1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Bạo lực bùng phát trong các cuộc biểu tình tại Pháp

Biểu tình chống luật lao động mới tiếp tục diễn ra ở 80 thành phố của Pháp và xung đột bạo lực đã xảy ra ở một số nơi. Những vụ đụng độ bạo lực nhất xảy ra tại Paris, nơi cảnh sát chống bạo động bắn đạn cao su và xịt hơi cay vào người biểu tình.

Cuộc tuần hành tại Paris - với khoảng 30 nghìn người tham gia theo ước tính của cảnh sát nhưng lên tới 120 nghìn người theo dự đoán của những người tổ chức - ban đầu diễn ra trong hòa bình. Tuy nhiên, một nhóm khoảng 300 người biểu tình che mặt đã ném bom xăng vào cảnh sát. Lực lượng cảnh sát đáp trả bằng hơi cay và đạn cao su.

 

Một quầy bán báo và một số xe hơi đã bị đốt cháy. Những người biểu tình tại Đại học Sorbonne ném đá, chai lọ vào cảnh sát và hô vang khẩu hiệu so sánh cảnh sát với lực lượng SS thời phát xít Đức.

 

Các vụ đụng độ kéo dài đến tối. Cảnh sát đã bắt giữ 150 người tại Paris và ít nhất 50 người ở các nơi khác, Bộ Nội vụ Pháp cho biết.

 

2 cảnh sát và 1 người biểu tình đã bị thương nhẹ trong các vụ đụng độ tại Raincy, khu ngoại ô phía bắc thủ đô Paris.

 

6 người đã bị bắt và 2 cảnh sát bị thương tại thành phố Vitry-sur-Seine, nằm về phía đông nam Paris. Cảnh sát cũng đã xịt hơi cay vào đám đông biểu tình tại thành phố Rennes. Một số người biểu tình đã bị thương tại Nancy, Nantes và Montpellier.

 

Cảnh sát dự tính số người biểu tình trên toàn quốc vào khoảng 250.000, nhưng những người tổ chức cho rằng con số thực phải lớn gấp đôi.

 

Lãnh đạo của sinh viên cho biết 68% người dân Pháp ủng hộ biểu tình, theo kết quả của một cuộc điều tra thăm dò dư luận. Trong khi đó, các lãnh đạo công đoàn kêu gọi tiếp tục biểu tình vào hôm thứ bảy tới.

 

Những biểu ngữ hôm qua có nội dung: "Lao động khổ sai", "Nếu bạn tự lấy đi sự an toàn của chính mình, bạn sẽ trả giá", "Bạn không thể sống với một con dao kề cổ".

 

Bộ Nội vụ Pháp cho biết họ đã ra lệnh cho cảnh sát kiên quyết ngăn chặn những phần tử quấy rối nhưng giữ thái độ kiềm chế với những người biểu tình.

 

Sinh viên Pháp lo ngại rằng dự luật lao động mới mà quốc hội thông qua tuần trước - có tên First Employment Contract - sẽ làm giảm tính ổn định công việc ở một quốc gia có tới hơn 20% người lao động trong độ tuổi 18-25 thất nghiệp, gấp đôi so với tỷ lệ trung bình của lực lượng lao động cả nước.

 

Tổng thống Chirac đã kêu gọi đối thoại giữa các bộ trưởng và lãnh đạo công đoàn, nhưng phía công đoàn tuyên bố họ sẽ không thương lượng với chính phủ chừng nào dự luật First Employment Contract chưa được hủy bỏ.

 

Thủ tướng Dominique de Villepin giải thích rằng dự luật lao động mới ra đời nhằm cải thiện tình hình việc làm của thanh niên Pháp tại những khu vực ngoại ô - lực lượng chiếm đa số trong những cuộc biểu tình đường phố năm ngoái. Nhiều người trong số này tỏ ra thất vọng vì không có cơ hội kiếm việc làm.

 

Theo Việt Linh

Vnexpress/BBC