Bầu cử Mỹ: Những yếu tố quyết định trong giai đoạn nước rút
Chỉ còn chưa đầy 100 ngày nữa là nước Mỹ sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử được trông đợi nhất trong suốt thời gian qua, một sự kiện được đánh giá là sẽ có nhiều bất ngờ và hiện rất khó để đoán định.
Trong bối cảnh cử tri bị phân cực, người ta đã tính toán đến rất nhiều "biến số" trong cuộc đua này, nhưng các nhà hoạt động chính trị ở cả hai đảng đều thừa nhận họ không chắc xu hướng nào sẽ xảy ra trong năm bầu cử "kỳ lạ" này. Đâu sẽ là yếu tố quyết định tác động đến sự thành - bại của các ứng cử viên?
Liệu ông Trump có thể thay đổi bản đồ bầu cử?
Đại hội đảng đã kết thúc, và giờ là lúc các ứng cử viên bắt đầu tỏ ra nghiêm túc hơn trong việc phân bổ quỹ thời gian và tiền bạc của mình cho chiến dịch vận động tranh cử. Tuy nhiên, ông Donald Trump, ứng cử viên của đảng Cộng hòa, vẫn quyết định "đánh liều" thực hiện các cuộc vận động tranh cử tại các khu vực phi truyền thống, điều mà nhiều người cho là vừa táo bạo, vừa "ngoan cố".
Phóng viên kênh truyền hình CNN Nia-Malika Henderson cho biết nhà tỷ phú này hiện đang tiến hành vận động tại bang Maine và New York, hai bang được cho là có truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ trong các cuộc tổng tuyển cử. Ông Trump cũng dự định tới các bang như Virginia, Ohio và Pennsylvania, song chính các cuộc vận động mà ông tiến hành tại Maine và New York đã khiến nhiều thành viên đảng Cộng hòa phải đặt dấu hỏi.
Maine là một bang khá đặc biệt bởi tâm lý cử tri tại đây có sự chia rẽ khá lớn. Trong khi đó, ông Trump cho biết ông muốn giành chiến thắng tại bang "quê nhà" New York, nơi một số thành viên đảng Cộng hòa cho rằng ông có thể nhận được sự ủng hộ của các cử tri tại vùng ngoại ô. Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác trong đảng Cộng hòa cho rằng đây không phải là ý hay bởi ông Trump có thể sẽ phí thời gian tại New York, nơi bà Hillary Clinton từng là thượng nghị sỹ trong suốt 8 năm.
Chiến thắng pháp lý của đảng Dân chủ
Các cử tri đảng Dân chủ có xu hướng đăng ký đi bầu cử ngay trong ngày tổng tuyển cử và thường đi bỏ phiếu khá sớm. Quyết định của các tòa án Mỹ tuần qua được cho là sẽ khích lệ nhiều cử tri ủng hộ đảng Dân chủ tham gia cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 tới.
Hôm 29/7, các tòa án tại 3 tiểu bang nước Mỹ là Bắc Carolina, Wisconsin và Kansas đã ra phán quyết phản đối luật bầu cử hạn chế. Nếu phán quyết trên không bị đảo ngược tại các tòa án cấp cao hơn, quyết định vừa qua có thể sẽ tác động đáng kể đến kết quả tại các bang quan trọng.
Nếu chiến dịch tranh cử của bà Clinton có thể thu hút thêm nhiều cử tri đi bầu tại bang Bắc Carolina, nếu họ có thêm 1 tuần để tiến hành các cuộc bỏ phiếu sớm và nếu họ có thể sử dụng mọi giấy tờ chứng minh nhân thân, chứ không chỉ là bằng lái xe, thì điều này sẽ có ảnh hưởng đáng kể... đây là một trong những yếu tố quan trọng mà những người tiến hành chiến dịch vận động của bà Clinton cho là có thể giúp ích cho họ rất nhiều".
Liên danh mong manh?
Các ứng cử viên liên danh không nhất thiết phải đồng điệu về mọi vấn đề, và những bất đồng cũng không có nghĩa là đã xuất hiện rạn nứt hay căng thẳng trong mối quan hệ này. Tuy nhiên, khi chính thức được ông Donald Trump đề cử làm ứng cử viên liên danh tranh chức Phó tổng thống, ông Mike Pence đã nêu lên nhiều quan điểm khá khác biệt với nhà lãnh đạo mới của mình trong nhiều vấn đề, từ giọng điệu của các bài phát biểu chính trị hay khi nhắc đến Tổng thống Nga Vladimir Putin và nước Nga.
