Bê bối mua danh bán tước ở Anh
Một triệu bảng có thể mua được danh ''Sir'' hay ''Lord'' ở Anh ngày nay? Đây là vấn đề gây xôn xao dư luận mà cảnh sát Anh đang tìm cách trả lời.
Công chúng xứ sở sương mù đang bàn tán chuyện Công đảng của Thủ tướng Tony Blair sẽ dành tặng 4 nhà ủng hộ tài chính lớn các vị trí trong Thượng viện, cơ quan có tầm ảnh hưởng tương đối lớn tại Anh. Hầu hết các nghị sĩ trong Thượng viện đều được chỉ định chứ không qua bầu cử.
''Sir'' và ''Lord'' là hai tước vị cao quý ở Anh, thường được dùng để tôn xưng quý tộc, Lord còn có nghĩa thượng nghị sĩ.
Cuộc luận chiến xung quanh việc mua bán tước vị đã gia tăng sức ép từ chức đối với Thủ tướng Tony Blair và làm sống lại những tranh cãi về việc nên ủng hộ tài chính cho các đảng phái chính trị như thế nào.
Một số nghị sĩ Quốc hội, gồm cả các thành viên của Công đảng đã cảnh báo rằng dân chủ có thể thoả hiệp bằng tiền. Bê bối này khiến công chúng, vốn đã hờ hững với tiến trình chính trị, càng thêm chán chường và nó cũng khiến Thủ tướng Tony Blair thêm lúng túng. Ông Blair, nhậm chức Thủ tướng năm 1997, từng cam kết quét sạch ''sự nhớp nhúa'' từng làm dơ bẩn chính quyền trước kia của Thủ tướng John Major.
''Công đảng đã bị nhiễm bệnh'', ông Ian Gibson, nghị sĩ đảng này cho biết. Hiện nay, dù chưa có những bằng chứng rạch ròi về việc những người ủng hộ tài chính sẽ được hậu tạ nhưng hầu hết các nghị sĩ đều khẳng định rằng, mỗi một nhà tài trợ đóng góp cho Công đảng hơn 1 triệu bảng sẽ nhận được một tước hầu (Sir hoặc Lord).
''Không có ai chi tiền mà không có mục đích và đó chính là điều công chúng muốn tìm hiểu'' ông Gibson cho hay. ''Một số nhà tài trợ đã nhận được tước vị và thậm chí có người đã trở thành bộ trưởng chính phủ...Chúng ta phải tiến tới hệ thống chính phủ cấp ngân sách''.
Chính phủ cấp tiền là một quy tắc ở Pháp, Đức và nhiều nước châu Âu khác, nơi các cá nhân và tổ chức muốn đóng góp cho các đảng phái chính trị đều bị cấm. Lợi thế của hệ thống này là tạo nên một sân chơi công bằng giữa các đảng phái và giúp mọi việc được tiến hành một cách minh bạch. Tuy nhiên, bất lợi của nó là người dân sẽ phải trả tiền và các đảng phái có thể tìm ra sơ hở khi các nhóm vận động hành lang chi tiêu cho họ.
Một số nhà chỉ trích đã chỉ ra rằng hệ thống chi tiền bầu cử ở Đức vẫn không ngăn chặn được cựu Thủ tướng Helmut Kohl dính vào bê bối nhận đóng góp bí mật.
Từ lâu nay, các đảng phái ở Anh đã dựa vào các thành viên và các chi nhánh của mình. Công đảng ''dựa dẫm'' vào công đoàn, Bảo thủ dựa vào các doanh nghiệp lớn để lấy tiền chi tiêu. Tuy nhiên, thành viên các đảng ngày càng giảm, các chi nhánh cũ lại không được như trước đây khiến thu nhập của các đảng bị giảm sút.
Năm 1998, Thủ tướng Blair ra một điều luật mới buộc các đảng phái phải công khai các khoản đóng góp tren 5.000 bảng (8.700USD) nhưng khoản vay thì không cần thông báo. Hiện, Công đảng của Thủ tướng Blair thừa nhận, năm ngoái đảng này vay được 23,4 triệu USD từ 12 triệu phú. 4 người trong số này đã được phong tước và có 3 người được đề cử đã xin rút lui. Người thứ 5, Rod Aldridge là chủ tịch một công ty, đã được hậu tạ bằng một hợp đồng của chính phủ.
Một nhà tài trợ khác cho Công đảng là Chai Patel cho biết, đã tặng 2,6 triệu USD cho đảng của Thủ tướng Blair nhưng lại được đề nghị biến món quà thành một khoản vay. Điều này giúp đảm bảo số tiền đóng góp thoát khỏi sự dò xét của Quốc hội. Nhân vật này sau đó có được phong tước, giành một ghế trong Thượng viện. Ông Patel sẽ phải ra điều trình trước Quốc hội về vấn đề này.
''Nếu tôi nói rằng tôi cho đảng của ông 2,6 triệu USD thì ông sẽ nói: Đừng làm như vậy, hãy cho tôi vay'' Elfyn LIwyd, một nghị sĩ đối lập nói: ''Liệu đây có phải là câu trả lời hợp lý không?
Ông Llwyd đã nộp đơn kiến nghị lên cảnh sát và cơ quan này đã tiến hành cuộc điều tra về việc liệu Công đảng có vi phạm đạo luật được thông qua năm 1925 hay không. Luật này được phê chuẩn sau khi cựu thủ tướng David Lloyd George bị phát hiện đã bán tước vị, vị trí trong Thượng viện để kiếm tiền riêng.
Theo thăm dò dư luận gần đây, 56% người được hỏi nói họ tin vào những cáo buộc mua danh bán tước. Gần 3/4 cho biết, chính phủ của Thủ tướng Blair bị tai tiếng nhiều hơn người tiền nhiệm của ông là John Major.
Theo Hoài Linh
Vietnamnet/Christian Science Monitor