Bầu cử tổng thống Pháp: Cớ sao ông Sarkozy chỉ về nhì?
(Dân trí) - Tổng thống Pháp đương nhiệm đang phải đối mặt với cuộc chiến hết sức khó khăn trong vòng hai bầu cử Tổng thống, sau khi ông về nhì trong cuộc bỏ phiếu vòng một hôm 22/4. Gom mọi phân tích, cơ hội đảo ngược thế cờ của ông Sarkozy là rất ít, song chính trị vẫn có thể có những bất ngờ.
Tại vòng bỏ phiếu đầu tiên, ứng cử viên cánh tả thuộc đảng Xã hội – ông Francois Hollande – đứng vị trí thứ nhất với 28,63% số phiếu bầu.
Tổng thống sắp mãn nhiệm Nicolas Sarkozy - ứng cử viên cánh hữu của Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) – đứng vị trí thứ hai với 27,18% số phiếu.
Đứng thứ ba là bà Marine Le Pen - ứng cử viên của đảng Mặt trận Quốc gia (FN) cực hữu – với số phiếu khá cao 17,9%.
Với kết quả này, hai ông Sarkozy và Hollande sẽ đối đầu trực tiếp trong cuộc bầu cử vòng hai mang tính quyết định vào ngày 6/5 tới, và ông Sarkozy trở thành Tổng thống chạy đua tái cử đầu tiên không giành chiến thắng lại vòng một kể từ khi nền Đệ ngũ cộng hòa Pháp ra đời năm 1958.
Ưu thế của “ngài bình dân” Hollande
Dù chỉ giành chiến thắng mong manh trong vòng một nhưng ông Hollande đã tạo được ưu thế quan trọng trong cuộc tái đấu sẽ diễn ra trong hai tuần nữa.
Ưu thế này càng được khẳng định khi ứng cử viên về thứ tư trong vòng một là ông Jean-Luc Melenchon (được 11,11% phiếu bầu) và bà Evan Joly (được 2% phiếu) kêu gọi những người ủng hộ mình dồn phiếu cho Hollande để đánh bại đương kim Tổng thống Sarkozy.
“Trọng tâm của đảng Xã hội là không thể cho Tổng thống Sarkozy giành được thời cơ”, phóng viên Christian Fraser của hãng BBC nhận xét.
Trong cương lĩnh tranh cử của mình, ông Hollande đã biết “điểm đúng huyệt” của các cử tri Pháp khi cam kết đảo ngược tiến trình kinh tế mà ông Sarkozy đã thực hiện trong vòng 5 năm qua. Cụ thể là ông sẽ tăng chi tiêu chính phủ, cắt giảm thời gian của tuần làm việc, giảm tuổi về hưu, tăng lương tối thiểu và đánh thuế 75% những người có thu nhập trên 1 triệu euro/năm.
Chính những cam kết này đã khiến ứng cử viên của đảng Xã hội thu phục được nhân tâm của đại bộ phận cử tri Pháp vốn đã chán ông Sarkozy.
Và cũng nhờ thế mà theo các kết quả thăm dò tới nay, ông Hollande vẫn đang duy trì thế dẫn đầu vững chắc trước đương kim Tổng thống và nếu không có gì thay đổi, ứng cử viên của đảng Xã hội sẽ đánh bại ông Sarkozy trong vòng quyết đấu sắp tới với tỷ lệ cách biệt dự đoán lên tới hơn 10%.
Thất bại mang tên Sarkozy
Ngược lại với những thành công ngoài dự đoán của ông Hollande, đương kim Tổng thống Sarkozy đã bị “mất mặt” khi chỉ về thứ hai trong vòng bầu cử đầu tiên.
Mặc dù bước vào cuộc bầu cử với tâm thế không mấy tự tin khi tỷ lệ ủng hộ chỉ đạt vỏn vẹn 36%, thấp nhất trong số các tổng thống Pháp thời hiện đại, song ông Sarkozy vẫn không thể mường tượng được rằng ông lại phải nhận “kết cục bi đát” đến vậy.
Ngay sau khi kết quả bầu cử vòng một được công bố, ông Sarkozy đã bày tỏ sự bất ngờ trước báo giới, đồng thời thừa nhận rằng “người dân Pháp đã thực sự quan tâm đến việc đưa ra lựa chọn lịch sử” và rằng họ “đã làm thất bại mọi dự đoán trước đó”.
Tất nhiên, mọi sự thất bại đều có nguyên nhân của nó.
