Bí ẩn tàu Wilhelm Gustloff với 100 triệu bảng Anh vàng (bài 1)
Ngày 30-1-1945, con tàu Wilhelm Gustloff của Đức quốc xã, chở theo số vàng trị giá 100 triệu bảng Anh cùng nhiều tác phẩm hội họa, điêu khắc quý giá mà phát xít Đức cướp được ở nhiều nước châu Âu trong suốt cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2, đã bị tàu ngầm S.13 của Liên Xô đánh chìm ở ngoài khơi biển Baltic, gần Ba Lan.
Ngày 28-10-2016, một thợ lặn người Anh là Phil Sayers tuyên bố đã tìm thấy kho báu trong con tàu này, nằm ở độ sâu 45m dưới đáy biển…
Tàu Wilhelm Gustloff và những lần thay da đổi thịt
Hạ thủy ngày 5-5-1937 bởi hãng đóng tàu Blohm & Voss, Đức, Wilhelm Gustloff là tàu du lịch, dài 208,5m, rộng 23,59m, tải trọng 25.484 tấn, trang bị động cơ diesel công suất 9.500 mã lực, tốc độ tối đa 28,7km/giờ, có thể hành trình trên một quãng đường dài 22.000km mà không cần phải tiếp thêm nhiên liệu; được thiết kế với mục đích cung cấp hoạt động văn hóa giải trí cho giới công nhân, công chức Đức quốc xã, bao gồm các buổi hòa nhạc, du lịch, nghỉ dưỡng trên biển nhằm giới thiệu với thế giới hình ảnh của một "đế chế Đức hiền lành".
Thoạt đầu, hãng Blohm & Voss dự định đặt tên cho tàu là Adolf Hitler nhưng sau khi Wilhelm Gustloff, một trong những lãnh đạo của đảng Quốc gia Xã hội Đức (đảng Quốc xã), chi nhánh ở Thụy Sĩ, bị ám sát vào năm 1936 thì tại lễ tưởng niệm, lúc ngồi cạnh bà góa phụ Wilhelm Gustloff , Hitler quyết định lấy tên ông này đặt cho tàu.
Đầu mùa hè năm 1939, tàu Wilhelm Gustloff làm nhiệm vụ chở quân đánh thuê giúp tướng Francisco Franco trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha. Đến tháng 9, nó biến thành tàu bệnh viện Lazarettschiff. Tháng 11-1940, tất cả thiết bị y tế trên tàu đều được gỡ bỏ, thân tàu màu trắng được sơn lại thành màu xám của Hải quân Đức. Lúc ấy, tàu là căn cứ nổi của khoảng 1.000 sĩ quan, thủy thủ thuộc Sư đoàn 2 tàu ngầm U-Boat, Đức, neo đậu tại cảng Gdynia, gần thành phố Danzig, miền đông nước Đức.
Cuối năm 1944, trước sự tấn công như vũ bão của Hồng quân Liên Xô, tàu Wilhelm Gustloff vội vã sơn lại màu trắng dân sự nhằm che mắt máy bay và tàu chiến Đồng minh để có thể di tản binh lính và công dân Đức từ Danzig, cũng như Kurzeme về Gotenhafen trong một chiến dịch được gọi là Hannibal.
Thiếu tá Heinz Schon, một trong những sĩ quan phụ trách việc di tản, may mắn sống sót sau khi tàu Gustloff bị đánh chìm cho biết: "Wilhelm Gustloff rời bến với thủy thủ đoàn gồm 918 người cùng 173 lính hải quân, 373 nữ trợ tá, 162 thương binh và 8.956 thường dân, trong đó 5.000 là trẻ em, bao gồm người Phổ, Lithuania, Latvia, Ba Lan, Estonia và Croatia, chưa kể các nhân viên mật vụ Gestapo, các quan chức cao cấp Đức quốc xã ở mặt trận đông Phổ cùng gia đình họ. Tổng cộng có khoảng 10.582 người trên tàu".
Rudi Lange, nhân viên phòng vô tuyến điện của tàu - và cũng là người may mắn sống sót cho biết thêm: "Hai ngày trước khi khởi hành, hàng trăm lượt xe tải phủ bạt chạy đến, binh lính khiêng lên tàu những chiếc thùng rất nặng mà trưa hôm sau, tôi mới biết trong thùng toàn là vàng. Những bức tranh quý được cắt ra khỏi khung, cuộn lại rồi nhét trong những ống bằng thép, những bức tượng bán thân hoặc nguyên cả hình hài được bọc bằng vải dầu, bên ngoài là lớp thùng gỗ, chằng buộc cẩn thận…"
Tất cả những loại hàng hóa này là kết quả của những vụ cuớp bóc đã diễn ra trong suốt thời gian quân đội Đức quốc xã xâm chiếm các quốc gia Đông Âu và một phần Liên Xô, chưa kể nó còn được chuyển về Danzig từ Pháp, Bỉ, Áo, Ai Cập.
