1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bệnh viện vỡ trận, Covid-19 dọa "nhấn chìm" Indonesia, Malaysia

Minh Phương

(Dân trí) - Indonesia, Malaysia đang trở thành tâm dịch ở Đông Nam Á khi số ca mắc và tử vong vì Covid-19 tăng nhanh trong làn sóng Covid-19 mới.

Indonesia quay cuồng trong bão Covid-19

Bệnh viện vỡ trận, Covid-19 dọa nhấn chìm Indonesia, Malaysia - 1

Indonesia hiện là vùng dịch lớn nhất Đông Nam Á (Ảnh: AFP).

"Indonesia đã ở tình huống tồi tệ nhất"

Sự xuất hiện của biến chủng dễ lây lan hơn cộng với tâm lý chủ quan phòng dịch đang khiến Indonesia phải đối mặt với làn sóng Covid-19 nghiêm trọng chưa từng có. Với gần 2,7 triệu ca nhiễm, hơn 69.000 ca tử vong, Indonesia hiện là vùng dịch lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á, thậm chí tỷ lệ tử vong do Covid-19 tính theo đầu người cao hơn cả Ấn Độ - tâm dịch lớn thứ hai thế giới.

Chỉ riêng trong ngày 14/7, Indonesia có thêm hơn 54.500 người mắc Covid-19, đánh dấu lần đầu tiên số ca nhiễm mới trong ngày vượt mốc 50.000. Số người chết vì Covid-19 tại quốc gia này cũng dao động quanh ngưỡng 1.000 ca/ngày thời gian gần đây. Giới chuyên gia cho rằng, con số thực tế có thể cao hơn nữa.

Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Panjaitan hôm nay 15/7 nhận định, số ca Covid-19 ở nước này có thể tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới bởi biến chủng Delta có thời gian ủ bệnh 2 đến 3 tuần. "Chúng tôi đã ở trong tình huống tồi tệ nhất. Nếu 60.000 ca mỗi ngày hoặc cao hơn thế thì chúng tôi vẫn có thể ứng phó. Hy vọng không phải 100.000 ca mỗi ngày, nhưng ngay cả khi đến mức đó, chúng tôi cũng đã chuẩn bị", ông nói.

Chính phủ Indonesia đã buộc phải chuyển một số tòa nhà thành trung tâm cách ly, điều động sinh viên ngành y vừa ra trường và y tá điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Bệnh viện vỡ trận, Covid-19 dọa nhấn chìm Indonesia, Malaysia - 2

Người bệnh vạ vật chờ nhập viện do không có giường bệnh ở Surabaya, Indonesia (Ảnh: AFP).

Các bệnh viện ở Java, khu vực đông dân nhất và cũng là vùng dịch nóng nhất hiện nay ở Indonesia, đều đã quá tải. Nhiều người phải chật vật để được điều trị, trong khi hàng trăm người chết khi đang tự cách ly tại nhà.

Hiệp hội Bác sĩ Indonesia cũng cho biết, tính đến ngày 5/7, hơn 400 bác sĩ Indonesia đã tử vong vì Covid-19, trong khi đó Hiệp hội Y tế Indonesia nói rằng, ít nhất 949 nhân viên y tế của nước này đã tử vong. "Tất cả đồng nghiệp của tôi đều ngã xuống. Tất cả chúng tôi đều từng nhiễm bệnh hoặc đang nhiễm bệnh", bác sĩ Lumanauw, 29 tuổi, cho biết.

Theo báo Jakarta Post, các bệnh nhân không phải người mắc Covid-19 không được điều trị tại các bệnh viện lớn. "Chúng tôi đã đến khoảng 5 bệnh viện hôm 26/6, tất cả đều không tiếp nhận mẹ tôi (người bị gãy chân) vì họ đều đã quá tải bệnh nhân Covid-19", Dewi Safitri, một người dân 17 tuổi ở Jakarta, cho hay.
Không chỉ thiếu giường bệnh, Indonesia đang quay cuồng trong cuộc khủng hoảng ôxy y tế, buộc chính phủ nước này phải tìm kiếm mọi nguồn cung có thể.

