Bí ẩn “hoa anh đào từ vũ trụ” gây xôn xao ở Nhật
(Dân trí) - Một bí ẩn vũ trụ đang kết nối giới tu sỹ và khoa học ở Nhật, sau khi một cây hoa anh đào được trồng từ hạt giống từng “ngao du” trên vũ trụ 8 tháng đột ngột nở hoa sớm nhiều năm so với quy luật thông thường của “mẹ” Trái đất.
Du hành gia Wakata và túi đựng hạt đào trên ISS.
Cây đào 4 năm tuổi, được trồng từ hạt đào từng “ngao du” trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đã nở hoa vào 1/4 vừa qua, trước 6 năm so với “lịch” thông thường của “mẹ” Trái đất.
Đào nở sớm đã khiến các thầy tu ở một ngôi đền cổ tại miền trung Nhật “bối rối”. “Chúng tôi rất kinh ngạc khi thấy nó phát triển nhanh đến vậy”, Masahiro Kajita, người đúng đầu đền Ganjoji ở Gifu cho biết qua điện thoại với hãng thông tấn AFP.
“Hạt từ cây gốc trước đây chưa bao giờ đâm chồi. Chúng tôi rất hạnh phúc bởi nó sẽ tiếp nối cây “mẹ”, được cho là đã 1.250 tuổi”.
Hạt đào nằm trong số 265 hạt được lấy từ cây anh đào nổi tiếng “Chujo-hime-seigan-zakura”, trong dự án thu thập hạt từ các loại cây đào ở 14 địa điểm khắp Nhật. Rồi sau đó chúng được đưa lên ISS vào tháng 11/2008 và trở về trái đất vào tháng 7 năm sau cùng với du hành gia người Nhật Koichi Wakata, sau khi quay vòng quanh trái đất 4.100 lần.
Một số hạt được đưa đến phòng thí nghiệm, nhưng hầu hết được đưa trở lại địa phương và được lựa chọn trồng tại các nhà dưỡng lão gần đền Ganjoji.
Đến tháng 4 năm nay, “cây đào vũ trụ” đã cao khoảng 4m và đột ngộ trổ 9 bông hoa, mỗi bông chỉ 5 cánh. Thông thường cây đào cùng loại phải mất 10 năm mới trổ những bông hoa đầu tiên.
Và “cây đào vũ trụ” tại đền Ganjoji không phải là trường hợp đặc biệt duy nhất. Trong số 14 địa điểm “đào vũ trụ” được trồng, hoa đã nở ở 4 địa điểm. 2 năm trước, một cây đào nhỏ đã ra 11 bông tại Hokuto, vùng núi cách tây Tokyo 115km, khoảng 2 năm sau khi được trồng. Và đào loại này thường mất 8 năm mới ra hoa.
Sóng vũ trụ
Theo Miho Tomioka, phát ngôn viên của dự án “đào vũ trụ” cho biết, hạt đào được gửi lên ISS là một phần “trong dự án giáo dục và văn hóa, hỗ trợ trẻ em thu thập hạt và tìm hiểu xem hạt mọc thành cây và sống như thế nào sau khi trở về trái đất. “Chúng tôi đã dự đoán cây đào Ganjoji sẽ nở hoa khoảng 10 năm sau khi trồng, khi các em nhỏ đến tuổi tìm hiểu”, bà cho biết thêm.
Kaori Tomita-Yokotani, nhà nghiên cứu tại Đại học Tsukuba, thành viên của dự án, cho biết bà ngạc nhiên trước bí ẩn vũ trụ này. “Chúng tôi không loại trừ khả năng cây đã bị ảnh hưởng khi tiếp xúc với môi trường vũ trụ”.
Tomita-Yokotani, nhà sinh lý học cây trồng, cho biết rất khó giải thích vì sao đào ở đền Ganjoji lại phát triển nhanh đến vậy, do không có nhóm nào theo dõi, so sánh sự phát triển của cây với những cây khác. Bà cho rằng sự thụ phấn chéo giữa các loài không thể loại trừ. Nhưng do thiếu dữ liệu nên việc giải thích hiện tượng trở nên khó khăn.
“Dĩ nhiên, có khả năng việc tiếp xúc với các sóng vũ trụ mạnh hơn đã tăng tốc quá trình nở hoa và phát triển tổng thể của cây”, bà nói. “Từ góc độ khoa học, chúng tôi có thể nói chúng tôi không biết tại sao”.
Du hành gia Wakata đã trở lại ISS và làm chỉ huy trạm vũ trụ quốc tế này. Hôm qua, nhà du hành đã tham gia vào link video cùng với Thủ tướng Nhật Abe và đại sứ Mỹ tại Nhật Caroline Kennedy, để trò chuyện về cuộc sống hàng ngày của nhà du hành từ nơi cách trái đất hàng trăm km.
Trung Anh
Theo AFP