Trong những trại tập trung của Đức quốc xã, đồ nữ trang, gọng kính, bút máy, vỏ đồng hồ bằng vàng, kể cả răng vàng của tù nhân Do Thái được nấu chảy, đúc thành từng khối. Danzig khi đó được coi như một kho trung chuyển trước khi vàng, kim cương, ngọc bích, ngọc lục bảo cùng các tác phẩm điêu khắc, hội họa, biến mất trong những bộ sưu tập riêng của các tướng lĩnh, các ông trùm tài phiệt Đức.
Tấn thảm kịch trên tàu Wilhelm Gustloff
12 giờ 30 phút ngày 30-1-1945, tàu Wilhelm Gustloff kéo còi rời cảng Gdynia với sự hộ tống của tàu phóng lôi Lowe. Nhân viên vô tuyến điện Rudi Lange nói: "Lẽ ra, ngoài tàu Lowe thì còn có một tàu phóng lôi hộ tống nữa, là tàu Hansa nhưng trước lúc khởi hành, chiếc Hansa gặp trục trặc về máy móc nên nó phải ở lại".
Vì chở quá đông, hơn nữa nhiệt độ và độ ẩm bên trong tàu khá cao nên nhiều hành khách đã cởi bỏ áo phao của họ, mặc kệ những lời nhắc nhở của thủy thủ đoàn. Đã vậy, việc chỉ huy trên tàu cũng xảy ra một số mâu thuẫn.
Theo nguyên tắc, chỉ có thuyền trưởng tàu Wilhelm Gustloff là Friedrich Petersen được toàn quyền quyết định hải trình nhưng ngoài ông ra, trong số hành khách còn có 2 thuyền trưởng tàu vận tải là Kohler và Weller, 2 thuyền trưởng tàu ngầm U-Boat. Cả 5 thuyền trưởng ấy, chẳng ai đồng ý với ai về phương án tốt nhất để chống lại sự tấn công của quân Đồng minh nếu điều đó xảy ra vì trên tàu chỉ trang bị 4 khẩu súng phòng không.
Thiếu tá Hải quân Wilhelm Zahn, chỉ huy tàu ngầm U-Boat đề nghị tàu nên đi trong vùng nước nông vì theo kinh nghiệm của ông ta, tàu ngầm - kể cả tàu Đức lẫn tàu Đồng minh đều ngại hoạt động ở vùng nước nông vì sợ hỏng chân vịt và dễ bị máy bay tuần thám phát hiện trong lúc Kohler, thuyền trưởng tàu vận tải thì lại cho rằng chiếc Wilhelm Gustloff càng đi xa bờ càng tốt.
Cuối cùng, thuyền trưởng Friedrich Petersen quyết định cho tàu ra vùng nước sâu, nơi ông được thông báo rằng các tàu quét mìn của Đức đã dọn sạch thủy lôi.
Đến khoảng 18 giờ, phòng vô tuyến điện cho Petersen biết có một đội tàu quét mìn của Đức đang trên đường hướng đến chiếc Wilhelm Gustloff thì ông ra lệnh cho sĩ quan trực boong mở tất cả các đèn hiệu xanh, đỏ trên boong, nhằm tránh một sự va chạm trong bóng tối. Hành động ấy đã vô tình biến chiếc Wilhelm Gustloff thành một mục tiêu không thể không nhìn thấy đối với tàu ngầm của quân Đồng minh.
Một lính Đức bị thương được điều trị trên tàu Wilhelm Gustloff khi nó còn là tàu bệnh viện.
19 giờ, chỉ huy tàu ngầm Liên Xô S-13 là thuyền trưởng Alexander Marinesko, qua kính tiềm vọng đã nhận ra ánh sáng xanh đỏ trên chiếc Wilhelm Gustloff và đèn hiệu của tàu hộ tống Lowe. Sau này, Alexander Marinesko viết trong bản tường trình: "Wilhelm Gustloff được trang bị súng chống máy bay và người Đức đã không tuân theo các quy ước thời chiến, không sơn chữ thập đỏ lên thân tàu để chứng minh là tàu bệnh viện, không phát tín hiệu y tế bằng đèn mà lại còn có tàu vũ trang đi theo hộ tống…"
Xui xẻo hơn nữa là bộ cảm biến nhằm phát hiện tiếng chân vịt của tàu ngầm, đặt trên tàu hộ tống Lowe lại bị băng tuyết bao phủ nên nó không hoạt động, thủy thủ phải quan sát bằng cách chú ý xem có những cột nước tạo bọt trắng trên mặt biển do ống kính tiềm vọng của tàu ngầm gây ra hay không, nên tàu Lowe có mắt cũng như mù.
