Bầu cử tổng thống Mỹ: Chính trị và ung thư
(Dân trí) - Trong những ngày gần đây, cử tri Mỹ có thể thấy cựu Thượng nghị sĩ bang Tennesse Fred Thompson tiếp tục nghiệp diễn để vận động tranh cử tổng thống trong chương trình Law&Order.
Tuần trước, ông Fred Thompson có một tuyên bố quan trọng về căn bệnh ung thư máu mà ông phải chịu đựng từ hai năm nay đã thuyên giảm.
Trong buổi nói chuyện với Neil Cavuto dẫn chương trình trên kênh Fox News, người cũng đang chịu đựng căn bệnh Parkinson, ông Fred cho rằng cử tri Mỹ có quyền được biết đến tình trạng sức khỏe của các ứng cử viên. Như nhiều người mong đợi, ông Fred Thompson sẽ là ứng cử viên của đảng Cộng hòa ra tranh cử tổng thống. Cựu Thượng nghị sĩ bang Tennesse sẽ cạnh tranh với hai đối thủ khác cũng bị ung thư: John McCain (ung thư da) và Rudolph Giuliani (ung thư tiền liệt tuyến).
Tất cả các chính khách Mỹ nói về bệnh tật của mình một cách rất “ngây thơ”. Trước đó, có hai ứng cử viên chạy đua vào Nhà Trắng đã chiến thắng căn bệnh quái ác trên là Bob Dole và John Kerry. Nhưng không ai trong số họ khiến người dân Mỹ cảm thấy xúc động như Elizabeth Edwards, vợ của ứng viên đảng Dân chủ John Edwards. Tháng 3/2007, bà Elizabeth cho biết bệnh ung thư vú chẩn đoán từ năm 2004 đã quay trở lại hành hạ và di căn đến xương. Bà hứa sẽ tiếp tục sát cánh cùng chồng trong cuộc vận động tranh cử và người dân Mỹ rất thông cảm với vợ chồng ứng cử viên này, coi đây là thái độ tích cực và dũng cảm. Điều đó cũng cho thấy, ung thư không còn là chủ đề cấm kỵ trong đời sống chính trị cũng như trong xã hội Mỹ.
Giáo sư Len Lichtenfeld, Phó giám đốc Tổ chức ung thư Mỹ cho rằng, các ứng cử viên và gia đình họ cũng bình thường như bao người Mỹ. Các chính khách không còn coi ung thư như là bản án tử hình tuyên sẵn, mà giống như bệnh kinh niên. Giáo sư Len Lichtenfeld phát biểu: “Bị mắc ung thư tất nhiên không có nhiều lạc quan nữa. Nhưng ung thư có thể điều trị tốt nếu chẩn đoán kịp thời. Giuliani là ví dụ điển hình, giống như trường hợp của hai ông Kerry và Dole. Không ai trong số họ lui về ở ẩn chỉ vì căn bệnh quái ác đó”.
Thái độ của các ứng cử viên tổng thổng Mỹ khác xa với thái độ của tổng thống Pháp François Mitterand khi ông bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống 7 năm đầu tiên trong điện Élysée. Khi các bác sĩ chẩn đoán tổng thống Pháp bị mắc ung thư và chỉ sống được chừng 3 tháng đến 3 năm, ông đã xếp tình trạng sức khỏe của mình vào danh mục các bí mật quốc gia. Có thể tổng thống Pháp đã “học tập kinh nghiệm” từ các tổng thống Mỹ cùng thời.
Stephen Hess, chuyên gia trong các vấn đề của Nhà Trắng tại Viện Brookings cho hay: “Năm 1944, cử tri Mỹ đã bầu một người sắp qua đời Franklin Roosevelt làm tổng thống. Người ta đã tìm mọi cách để che giấu tình trạng sức khỏe của ông”. Tổng thống John Kennedy cũng “nói dối” với cử tri Mỹ về tình trạng bệnh Addison của mình. Bệnh Addison là một bệnh tự miễn, trong đó các tế bào miễn dịch quay ra tấn công tuyến thượng thận, làm tuyến này không bài tiết ra hoóc-môn chống stress và điều hòa muối. Người bệnh chán ăn, sút cân, chóng mặt khi đứng và mỏi mệt. Vào giai đoạn cuối, họ thèm ăn mặn, hạ huyết áp và bị xạm da. Nếu không được chuẩn đoán kịp thời, bệnh nhân dễ gặp tình trạng "khủng hoảng thượng thận", có thể dẫn đến sốc và tử vong.
Năm 1992, chỉ có duy nhất cựu thượng nghị sĩ bang Massachusetts Paul Tsongas của đảng Dân chủ không giấu giếm bệnh ung thư của mình. Trong suốt thời gian vận động tranh cử, Tsongas luôn nhắc nhắc đi nhắc lại rằng bệnh ung thư máu ở ông đã thuyên giảm rất nhiều. Nhưng theo ông Stephen Hess, tuyên bố đó không thực sự rõ ràng. Điều dễ nhận thấy nhất nếu trúng cử, ông Tsongas sẽ không thể đảm nhiệm tốt nhiệm kỳ của mình, vì ông ấy qua đời vài ngày trước khi tổng thống Bill Clinton kết thúc nhiệm kỳ của mình.
Ung thư không phải là bệnh nặng duy nhất chẩn đoán ở các chính trị gia, nhưng nó là bệnh được nói đến thường xuyên nhất ở Mỹ. Vài ngày sau tuyên bố xúc động của gia đình Edwards, đến lượt phát ngôn viên của Nhà Trắng Tony Snow thông báo, bệnh ung thư ruột kết của ông đã di căn đến gan.
Giáo sư Litchtenfeld nhận định, người ta vẫn chưa rõ tác động của vấn đề ung thư lên lựa chọn của các cử tri Mỹ năm 2008. Tác động của nó sẽ giảm đi nhiều trong những năm sắp tới vì hiện nay, y học đã có những tiến bộ đáng kể trong việc phát hiện và điều trị ung thư.
Ngọc Nhàn
Theo La Presse