1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bầu cử quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ: Khi quyền lực bị sẻ đôi

(Dân trí) - Cuộc bầu cử quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ đã đem lại chiến thắng mơ ước cho đảng Cộng hòa với việc độc chiếm kiểm soát hai viện Quốc hội. Quyền lực trên chính trường Mỹ từ nay sẽ được sẻ làm đôi với quốc hội thuộc Cộng hòa và Nhà Trắng thuộc Dân chủ.

Đảng Cộng hòa giành nốt Thượng viện, chất thêm khó khăn cho chính quyền Tổng thống Obama.
Đảng Cộng hòa giành nốt Thượng viện, chất thêm khó khăn cho chính quyền Tổng thống Obama.

Đảng Dân chủ thất thế

Khai thác những lợi thế “trời cho” ở vị trí đối lập, đảng Cộng hòa đã không mấy khó khăn trong việc vửa mở rộng quyền kiểm soát Hạ viện, vừa “hất cẳng” đảng Dân chủ cầm quyền của Tổng thống Barack Obama.

Theo kết quả thống kê chính thức, đảng Cộng hòa giành được 243 trên tổng số 435 ghế tại Hạ viện, tăng 10 ghế so với trước bầu cử. Tại Thượng viện, đảng này còn lập được “chiến tích đáng nể hơn” khi “cướp” từ tay đảng Dân chủ tới 7 ghế để hoán chuyển vị thế từ phe thiểu số thành phe đa số nắm quyền kiểm soát. Hiện đảng Cộng hòa nắm tới 52 trên tổng số 100 ghế tại Thượng viện, đánh dầu lần đầu tiên trở lại nắm quyền ở cơ quan này kể từ cuộc bầu cử năm 2006.

Kết quả bầu cử là đòn giáng mạnh vào uy tín của Tổng thống Obama cũng như đảng Dân chủ cầm quyền, dù không hoàn toàn gây bất ngờ. Những thành tích nghèo nàn cả về đối nội lẫn đối ngoại của chính quyền Obama trong nhiều năm qua, cộng thêm chiến lược vận động bầu cử bài bản của phe đối lập là hai “gọng kìm” siết chặt ông chủ thứ 44 của Nhà Trắng trong cuộc chiến có thất bại được báo trước.

Cụ thể, trong suốt chiến lược vận động của mình, đảng Cộng hòa với nhóm cử tri ruột là những người giàu có đã không do dự vung tiền để lập lại thế cờ. Theo tính toán, cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ năm nay tốn kém nhất trong lịch sử với tổng chi phí lên tới 3,9 tỷ USD. Trong số này, chi phí cho cuộc đua Thượng viện là 498,7 triệu USD, Hạ viện là 283,1 triệu USD, số còn lại dành cho các cuộc bầu cử thống đốc bang và hội đồng lập pháp bang tại 36 trên 50 bang của nước Mỹ.

Cũng nhờ có tiền nên trong các cuộc vận động, đảng Cộng hòa đã sử dụng chiêu bài mô tả hình ảnh nước Mỹ “cực kỳ u ám”, đồng thời “xoáy sâu” vào ý “Tổng thống Obama và đảng Dân chủ không thể bảo vệ người dân”. Đảng này cũng lợi dụng các hồ sơ quốc tế nóng còn dang dở như xung đột ở Ukraine, tiến trình hòa đàm Trung Đông, hồ sơ hạt nhân Iran, quan hệ căng thẳng với Nga, xuống cấp quan hệ với Trung Quốc, cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola và tổ chức Hồi giáo IS để trút sự giận dữ cũng như thất vọng lên đầu ông chủ đương nhiệm của Nhà Trắng.

Tất nhiên, trong lịch sử các cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, đảng của Tổng thống đương nhiệm luôn rơi vào thế bất lợi do bị phe đối lập khai thác những điểm yếu hay sự bất bình của người dân. Tổng thống Obama và đảng Dân chủ do ông lãnh đạo cũng không ngoại lệ, nhất là khi ông Obama là tổng thống có tỷ lệ ủng hộ thấp thứ hai trong lịch sử các đời Tổng thống Mỹ, đạt 44% và chỉ đứng trên cựu Tổng thống George W. Bush.

Và viễn cảnh u ám của Tổng thống Obama

Theo giới phân tích, sau khi nắm quyền kiểm soát toàn bộ Quốc hội, đảng Cộng hòa sẽ dùng lợi thế này để gây khó dễ cho Tổng thống Obama trong hai năm cuối cầm quyền và dọn đường cho cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016. Vì thế, những tháng ngày cuối của Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ được dự đoán sẽ bộn bề khó khăn, thách thức do quyền lực bị thu hẹp. Nó cũng sẽ làm gia tăng căng thẳng trên chính trường, nhất là trong các cuộc đối đầu giữa hai chính đảng về những bộ luật và sách lược quan trọng cần thông qua.

Nhận định về chuỗi ngày khó khăn trước mắt của Tổng thống Obama và đảng Dân chủ, ông Jack Ablin - người đứng đầu bộ phận đầu tư thuộc Ngân hàng tư nhân Montreal - nói: “Tôi cho rằng điều này (việc đảng Cộng hòa kiểm soát hai viện Quốc hội) chỉ càng khiến căng thẳng vốn đang tồn tại giữa hai đảng thêm trầm trọng”. 

Tuy nhiên, với các quyền hạn đặc biệt của Tổng thống, ông Obama không phải đã “hết đất sống”. Trong chừng mực nào đó, ông vẫn có thể phớt lờ Quốc hội và sử dụng quyền ra sắc lệnh cũng như các quy định liên bang để theo đuổi những mục tiêu cần đạt được. Tất nhiên, ông chỉ có thể làm được điều này với những vấn đề đơn giản, vì những bộ luật quan trọng chắc chắn sẽ bị ách lại tại “cửa ải” Quốc hội đang nằm dưới quyền “điều binh, khiển tướng” của Cộng hòa, hay chí ít phải chờ tới sau khi tiến hành cuộc bầu cử Tổng thống 2016.

Nhưng nói thế không có nghĩa chỉ đảng Dân chủ và Tổng thống Obama gặp khó. Sau khi nắm giữ cả hai viện Quốc hội, các “ông nghị” của đảng Cộng hòa không thể chỉ chăm chăm gạt bỏ mọi đề xuất của chính phủ và không đưa ra được quyết sách nào quan trọng cho đất nước. Trước đây, đảng Cộng hòa còn có thể đổ trách nhiệm cho đảng Dân chủ trong một số vấn đề bế tắc tại Quốc hội, nhưng nay thì khác. Người dân Mỹ sẽ quy toàn bộ những khó khăn của đất nước và bản thân cho các thành viên đảng Cộng hòa và khiến đảng này phải hứng chịu thất bại trong cuộc bầu cử quan trọng sau hai năm nữa.

Trong tuyên bố ngay sau khi bỏ phiếu, Thượng nghị sĩ Bob Corker của đảng Cộng hòa cũng đã nhắc đến việc hai đảng Cộng hòa và Dân chủ phải hành động có trách nhiệm hơn trong thời gian tới. Theo ông, dù khó khăn nhưng hai đảng phải cố gắng đạt được một số thỏa thuận cần thiết để cho người dân Mỹ thấy rằng “chú Sam” vẫn đang chuyển động chứ không phải rơi vào tình trạng tê liệt hoàn toàn.

Đức Vũ

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm