1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Biến chủng Omircon lây lan nhanh, châu Âu vượt 100 triệu ca Covid-19

Minh Phương

(Dân trí) - Châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch Covid-19, trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng vọt do sự xuất hiện của biến chủng Omicron.

Biến chủng Omircon lây lan nhanh, châu Âu vượt 100 triệu ca Covid-19 - 1

Châu Âu lại trở thành tâm dịch Covid-19 của thế giới (Ảnh: NYT).

Theo số liệu thống kê của hãng tin AFP, tính đến ngày 1/1/2022, số ca Covid-19 ở châu Âu chính thức vượt mốc 100 triệu ca, chiếm hơn 1/3 số ca nhiễm toàn cầu.
Trong đó, chỉ riêng 7 ngày qua, châu Âu có thêm hơn 4,9 triệu ca, với 17 trong số 52 quốc gia ở khu vực ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục, xô đổ những kỷ lục trước đó. Riêng Pháp ghi nhận hơn một triệu ca mới trong tuần qua, tương đương 10% tổng số ca mắc kể từ đầu dịch ở nước này.

Các nước có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới đều ở châu Âu, trong đó tỷ lệ cao nhất là ở Đan Mạch với 2.045 ca trên 100.000 người, tiếp đến là Cộng hòa Síp và Ireland.

Châu Âu một lần nữa trở thành tâm dịch Covid-19 của thế giới, một phần do các nước này sớm nới lỏng hạn chế sau khi đạt được độ phủ vaccine nhất định, một phần khác là do sự xuất hiện của Omicron - biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được đánh giá có khả năng lây lan cao hơn nhiều so với các biến chủng khác.

Mặc dù số ca nhiễm tăng "chóng mặt", nhưng tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở châu Âu đang có xu hướng giảm. Trong tuần qua, trung bình mỗi ngày, châu Âu ghi nhận hơn 3.400 ca tử vong do Covid-19. Hồi tháng 1 năm ngoái, trung bình mỗi ngày châu Âu có hơn 5.700 người chết vì đại dịch.

Điều này được cho là do biến chủng Omicron gây triệu chứng nhẹ hơn so với các chủng trước của SARS-CoV-2 và nhờ châu Âu đã phủ vaccine phần lớn dân số. Theo số liệu trên trang Our World in Data, 65% dân số châu Âu đã được tiêm vaccine Covid-19, trong đó 61% đã được tiêm đầy đủ, cao hơn so với mức trung bình 49% của thế giới.

Những diễn biến mới làm dấy lên kỳ vọng Covid-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu trong năm 2022.

Trong thông điệp trước thềm năm mới, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyenus nói: "Giao thừa năm mới đánh dấu năm thứ hai của đại dịch Covid-19, một lời nhắc nhở về những gì chúng ta đã đạt được lẫn đánh mất, với tâm thế một cộng đồng nỗ lực cùng nhau ứng phó cuộc khủng hoảng toàn cầu. Đây là dịp để chúng ta nhìn lại và tiếp tục nỗ lực hành động để chấm dứt đại dịch trong năm 2022". Ông Tedros cho rằng, thế giới đã có đầy đủ công cụ và nguồn lực để chấm dứt đại dịch, nhưng chỉ còn thiếu ý chí.

Giới chuyên gia dự đoán, Covid-19 sẽ không còn là "đại dịch" trong năm 2022 do tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu ngày càng mở rộng và các thuốc kháng virus cũng phổ biến hơn.

Bệnh đặc hữu có nghĩa là virus sẽ tiếp tục lưu hành trong các bộ phận dân số toàn cầu trong nhiều năm, nhưng mức độ phổ biến và tác động của nó sẽ giảm xuống mức có thể kiểm soát được. Mặc dù vậy, một số chuyên gia cũng cảnh báo, sự xuất hiện của Omicron có thể trì hoãn giai đoạn đặc hữu của Covid-19 bởi số ca nhiễm tăng nhanh trong một thời gian ngắn sẽ gây sức ép cho hệ thống y tế vốn gặp nhiều khó khăn suốt 2 năm qua của thế giới.