Việc “Tổng thống siêu cuội” – biệt danh mà một số cử tri Pháp đặt cho ông Sarkozy - không thể giành được vị trí dẫn đầu trong cuộc bầu cử vòng một là kết quả của một chuỗi sai lầm chồng chất mà ông đã phạm phải trong 5 năm cầm quyền vừa qua.
Về hình ảnh cá nhân trước công chúng, ông Sarkozy có lúc bị ví là “anh hề thích đi giày cao gót”, khác với hình mẫu chính trị gia truyền thống ở Pháp là phải lịch sự, nhẹ nhàng, điềm đạm và trí tuệ.
“Ông Sarkozy có một số vấn đề về hình ảnh cá nhân trước công chúng như phong cách sinh hoạt xa xỉ, với những chuyến đi nghỉ mát đắt tiền trên những du thuyền sang trọng, sử dụng quá nhiều xe hơi đắt tiền, tiêu xài hoang phí,… trong khi nước Pháp và châu Âu đang gặp nhiều khó khăn”, Tiến sĩ xã hội học Jean-Francois Sabouret đánh giá.
Không chỉ thế, ông Sarkozy còn bị gắn cho những ngôn từ rất khó nghe như “hợm hĩnh”, “khoe của” hay “bỗ bã”. Bên cạnh đó, hình ảnh của ông còn bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối tài chính liên quan đến thương vụ bán vũ khí cho Pakistan hay báo buộc nhận tiền tài trợ trái phép từ nữ tỷ phú hãng L’oréal.
Ngoài ra, ông cũng bị chỉ trích khi muốn bổ nhiệm con trai làm Chủ tịch Tập đoàn Epad năm 2009, trong khi Jean Sarkozy mới 23 tuổi và chưa có bằng cấp và kinh nghiệm nghề nghiệp gì.
Về năng lực lãnh đạo đất nước, sau 5 năm ông chèo lái, tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp tăng vọt lên 10%, cao nhất trong 13 năm trở lại đây. Các tập đoàn nhà nước thua lỗ 124,3 tỷ euro, nợ công tăng từ 64% GDP năm 2007 lên gần 90%. Không chỉ thế, người dân Pháp còn thêm thất vọng khi chính phủ cắt giảm chi tiêu, tăng thuế, giảm an sinh xã hội …
Tất cả những điều này đã khiến hãng tín dụng S&P’s quyết định đánh tụt mức tín dụng của Pháp xuống dưới mức “tiêu chuẩn vàng” AAA hồi tháng Giêng vừa qua.
Hướng tới vòng quyết đấu
Với kết quả đứng thứ hai trong bầu cử vòng một, ông Sarkozy sẽ phải tập trung vận động nhiều gấp bội để làm nguôi ngoai một bộ phận không nhỏ cử tri Pháp đang giận dữ.
Trong động thái mới nhất, ông Sarkozy đã đã nhắc lại đề xuất tổ chức 3 cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình với đối thủ Hollande để làm sáng tỏ một loạt vấn đề trước cuộc bầu cử vòng hai. Tuy nhiên, đề nghị này đã lập tức bị đối thủ của đảng Xã hội bác bỏ với lý do đây là việc làm “không đúng luật” và “không cần thiết”.
Nhận định về triển vọng bầu cử vòng hai của ông Sarkozy, phóng viên Chris Morris của BBC cho rằng nếu ông Sarkozy không thể thay đổi suy nghĩ của một lượng lớn cử tri, thì ông sẽ trở thành vị tổng thống đầu tiên của Pháp không tái đắc cử kể từ năm 1981.
Nhiều báo Pháp và giới phân tích cũng nhận định chỉ có “phép lạ” mới cứu được chiếc ghế Tổng thống của ông Sarkozy.
Theo kế hoạch, ông Sarkozy chỉ còn 2 tuần để lật ngược thế cờ. Tuy nhiên đây cũng chỉ là cơ may rất nhỏ ngay cả khi ông giành được sự ủng hộ của các cử tri đã bỏ phiếu cho bà Le Pen.
Trong trường hợp ông Sarkozy không thể tiếp tục ngồi trên chiếc ghế nóng trong điện Elysé, ông sẽ là người đặt dấu chấm hết cho 17 năm cầm quyền của các chính phủ theo đường lối trung dung và bảo thủ, đồng thời đánh dấu sự trở lại của một chính phủ xã hội tại Pháp.
Tuy nhiên, mọi dự đoán vẫn chỉ là dự đoán, vì rằng “một tuần trong chính trị là thời gian rất dài”, theo câu nói của một chính trị gia nổi tiếng. Vì vậy, rất khó để nói chắc vào thời điểm này ai sẽ là người nở nụ cười chiến thắng sau ngày 6/5 tới.
Vũ Anh