Báo Trung Quốc: Hộ chiếu lưỡi bò là “ngu ngốc”
Tờ South China Morning Post (Bưu điện Buổi sáng Hoa Nam) có trụ sở ở Hồng Kông hôm 6/12 đã có bài viết nhận định, việc Trung Quốc in hình bản đồ có đường lưỡi bò phi lý vào hộ chiếu phổ thông mới của nước này là hành động “ngu ngốc” và “đi quá xa”.
Theo tờ báo trên, những động thái nhằm khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với một loạt vùng lãnh thổ đang nằm trong tranh chấp với các nước láng giềng trong giai đoạn chuyển giao quyền lực đã “lạc ra ngoài những thông lệ ngoại giao có thể chấp nhận”. Tuy nhiên, đây là điều dễ hiểu bởi các hành động hay lời nói cứng rắn thường xuất hiện trong thời điểm đang có đấu tranh quyền lực, tờ South China Morning Post nhận định.
Mặc dù vậy, tờ báo của Hồng Kông cho rằng, không thể hiểu nổi chuyện Trung Quốc đưa hình bản đồ gây tranh cãi vào hộ chiếu mới của nước này. Hình bản đồ này bao gồm những vùng lãnh thổ ở Biển Đông đang nằm trong tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng Đông Nam Á và cả vùng đất nằm ở biên giới với Ấn Độ.
Không ngạc nhiên khi “cách thức khẳng định lập trường một cách om sòm đó của Trung Quốc đã khiến các chính phủ nổi giận và làm tồi tệ thêm những mối quan hệ căng thẳng” trong khu vực. “Về mặt chính trị, đó có thể là một cách sáng tạo để đưa ra quan điểm nhưng về mặt ngoại giao đó thực sự chỉ là một hành động ngu ngốc”, tờ South China Morning Post bình luận.
Tờ báo trên cũng khẳng định, hộ chiếu “lưỡi bò” “không phải là điều chúng ta chờ đợi ở một Trung Quốc mới nổi – một quốc gia thường xuyên cam kết sẽ cùng hợp tác và thể hiện sự hiểu biết đối với các nước láng giềng và những đối thủ”. Trong khi bản đồ được in trên hộ chiếu mới của Trung Quốc không có đảo Điếu Ngư/Senkaku – chủ đề của cuộc tranh chấp nóng bỏng Trung-Nhật trong những tháng gần đây thì nó lại chứa một loạt vùng lãnh thổ ở Biển Đông tiến sát tới các nước khác như Indonesia, Philippines, Việt Nam và Vùng lãnh thổ Đài Loan.
Tấm bản đồ gây tranh cãi đó còn bao gồm vùng đất tranh chấp ở biên giới Trung-Ấn. Vì vậy, các nước như Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Philippines và Vùng lãnh thổ Đài Loan đã phản ứng kịch liệt với hộ chiếu mới của Trung Quốc. Ngay cả Mỹ cũng tuyên bố không công nhận hộ chiếu có in hình bản đồ phi lý của Trung Quốc.
Tờ South China Morning Post cho rằng, hộ chiếu mới vẫn phải được ban hành vì Trung Quốc cần phải đáp ứng những yêu cầu về mặt an ninh quốc tế. Hộ chiếu phổ thông cho dân thường được ban hành bởi Bộ An ninh Nội địa và các quan chức của Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, không biết hai bộ này đã phối hợp chặt chẽ với nhau đến mức nào trong dự án cấp hộ chiếu phổ thông mới nói trên. Với những ồn ào mà họ đã gây ra, có vẻ như Bộ An ninh Nội địa và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ít tiếp xúc, bàn bạc với nhau. Các quốc gia bị ảnh hưởng nhất bởi vụ hộ chiếu đã không thừa nhận tính pháp lý của hộ chiếu mới của Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo sắp tới sẽ phải giải quyết hậu quả của vụ việc trên. Nhiều người Trung Quốc hiện đang cầm hộ chiếu mới “thể hiện chủ quyền của họ”. Đây không phải là thông điệp mà Trung Quốc muốn hoặc cần. Những người phát hành hộ chiếu mới đã tự tạo ra những lo lắng, căng thẳng không cần thiết. “Cách sửa chữa sai lầm và tổn thất tốt nhất là xóa hình bản đồ trên hộ chiếu mới của Trung Quốc, tờ South China Morning Post khẳng định.
Chỉ trong vài tuần qua, Trung Quốc đã khiến khu vực Biển Đông "sôi sùng sục" vì một loạt động thái gây hấn. Đầu tiên, nước này đưa ra thông báo về việc đưa hình bản đồ có đường 9 đoạn vào hộ chiếu phổ thông mới. Bản đồ đường 9 đoạn vốn đang bị các nước láng giềng, cộng đồng quốc tế và các học giả trên thế giới phản đối quyết liệt vì với tấm bản đồ phi lý này, Trung Quốc định độc chiếm Biển Đông.
Khi lùm xùm xung quanh vụ việc này còn chưa hết, Trung Quốc lại tuyên bố đưa ra luật mới, cho phép cảnh sát nước này chặn và bắt giữ tàu thuyền nước khác ở những khu vực tranh chấp thuộc Biển Đông. Luật mới của Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng nổi giận và gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng quốc tế. Mới đây, Trung Quốc còn ngang nhiên quấy nhiễu và cắt cáp tàu Việt Nam đang hoạt động trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Theo Kiệt Linh
Vnmedia/South China Morning Post