Báo Mỹ ca ngợi các tiệm làm móng của người Việt tặng đồ bảo hộ chống dịch
(Dân trí) - Truyền thông Mỹ gần đây đã đăng tải nhiều bài viết ca ngợi sự đóng góp của người Việt nhằm chống lại đại dịch Covid-19, trong đó có việc may khẩu trang, đồ bảo hộ để tặng cho các bệnh viện.
Khi anh Huy Nguyen đóng cửa tiệm làm móng (nail) ở in Mobile, bang Alabama hai tuần trước vì sự bùng phát của dịch Covid-19, anh đã đem tặng toàn bộ các đồ dùng bảo vệ trong kho của mình - vài trăm chiếc khẩu trang và 8 hộp găng tay.
Anh Nguyen, chủ của tiệm làm móng Top Nails 2, không chỉ là người đầu tiên làm như vậy. Hàng chục chủ tiệm nail khác tại khu vực Mobile đã hưởng ứng lời kêu gọi của một dược sĩ người Việt trên Facebook, đóng góp hơn 134.000 găng tay và 23.000 khẩu trang cho một bệnh viện địa phương. Nguyen sau đó đã kêu gọi bạn bè sở hữu các cửa hàng làm móng tại các thành phố khác tham gia chương trình này.
“Chiến đấu với virus này là trách nhiệm của tất cả mỗi người chúng tôi”, Nguyên nói với đài NBC. “Chúng tôi không hoạt động trong lĩnh vực y tế, vì thế chúng tôi không thể chiến đấu với virus trực tiếp, nhưng chúng tôi muốn chia sẻ trách nhiệm và chia sẻ những gì chúng tôi có với cộng đồng”.
Trong bối cảnh các chuyên gia y tế thông báo về tình trạng thiếu trầm trọng thiết bị bảo hộ cá nhân, các tiệm làm móng do người Việt làm chủ trên khắp nước Mỹ, vốn đứng đầu trong lĩnh vực làm móng trị giá nhiều tỷ USD tại Mỹ, đang tài trợ nhiều khẩu trang và găng tay - vốn là những vật dụng cần thiết để đảm bảo vệ sinh tại mỗi cửa hàng - cho các bệnh viện tại cộng đồng của họ.
Giống anh Nguyen tại Mobile, Lisa Nguyen và cha mẹ cô, chủ tiệm làm móng Cowboys Nail Bar tại Plano, bang Texas, đã quyết định tặng toàn bộ những gì họ có trong kho - trong đó có 14 hộp khẩu trang N95 - cho các thành viên gia đình đang làm việc tại Trung tâm y tế Southwestern Đại học Texas sau khi biết tình trạng thiếu trang thiết bị y tế mà các bác sĩ và y tá phải đối mặt.
“Bất kể thứ gì chúng tôi có, chúng tôi chỉ hi vọng rằng chúng sẽ không chỉ giúp các thành viên gia đình của chúng tôi mà còn các đồng nghiệp của họ”, Lisa nói.
Tại Brentwood, bang Tennessee, những người đồng quản lý tiệm Zen Nails thậm chí còn đóng góp các nỗ lực của họ theo một cách cách thức mới, sáng tạo hơn. Họ không chỉ tài trợ các đồ dùng bảo hộ mà còn chuyển không gian cửa hàng thành một nhà máy nhỏ để sản xuất các khẩu trang và bộ đồ bảo hộ.
Thay vì làm móng, các máy may giờ đây được đặt trên mỗi bàn và hàng ngày các nhân viên tình nguyện đến làm việc tới 9 giờ để may các trang thiết bị bảo hộ cung cấp cho các nhân viên y tế địa phương.
Trang Nguyen, đồng quản lý tiệm Zen Nails, từng là y tá làm ca đêm trong vài năm và cho biết cô hiện vẫn giữ liên hệ tốt với nhiều y tá.
“Khi tôi nhìn thấy nhiều người trong số họ nói về việc họ thực sự thiếu trang thiết bị y tế, tôi rất muốn trợ giúp. Họ cần được bảo vệ trước khi có thể chăm sóc các bệnh nhân. Tôi nghĩ chúng tôi có thể may khẩu trang và đồ bảo hộ vì gia đình tôi biết may”, Trang nói.
Trang Nguyen đã đóng cửa Zen Nails một tuần trước khi Thống đốc Tennessee ra lệnh đóng cửa toàn bộ các dịch vụ không thiết yếu vào ngày 2/4. Sau khi khử trùng kỹ càng, các nhân viên của tiệm đã trở lại làm việc. Các khách hàng quan của tiệm đã tài trợ các máy khẩu và tiền để mua nguyên vật liệu phục vụ việc may các trang thiết bị bảo hộ cá nhân.
Trong tuần đầu tiên, Zen Nails đã may hơn 3.000 khẩu trang và bộ đồ bảo hộ, và số này sau đó được tặng cho 3 bệnh viện địa phương là St. Thomas Medical Partners, Williamson và HCA Healthcare.
Nguyen cho biết một số nguyên vật liệu ngày càng trở nên khó kiếm nhưng cô hi vọng vẫn tiếp tục có thể may khẩu trang và đồ bảo hộ. “Chúng tôi muốn hỗ trợ lại cộng đồng”, cô nói.
Rosalind Chow, một phó giáo sư về hành tổ chức tại Đại học Carnegie Mellon, cho rằng hiệu quả của mạng lưới trên có thể khuyến khích các hoạt động từ thiện.
“Mọi người phần lớn biết những người làm cùng nghề giống họ. Đó là lý do tại sao bạn có thể nhìn thấy khi một chủ tiệm nail bắt đầu tổ chức một việc gì đó, nhiều cửa hàng tương tự khác sẽ có xu hướng đóng góp cho kêu gọi này”.
“Đối với các chủ cửa hàng hay nhân viên sẵn sàng làm công việc này và quyên tặng các nguồn lực mà không cần biết liệu có được nhận lại gì hay không, đây thực sự là một minh chứng cho mong muốn trợ giúp của họ”, bà Chow nói.
Trong khi đó, dịch Covid-19 tại Mỹ vẫn đang diễn biến phức tạp. Theo số liệu thống kê trên trang web Worldometer, trong ngày 12/4, số người chết vì Covid-19 ở Mỹ tăng gần 1.500 ca, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh này tại đây tính đến chiều 12/4 theo giờ địa phương lên 22.036 ca.
Cũng trong ngày hôm qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 26.000 ca mắc bệnh, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại đây lên hơn 559.000 ca.
An Bình
Theo NBC News