Giới phân tích đặt câu hỏi rằng liệu những bất đồng này thực tế là chiến lược tranh cử nhằm nhắm đến nhiều đối tượng cử tri hơn, hay đây đơn giản chỉ là một trong những nỗ lực của ông Pence nhằm bảo vệ uy tín của mình. Ông cho rằng dù mục đích có là gì thì chiến lược này "cũng không hiệu quả", và dư luận vẫn cần tiếp tục theo dõi các diễn biến tiếp theo.
Bứt phá chiến lược trong đoạn nước rút
Cả hai ứng cử viên đang phải dốc sức do tỷ lệ ủng hộ thấp, và chiến dịch tranh cử của mỗi bên đều hi vọng biến cuộc bầu cử sắp tới thành một cuộc trưng cầu dân ý về đối thủ không hoàn hảo của mình.
Chiến dịch của bà Clinton đang mô tả ông Trump là hết sức không phù hợp để trở thành một tổng tư lệnh, chớp lấy những sai lầm của ông về an ninh quốc gia để hù dọa một cách hiệu quả người dân Mỹ về viễn cảnh khi ông ngồi trong Phòng Bầu dục. Trong phát biểu tại đại hội đảng Dân chủ, bà Clinton nói: "Một người bạn có thể huýt sáo chế nhạo không phải là người mà bạn có thể tin tưởng giao phó vũ khí hạt nhân".
Tuy nhiên, chiến dịch của ông Trump dường như cho rằng kết quả bầu cử không tùy thuộc vào tính cách ứng cử viên mà vào trách nhiệm cá nhân của bà Clinton. Nhờ sự ủng hộ của những người "ngoại đạo" giúp ông giành được sự đề cử của đảng Cộng hòa, ông Trump sẽ thể hiện nữ cựu ngoại trưởng như một biểu tượng "đáng chán" cho thực trạng tinh hoa ở một đất nước mà như lời ông nói đang khát khao về những kỹ năng giải quyết vấn đề của một nhà lãnh đạo mạnh mẽ.
Bà Clinton có nhiều cách để giành được 270 phiếu đại cử tri cần thiết để chiến thắng nhờ vào liên minh đa sắc tộc của mình. Ví dụ, nếu bà củng cố được ở các bang mà bà hiện đang dẫn điểm, giữ được Pennsylvania và thắng ở Florida, bà sẽ là người chiến thắng.
Hay nếu đội ngũ ủng hộ bà, trong đó có cả Tổng thống Barack Obama và đệ nhất phu nhân Michelle Obama, Phó Tổng thống Joe Biden và cựu Tổng thống Bill Clinton, có thể truyền năng lượng cho liên minh ủng hộ tổng thống đảng Dân chủ của những năm 2008 và 2012 gồm người da màu, người Mỹ Latinh, tầng lớp cử tri trẻ và học vấn cao, bà sẽ rất mạnh.
Song không nên đánh giá thấp ông Trump với khả năng xoay chuyển tình thế của ông. Kết quả chung cuộc chắc chắn sẽ vẫn là điều chưa thể rõ cho tới tận đêm ngày bầu cử, cho dù các cuộc thăm dò dư luận có nói gì đi chăng nữa. Khi bắt đầu tăng tốc, các ứng cử viên sẽ có những thách thức nghiêm trọng.
Ông Trump, sau khi bị lôi kéo vào cuộc tranh cãi về hoạt động tình báo của Nga hồi tuần qua, đang chịu áp lực phải vượt qua cuộc sát hạch vai trò tổng tư lệnh. Cuộc chơi chính trị của ông phải sớm tăng tốc để đua tranh với hoạt động có phần chuyên nghiệp hơn nhiều của bà Clinton, bởi một vài nghìn lá phiếu có thể tạo nên sự khác biệt ở những bang đang được cạnh tranh quyết liệt nhất.
Và ông phải đảm bảo rằng những lá phiếu từ bỏ ông của các cử tri cốt cán của đảng Cộng hòa thất vọng vì phong cách thô lỗ và gây chia rẽ của ông sẽ phải được bù lại bằng những lá phiếu của các cử tri mới.
Như vậy vẫn còn nhiều điều chưa biết về việc hai ứng cử viên sẽ đối đầu nhau như thế nào trong 3 tháng tới. Một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia có thể làm đảo lộn chiến dịch tranh cử.
Những số liệu tăng trưởng nhạt nhẽo trong quý II/2016 với mức tăng 1,2% GDP có thể là hồi chuông báo động cho bà Clinton. Nếu những nỗi lo ngại về một sự giảm tốc bắt đầu gặm nhấm tỷ lệ ủng hộ ông Obama, bà Clinton có thể sẽ bị ảnh hưởng vì bà đang mong muốn giành tiếp nhiệm kỳ thứ ba tại Nhà Trắng cho đảng Dân chủ của mình.
Theo Bảo Trân (tổng hợp)
An ninh thế giới