1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít 9/5

Bí mật bom nguyên tử "rởm" của Hitler

(Dân trí) - Hơn 60 năm trôi qua, Chiến tranh thế giới thứ Hai đã lùi vào dĩ vãng. Thế nhưng, những bí mật về bom nguyên tử của phát xít Đức vẫn còn là một đề tài tranh luận không ngừng và sôi nổi cho đến tận ngày nay...

Những thông tin trái chiều

 

Trong bộ phim truyền hình nổi tiếng “Mười bẩy khoảng khắc mùa Xuân”, điệp viên siêu hạng  của Liên Xô trong cơ quan đầu não phát xít Đức - Đại tá Stierlitz đã góp phần đánh bại phát xít khi anh không thả nhà vật lý nổi tiếng Runge - người nắm giữ nhiều bí mật hạt nhân ở trại tập trung. Qua đó đã góp phần ngăn chặn trước âm mưu chế tạo bom nguyên tử của Đức quốc xã. Thế nhưng, đó chỉ là phim và phần nào có hư cấu. Còn nguyên nhân đích thực đã cản trở bọn phát xít chế tạo loại bom nguy hiểm này  thì có nhiều và lại đến từ các hướng rất khác nhau.

 

Một số nhà bác học nguyên tử Liên Xô cho rằng kế hoạch bom nguyên tử của Hitler bị chôn vùi  từ tháng 11/1944.  Đầu  tiên kế hoạch đã bị biệt kích Anh phá hoại và sau đó, 140 “Pháo đài bay” khổng lồ của Không quân Đồng minh đã san phẳng nhà máy chế tạo nước nặng  ở gần thành phố Rjukan, cách  Thủ  đô Oslo (Na Uy) 180 km về phía Tây. Thiếu nước nặng, bọn phát xít không thể  chế tạo  bom nguyên tử.

 

Nhiều nhà sử học Liên Xô và nước ngoài thì lại cho rằng đã có một loạt nguyên nhân nữa, không kém phần quan trọng đã làm phá sản âm mưu chế tạo bom nguyên tử của Đức quốc xã : Đó là mâu thuẫn giữa  3 nhóm nghiên cứu chế tạo dự án này; Là sai lầm của các nhà bác học Đức; Là “chính sách cán bộ” không đúng của Đế chế thứ ba khi đã để cho một loạt các nhà bác học và chuyên gia Vật lý tài năng hàng đầu nước Đức ra đi từ những năm 30 thế kỷ XX như Anbert Einstein ...

 

“Bom nguyên tử rởm” của Hitler

 

Bí mật bom nguyên tử "rởm" của Hitler - 1
 

Rainer Karlsch và cuốn sách “Hitlers Bombe”.

Tuy vậy, nước Đức  quốc xã cũng cố gắng hết sức mình chế tạo ra được một quả bom mà họ gọi là bom nguyên tử. Trong cuốn sách  gây sốc  cho dư luận mới xuất bản gần đây tại Thủ đô Berlin có tên Bom Hitler - Bí mật những cuộc thử nghiệm vũ khí nguyên tử, tác giả Rainer Karlsch đã xác nhận rằng trong giai đoạn  gần một năm  từ 1944 - 1945, các nhà bác học Đức đã chế tạo và cho nổ thử một số bom nguyên tử ở các đảo Rewgen và Tewring trên biển Bantích. Nhiều tù binh và tù nhân trong các trại tập trung  ở khắp nước Đức được đưa đến đấy để thử nghiệm sức huỷ diệt của loại bom này đã chết trong các vụ nổ thí nghiệm. Còn cuối năm 1944, đầu năm 1945, lò phản ứng hạt nhân đầu tiên đã được xây dựng và đưa vào sử dụng ở ngoại ô thủ đô Berlin.

 

Thực chất, Hitler có chế tạo được bom nguyên tử hay không? Trả lời câu hỏi này, trong cuốn sách “Bom Uran”, Giáo sư sử học Mark Walker của trường Đại học Schenectady, bang New York, Hoa Kỳ, cho biết : “Hitler đúng là đã có bom mới. Trong thời gian chiến tranh thế giới thứ 2, các Nhà bác học Đức đã nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử”. Thế nhưng, do “không tính toán đúng khối lượng tới hạn nên các nhà bác học Đức đã lấy hú hoạ một lượng uranium đã được làm giàu và bao quanh nó chất nổ thông thường và cho nổ... thử. Bom nổ. Các phần tử uranium văng ra và làm nhiễm xạ khu vực. Đấy thực chất không phải là bom nguyên tử chính hiệu  mà là bom nguyên tử ... “rởm” hay còn gọi là bom bẩn theo thuật ngữ hiện đại ngày nay!”.  Để chế tạo được bom nguyên tử thật sự thì nước Đức quốc xã còn phải cần một thời gian nữa... 

 

Hy vọng ngông cuồng tiêu tan

 

Sau những cuộc nổ thử ít nhiều có kết quả như vậy, bè lũ phát xít đã đặt rất nhiều hy vọng vào thứ vũ khí giết người ghê gớm này. Tháng 8/1944, khi gặp gỡ nhà độc tài  Rumanie là Antonescu, Hitler nửa úp, nửa mở hý hửng thông báo : “Trong vòng bán kính 3-4 km, loại bom  mới sẽ tiêu diệt hết những sinh vật sống”.

 

Tháng 1/1945, Bộ trưởng bộ trang bị Đức quốc xã là Albert Speer còn huyênh hoang hơn: “Chúng ta  chỉ cần 1 năm nữa là sẽ chiến thắng trong cuộc chiến tranh này”. Chỉ tay lên  hộp đựng bút trên bàn, hắn nói tiếp: “Chất nổ  nguyên tử chỉ bé bằng cái hộp bút cũng đủ tiêu diệt cả thành phố New York!”.

 

Vào thời điểm khi quân Mỹ đã vượt qua sông Ranh, còn Hồng quân Liên Xô đã tiến tới bờ sông Oder và chỉ còn cách thủ đô Berlin 60 km thì Thống chế Henrich Himler - Tư lệnh các lực lượng phát xít, vẫn rất tin vào  sức mạnh vũ khí nguyên tử của Đế chế thứ 3. Hắn đã nói với bác sỹ riêng của mình: “Chúng ta vẫn chưa sử dụng tới thứ vũ khí khủng khiếp cuối cùng...Chỉ cần ấn nút thả loại bom mới này thì trong chớp mắt, những thành phố to lớn như  New York, London... sẽ biến  mất ngay khỏi mặt đất !”

 

Thật may là những ý nghĩ ngông cuồng và điên rồ ấy không bao giờ  còn thực hiện được nữa. Hàng loạt đại bác và tên lửa Kachiusa của quân đội Xô viết đã  gầm lên, rung chuyển cả đất trời. Những đường  đạn đỏ  rực,  tới tấp lao thẳng vào sào huyệt cuối cùng của Đức quốc xã. Thủ đô Berlin thất thủ trước sức tấn công  như vũ bão của Hồng quân Liên Xô. Không còn cơ hội  nào cho bọn phát xít. Ảo tưởng giành thắng lợi bằng vũ khí nguyên tử của chúng tan thành ...mây khói!.

 

Thành Nam

Theo Pravda