Bị do thám, vì sao Đức vẫn kín tiếng về NSA ?
Từ nhiều tháng nay đang nổ ra tranh luận gay gắt giữa Quốc hội và Phủ Thủ tướng Đức liên quan việc có hay không công khai danh mục do thám của tình báo Mỹ ở Đức.
Chính phủ Đức lập luận rằng nếu không được Mỹ đồng ý, Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel sẽ không công bố danh sách này cho các nhà điều tra.
Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn "nhắm mắt làm ngơ" vì lợi ích tình báo?
Tuy nhiên, theo thông tin của báo Đức "Thời đại" ngày 14/8, Nhà Trắng dành quyền quyết định cho Chính phủ Đức việc có trao danh mục do thám của Mỹ cho các nghị sĩ Đức hay không.
Tờ báo Đức dẫn lời một quan chức giấu tên Chính phủ Mỹ nói rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama không cấm Chính phủ Đức chuyển danh mục do thám của tình báo Mỹ cho các nghị sĩ phụ trách điều tra bê bối do thám của Mỹ.
Hiện Chính phủ Đức vẫn im lặng trước các thông tin này, trong khi đảng Cánh tả và đảng Xanh trong Quốc hội bày tỏ phẫn nộ về sự im lặng của Chính phủ. Quan chức nêu trên của Mỹ cũng bác bỏ thông tin của an ninh Đức nói rằng Mỹ doạ sẽ hạn chế hợp tác tình báo nếu Đức công khai danh mục do thám của tình báo Mỹ, cho rằng thông tin này là "chuyện hoàn toàn hoang đường".
Đại diện đảng Xanh trong Uỷ ban Điều tra NSA Konstantin von Notz cho rằng nếu những thông tin mà báo "Thời đại" đăng tải là đúng sự thật thì đây sẽ là một vụ bê bối tiếp theo của Chính phủ Đức. Ông nói: "Chính phủ liên bang như vậy là đã cố tính lừa dối Quốc hội và công luận nhằm che đậy vụ bê bối".
Theo các nguồn tin thông báo chí Đức, Cục Tình báo liên bang Đức (BND) được cho đã giúp Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) do thám các doanh nghiệp và chính trị gia châu Âu trong nhiều năm. Việc do thám này được Đức thực hiện thông qua các "danh mục tìm kiếm" như số điện thoại, địa chỉ IP máy tính.
Trước sức ép của các đảng đối lập, Quốc hội Đức đầu năm ngoái đã thành lập Uỷ ban Điều tra các hoạt động do thám của NSA. Uỷ ban gồm 8 thành viên với các đại diện từ cả phe cầm quyền và đối lập. Tuy nhiên, công việc của uỷ ban hầu như "giậm chân tại chỗ" do không nhận được sự hợp tác của Chính phủ.
Nhân sự của uỷ ban này cũng liên tục được thay đổi vì các lý do khác nhau. Sau khi các đảng đối lập yêu cầu Chính phủ cung cấp "danh mục tìm kiếm", Chính phủ đã bổ nhiệm cựu Thẩm phán liên bang Kurt Graulich làm Đặc phái viên trong Uỷ ban điều tra để làm việc với các tài liệu mật. Tuy nhiên, điều này đã bị các đảng đối lập kịch liệt phản đối, cho rằng không thể để một cá nhân quyết định và thẩm định những tài liệu quan trọng này.
Trong khi đó cùng ngày 14/8, báo "Thời đại" của Đức dẫn lời cựu Điều phối viên tình báo và cựu Giám đốc BND Ernst Uhrlau khẳng định đương kim Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier là người đã biết về việc BND giúp NSA ngay từ năm 2003, thời điểm ông Steinmeier còn làm Chánh Văn phòng Phủ thủ tướng Đức.
Theo bài báo, từ năm 2004-2008, BND đã thâm nhập vào mạng dữ liệu tại điểm kết nối Internet của Công ty viễn thông Telekom ở Frankfurt và chuyển một phần dữ liệu khai thác được cho NSA.
Thông thường, các hoạt động tình báo của cả ba cơ quan tình báo ở Đức gồm BND (tình báo nước ngoài), BfV (tình báo nội địa) và MAD (tình báo quân đội) đều phải nằm dưới sự giám sát của Uỷ ban tình báo Quốc hội (Uỷ ban G-10, hoạt động độc lập).
Tuy nhiên, rất nhiều các thông tin bị phanh phui trong các hoạt động hợp tác của BND với tình báo Mỹ tới nay cho thấy dường như cơ quan này hoạt động chỉ chịu sự chỉ đạo từ Phủ Thủ tướng Đức. Đã có rất nhiều Bộ trưởng, cựu Bộ trưởng, cựu quan chức cấp cao của Đức bị tố tiếp tay hoặc làm ngơ cho hoạt động của tình báo Mỹ.
Nếu các thông tin về hợp tác tình báo Đức-Mỹ được công khai, biết đâu sẽ liên đới tới vô số người, kể cả những người còn đương chức. Lập luận cho rằng việc công bố sự hợp tác tình báo giữa Đức và Mỹ sẽ khiến Washington cắt hoặc giảm quy mô hợp tác, khiến Đức "như mù", phải chăng chỉ là tấm bình phong?
Thủ tướng Merkel cùng nhiều bộ trưởng và quan chức cấp cao Đức bị nghe lén. Berlin phản ứng một cách tức giận, khẳng định rằng "không thể chấp nhận việc theo dõi giữa những người bạn".
Thế nhưng, khi phe đối lập muốn mời cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden làm nhân chứng điều tra các hoạt động do thám của NSA thì Berlin lại hết sức ngăn cản. Phải chăng chỉ vì lo ngại ảnh hưởng tới quan hệ tình báo giữa hai nước? Có lẽ, Berlin sẽ chỉ dừng lại ở việc kêu gọi Mỹ "giải thích"hoặc "nhanh chóng làm sáng tỏ vụ việc" …
Tin và ảnh theo Mạnh Hùng