Báo Mỹ: S-300 tới Syria, cơn ác mộng với Mỹ
Dù việc Nga triển khai S-300 trên lãnh thổ Syria chưa có câu trả lời cuối cùng nhưng thực tế, Nga đang vây bọc Syria bằng hệ thống tên lửa này.
Báo Mỹ: Cơn ác mộng với Mỹ
Hãng Sputnik vừa đăng tải bài viết trên Tạp chí “Lợi ích Quốc gia” của Mỹ nhận định rằng, khả năng Nga triển khai các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại như S-300 và S-400 tới Syria có thể sẽ là “cơn ác mộng tồi tệ nhất” đối với Không quân Mỹ.
Theo phân tích của biên tập viên Dave Majumdar của "Lợi ích Quốc gia" chỉ ra rằng, thông tin về việc triển khai này chưa được xác nhận và trong bất kỳ trường hợp nào, khả năng Nga triển khai các phiên bản của dòng tên lửa S-300 tại Syria “có thể gây phức tạp lớn cho các hoạt động đường không của Mỹ và đồng minh”.
Có 2 phiên bản tên lửa S-300 là S-300PMU2 và S-300VM. “Cả hai đều có tầm bắn hơn 120 dặm (hơn 190km) và có thể tấn công các mục tiêu bay cao tới hơn 30km. Những vũ khí này có thể tấn công đồng thời hơn 6 mục tiêu”, ông Majumdar cho biết với thái độ đầy thận trọng.
Vị biên tập này dẫn lời một phi công dày dạn kinh nghiệm của Lực lượng Hải quân đánh bộ Mỹ cho biết, S-300 vẫn là “một mối đe dọa chết chóc đối với mọi thứ, ngoại trừ những máy bay tiêm kích và máy bay ném bom hiện đại nhất”.
Những tên lửa này là “một loại vũ khí làm thay đổi hoàn toàn cuộc chơi đối với tất cả các máy bay thế hệ thứ 4 (như F-15, F-16 và F/A-18)” viên phi công trên cho biết.
Hệ thống phòng thủ S-300 khai hỏa.
Biên tập viên Majumdar còn cho rằng, ngoài tên lửa S-300, Nga còn có thể triển khai “hệ thống tên lửa phòng không chiến lược S-400 có sức mạnh hơn nhiều, tới Syria”. Ông cảnh báo rằng, việc này có thể tạo nên những khu vực cấm bay thực sự tại Syria đối với các máy bay của Mỹ và đồng minh.
Trong khi đề cao S-300 và S-400, vị biên tập đã “dìm hàng” tên lửa Nga một cách khá kín đáo khi cho rằng, chỉ có các máy bay chiến đấu F-22 Raptor và máy bay ném bom B-2 Spirit của không quân Mỹ về mặt kỹ thuật mới có thể hoạt động an toàn bên trong những khu vực được S-300 và S-400 bảo vệ.
Ông cho biết thêm rằng, khả năng cơ động của hệ thống tên lửa phòng không S-300 và thực tế “nó có thể cơ động ngay khi được lệnh” sẽ làm gia tăng đáng kể mối quan ngại của Washington.
Nga "vây Syria" bằng tên lửa S-300
Trong khi Nga triển khai S-300 trên lãnh thổ Syria mới chỉ dừng lại ở đồn đoán thì thực tế cho thấy rằng hệ thống tên lửa này đang dần hiện diện quanh Syria và điều này khiến Mỹ và đồng minh cảm thấy lo ngại.
Theo thông tin mới nhất được hãng RIA ngày 9/11 cho biết, Nga đã chính thức ký hợp đồng cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Iran.
Nguồn tin dẫn tuyên bố của Giám đốc điều hành tập đoàn quốc phòng Rostec (Nga) Sergei Chemezov cho biết tại Triển lãm hàng không quốc tế Dubai Airshow (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất). “Đây là trang thiết bị quốc phòng. Chúng tôi sẵn sàng cung cấp thiết bị bảo vệ này cho bất cứ nước nào” – ông Chemezov nói.
Trước những e ngại của một số nước vùng Vịnh về việc Iran sở hữu S-300, ông Chemezov khẳng định các nước vùng Vịnh không nên cảm thấy bị đe dọa bởi thỏa thuận này cũng như hợp đồng tên lửa Moscow cung cấp cho Tehran.
“Nếu các nước vùng Vịnh không tấn công Iran, tại sao họ lại bị đe dọa? Bởi vì đây chỉ là thiết bị quốc phòng. Từ cách đây 5 năm và cho tới hiện tại, chúng tôi tin rằng S-300 không đủ khả năng tấn công… vươn tới các nước láng giềng” - ông Chemezov tái khẳng định.
Tổ hợp tên lửa Antey-2500.
Không chỉ nối lại thương vụ S-300 với Iran, vũ khí phòng không Nga còn tiếp tục khiến phương Tây đau đầu khi Moscow đang đàm phán cung cấp hệ thống phòng không Antey-2500 và Buk cho Ai Cập - một quốc gia khiến Mỹ bất lực đứng nhìn mua vũ khí Nga trong những năm gần đây.
Thông tin về thương vụ vũ khí phòng không với Ai Cập được Giám đốc tập đoàn Rostec của Nga, ông Sergey Chemezov cho biết trên trang Sputnik.
Giám đốc Chemezov phát biểu tại triển lãm hàng không Dubai rằng: “Chúng tôi đang cân nhắc khả năng cung cấp cho Ai Cập các hệ thống tên lửa Antey-2500 và Buk, các cuộc đàm phán đang tiếp tục được tiến hành”.
Trước thực tế này, hãng Defense News nhận định rằng, có thể Nga sẽ không trực tiếp triển khai hệ thống tên lửa S-300 trên lãnh thổ Syria nhưng Moscow đang tăng cường sự hiện diện của loại vũ khí này quanh Syria bằng các thương vụ béo bở.
Và quan trọng hơn, thông qua những thương vụ này, Nga đang củng cố được mối quan hệ đồng minh trong khu vực – nơi vốn đang là điểm nóng không chỉ với Mỹ.
Theo Hòa Sơn
Đất Việt