1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bí mật đằng sau cơ chế “điện thoại đỏ” giữa Nga và Mỹ

(Dân trí) - Cách đây hơn 50 năm, Mỹ và Nga (khi đó là Liên Xô) đã nhất trí thiết lập một đường dây liên lạc “nóng” giữa hai nước mà giới truyền thông gọi là “Điện thoại đỏ”. Những căng thẳng gần đây giữa Washington và Moscow đã gợi lại những bí mật đằng sau cơ chế liên lạc đặc biệt này.


“Điện thoại đỏ” được đưa vào sử dụng từ đầu những năm 1960 (Ảnh: NBC News)

“Điện thoại đỏ” được đưa vào sử dụng từ đầu những năm 1960 (Ảnh: NBC News)

Mặc dù được gọi là “Điện thoại đỏ” song cơ chế liên lạc đặc biệt giữa Nga và Mỹ hoàn toàn không thông qua một chiếc điện thoại nào. Thực chất đây là một đường dây điện tín, fax và truyền các tin nhắn được mã hóa giữa Lầu Năm Góc và điện Kremlin.

Tuy nhiên, vai trò của “Điện thoại đỏ” mang tính chất khẩn cấp: tránh các nguy cơ chiến tranh giữa hai cường quốc hạt nhân là Mỹ và Nga.

Được thiết lập cách đây hơn nửa thế kỉ nhưng không mấy khi “Điện thoại đỏ” được sử dụng. Hồi tháng 10 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã sử dụng cơ chế này cảnh báo Tổng thống Nga Vladimir Putin về cáo buộc Moscow đứng đằng sau vụ tin tặc tấn công và can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Ông Obama đã gửi thông điệp của mình bằng email thông qua đường truyền vệ tinh tuyệt đối an toàn.

Cho đến nay, Mỹ đã đưa vào sử dụng một hệ thống đường dây nóng mới nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công hạt nhân nhằm vào nước này. Những điện thoại này được vận hành bởi Bộ Tư lệnh phòng không lục địa Mỹ.

Đường dây nóng giữa Washington và Moscow chính thức đi vào hoạt động từ năm 1963. Hệ thống này bao gồm máy đánh chữ và các máy giải mật mã, giúp các biên dịch viên Mỹ và Nga có thể giải được những thông điệp của bên kia. Các máy điện tín của Mỹ được đặt tại Lầu Năm Góc và vẫn còn ở đó đến tận ngày nay.

Tin nhắn đầu tiên được gửi từ Washington tới Moscow vào ngày 30/8/1963 với nội dung: “Con cáo nâu nhanh nhẹn nhảy qua lưng chú chó lười biếng 1234567890”. Tin nhắn này được coi là phép thử sự chính xác của hệ thống bởi nó bao gồm tất cả các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh và các chữ số.

Trải qua thời gian, hệ thống này đã được nâng cấp với nhiều công nghệ tiên tiến như vệ tinh, máy fax, máy tính và thư điện tử. Mục đích của việc này là truyền tải thông tin nhanh hơn song không sử dụng lời nói do tránh hiểu nhầm.

Lyndon Johnson là Tổng thống Mỹ đầu tiên sử dụng “Điện thoại đỏ” để liên lạc với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Alexei Kosygin vào năm 1967. Tin nhắn của ông Johnson đề cập đến việc Mỹ triển khai không quân đến Trung Đông trong “Cuộc chiến 6 ngày”.

Bốn năm sau, Tổng thống Richard Nixon đã sử dụng đường dây điện tín để liên lạc với người đồng cấp Liên Xô Leonid Brezhnev. Năm 1973, ông một lần nữa sử dụng “Điện thoại đỏ” trong chiến tranh Yom Kippur khi Ai Cập và Syria cùng chống lại Israel.

Tổng thống Jimmy Carter chỉ sử dụng đường dây trên một lần trong năm 1979 khi Liên Xô tham gia cuộc chiến tranh tại Afghanistan. Trong khi đó, Tổng thống Ronald Reagan được cho là sử dụng hệ thống này rất thường xuyên, không chỉ trong những tình huống khẩn cấp.

Chiến tranh Lạnh kết thúc không có nghĩa “Điện thoại đỏ” hết công dụng. Hệ thống này tiếp tục được nâng cấp dưới thời chính quyền Tổng thống Obama. Đến nay, Washington và Moscow vẫn thường xuyên thử nghiệm hệ thống này.

Việc Tổng thống Obama sử dụng “Đường dây đỏ” để cảnh báo về cáo buộc tin tặc Nga can thiệp chiến dịch bầu cử Mỹ đã cho thấy tính chất nghiêm trọng của vụ việc.

Nhật Minh

Theo NBC News