 kêu gọi các bên kiềm chế và làm dịu căng thẳng là hợp lý. Nhưng trên thực tế, vấn đề Biển Đông đã chuyển từ tranh chấp thành khủng hoảng, do vậy, cần phải có những biện pháp giải quyết mạnh mẽ hơn nữa.

Cần các biện pháp ngoại giao cứng rắn

Một số nhà bình luận Australia đưa ra phương án giải quyết đơn giản là cộng đồng quốc tế chấp nhận sự kiểm soát của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, đây là kịch bản hết sức nguy hiểm, đánh dấu sự đảo chiều trong chính sách tái cân bằng của Mỹ sang châu Á và khiến cho các nước trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc có cảm giác bị cô lập khi phải đối mặt với sức mạnh quân sự ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc.

Cách tiếp cận tốt hơn để giải quyết tranh chấp Biển Đông có lẽ là Mỹ và các nước trong khu vực tăng cường phối hợp để đối phó với Trung Quốc. Các nước cũng cần đưa ra những phản ứng ngoại giao chung và mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh. Không chỉ có Mỹ, một số nước khác trong khu vực cũng nên thực hiện bay tuần tra và các hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông.

Các nước cũng nên yêu cầu Trung Quốc rút các tên lửa khỏi đảo Phú Lâm và đề nghị tất cả các bên kiềm chế việc triển khai hệ thống tên lửa trên các vùng lãnh thổ đang tranh chấp trong khu vực. Nếu Bắc Kinh từ chối yêu cầu thì chính nước này đi ngược lại với những tuyên bố của họ về việc không quân sự hóa các đảo.

Bên cạnh đó, các nước nên cảnh báo và chống lại bất kỳ ý định nào của Trung Quốc nhằm tuyên bố Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) ở một phần hoặc toàn bộ Biển Đông. Tuyên bố ADIZ có thể là bước tiếp theo của Bắc Kinh trong việc khẳng định quyền kiểm soát chủ quyền của mình ở khu vực.

Cuối cùng, các nước tuyên bố có lợi ích chiến lược trong việc tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, nổi bật nhất là Australia và Nhật Bản, cần phải chứng minh sự quan tâm thực sự của mình bằng cách tăng cường thực hiện các hoạt động thể hiện quyền tự do hàng hải trong khu vực này.

Như vậy, chúng ta đang đứng trước hai lựa chọn: có thể thực hiện quyền hợp pháp theo luật quốc tế, hoặc có thể mất khả năng hoạt động trong khu vực Biển Đông bằng cách mặc nhận sức mạnh quân sự của Trung Quốc.

Theo Hằng Phạm