Lúc này trên tàu Gustloff, không ai nhận thức được mối nguy hiểm đang rình rập trong bóng tối. Hệ thống loa phát nhạc được mở hết công suất, người ta nhảy nhót, trò chuyện, ăn tối. Tại khu vực VIP trên boong, các trùm tài phiệt Đức quốc xã cùng các sĩ quan quân đội cao cấp ngồi xung quanh những chiếc bàn tròn, uống rượu cognac và thưởng thức món trứng cá hồi đen trong khi dân thường hài lòng với bánh mì, gà quay, xúc xích và súp bắp cải.
20 giờ, âm nhạc bị gián đoạn khi hệ thống loa phát thanh truyền đi bài phát biểu của Hitler, kỷ niệm 12 năm ngày đảng Quốc xã lên nắm quyền cùng những lời hứa hẹn về một chiến thắng bằng loại vũ khí mới là bom bay V2. Koenig, một hành khách sống sót kể lại: "Tiếng Hitler vang lên khắp cả tàu. Không còn nghi ngờ gì nữa, nó tạo ra cho hầu hết mọi người sự yên tâm, thoải mái dù rằng đây đó vẫn có những ánh mắt hoài nghi…".
Tàu ngầm S-13 bám theo chiếc Wilhelm Gustloff suốt 2 tiếng.
Vẫn qua kính tiềm vọng, thuyền trưởng Alexander Marinesko nhìn thấy trên boong lố nhố những lính là lính nên lúc 21 giờ 16 phút, ông quyết định tấn công. Quả ngư lôi đầu tiên phá vỡ các vách ngăn nước nằm gần phòng ngủ của thuyền trưởng và thủy thủ đoàn tàu Wilhelm Gustloff. Quả thứ hai nổ tung ở khu vực hồ bơi, cạnh chỗ nghỉ dành cho các nữ trợ tá hải quân. Những lá thép bị xé nát, nước ập vào từng buồng.
Trong số 373 nữ trợ tá, chỉ 3 người thoát chết. Quả thứ 3 lao thẳng vào phòng đặt động cơ chính, tạo ra từng cuộn lửa khổng lồ, bùng lên, cháy dữ dội khiến con tàu hoàn toàn tê liệt. Riêng quả thứ tư đánh trúng phần đuôi tàu nhưng không nổ.
Cảnh hoảng loạn diễn ra. Chỉ duy nhất 1 xuồng cứu sinh được hạ xuống bởi lẽ các cần trục đều bị băng tuyết bám cứng khiến ổ chứa dây cáp không quay được. Người ta mạnh ai nấy chen xuống chiếc xuồng chỉ có thể chở được tối đa 32 người, mặc kệ quy tắc cứu nạn "ưu tiên phụ nữ và trẻ em".
Xác chết vương vãi khắp nơi, trên mặt boong, dọc theo các lối đi, trên những cầu thang và trong các phòng ngủ. Tiếng la hét, cầu cứu, rên la, than khóc vang lên. Một số người do quá sợ hãi đã liều mạng nhảy xuống biển, lúc này đã đóng một lớp băng mỏng vì nhiệt độ là âm 18 độ C. Phần lớn những người ấy đều tử vong chỉ trong vài phút. Nhiều sĩ quan Đức quốc xã chọn cách tự sát sau khi đã bắn chết tất cả những thành viên trong gia đình
Theo lệnh của thuyền trưởng Petersen, các cửa ngăn nước nơi trúng quả thủy lôi thứ nhất được đóng kín nhưng không may, khu vực ấy lại là chỗ ở của thủy thủ đoàn. Nhiều người trong số họ được đào tạo đặc biệt về các thao tác hạ xuồng cứu sinh và các hành động khi gặp tình huống khẩn cấp. Tất cả đều chết vì ngạt thở.
70 phút sau khi trúng ngư lôi, tàu Wilhelm Gustloff chìm ở vị trí 30 km ngoài khơi giữa Grobendorf và Leba, chỉ cách hải phận Ba Lan khoảng 8km. Khi thấy Wilhelm Gustloff bốc cháy, tàu phóng lôi hộ vệ Lowe một mặt chạy đến ứng cứu, mặt khác đánh điện yêu cầu tất cả các tàu Đức đang ở gần đó, nhanh chóng hỗ trợ.
Kết quả tàu Lowe cứu được 472 người, tàu phóng lôi T-36 cứu 564 người, tàu quét mìn M387 cứu 98 người, tàu quét mìn M375 cứu 43 người, tàu quét mìn M341 cứu 37 người, chiếc tàu vận tải chạy bằng hơi nước Gottingen cứu 28 người và một số tàu khác cứu thêm được 10 người nữa, trong đó có 1 trẻ em.
Tổng cộng chỉ có 1.252 người được cứu thoát nhưng 9.343 người còn lại tử vong, phần lớn vì sức nổ của 3 quả thủy lôi tạo ra những đám cháy, còn lại là chết vì nhảy xuống nước biển quá lạnh. Con số khủng khiếp nhất trong lịch sử hàng hải thế giới, gấp 6 lần số người chết trên tàu du lịch Titanic.
(Còn nữa...)
Theo Cao Trí/ History
An ninh thế giới