Ngoài ra, chính phủ Indonesia cũng khuyến khích người dân tiêm chủng để giảm nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong do Covid-19. Tùy vào tình hình thực tế, chính phủ Indonesia sẽ cân nhắc có gia hạn các biện pháp phòng dịch khẩn cấp sau thời hạn 20/7 hay không.

Hệ thống y tế Malaysia trên bờ vực "vỡ trận"

Bệnh viện vỡ trận, Covid-19 dọa nhấn chìm Indonesia, Malaysia - 3

Một cảnh chôn cất bệnh nhân Covid-19 ở Malaysia (Ảnh: Reuters).

Khi Thủ tướng Muhyiddin Yassin công bố lệnh phong tỏa toàn quốc hồi tháng 5 để ngăn chặn đà lây lan của Covid-19, hệ thống y tế của Malaysia đã ở trong tình trạng rất căng thẳng. Giờ đây, Malaysia tiếp tục chật vật đối phó với đợt bùng phát dịch nghiêm trọng chủ yếu do sự xuất hiện của biến chủng Delta và việc người dân tụ tập đông đảo trong các sự kiện tôn giáo.

Cuối tháng 5, số ca nhiễm mới hàng ngày trung bình đầu người ở Malaysia đã vượt cả Ấn Độ. Riêng trong ngày 15/7, Malaysia ghi nhận thêm 13.215 ca mắc mới, cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Đây là kỷ lục thứ 5 xác lập chỉ trong vòng một tuần qua.

Malaysia đã bước vào đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ 3 hôm 1/7 không lâu sau khi số ca nhiễm trong ngày vượt ngưỡng 9.000 ca. Tính đến ngày 15/7, Malaysia có tổng cộng gần 881.000 ca nhiễm và hơn 6.613 ca tử vong.

Các bệnh viện trên khắp Malaysia, đặc biệt ở Thung lũng Klang, đều trên bờ vực thất thủ vì lượng bệnh nhân đổ về quá đông, dẫn đến tình trạng thiếu giường bệnh, thiếu nhân viên y tế. Các bệnh viện ở Kuala Lumpur đều phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân khác vì ưu tiên điều trị cho người mắc Covid-19. Trong khi đó, ở bang Kedah, miền bắc Malaysia, bác sĩ buộc phải đưa ra quyết định "ai sống, ai chết" do bệnh viện không đủ giường bệnh trong khu điều trị tích cực.

Để giải quyết một phần tình trạng thiếu giường bệnh, giới chức y tế Malaysia phải xây dựng các lều dã chiến để điều trị cho bệnh nhân, tận dụng các container làm nhà xác.

Nhiều người cho rằng, việc hệ thống y tế Malaysia bị đẩy đến bờ vực sụp đổ là do các biện pháp phong tỏa "nửa vời" của chính phủ. Họ cho rằng, việc chính phủ cho phép 18 ngành sản xuất hoạt động với 60% công suất giữa lúc dịch bệnh bùng phát đã tạo điều kiện thuận lợi cho các ổ dịch xuất hiện trong các nhà máy. Ngoài ra, việc xét nghiệm không đủ cũng khiến lọt nhiều ca bệnh ở giai đoạn đầu, đặc biệt là ở người trẻ, khi phát hiện thì bệnh diễn biến xấu rất nhanh.

Bác sĩ Benedict Sim Lim Heng, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Sungai Buloh, bệnh viện tuyến đầu điều trị Covid-19 của nước này, cho biết hiện tại đa số bệnh nhân Covid-19 cần điều trị tích cực là người trong độ tuổi từ 40-60, trong khi đó tỷ lệ bệnh nhân trong độ tuổi 20-30 cũng tương đối cao.

"Chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều bệnh nhân trẻ nhập viện khi bệnh đã ở giai đoạn diễn tiến nhanh, nhiều người ở độ tuổi 30-40 cũng nhập viện và phải dùng đến máy thở. Tình hình ngày càng đáng sợ hơn. Đây thực sự là giai đoạn hết sức khó khăn", chuyên gia Lim Heng nói.