Báo động tình trạng người già mất tích ở Trung Quốc
Kết quả khảo sát của Viện bảo trợ xã hội Zhongmin (Trung Quốc) mới được công bố cho biết, khoảng 500.000 người già ở Trung Quốc mất tích mỗi năm, tức là khoảng 1.370 người mất tích mỗi ngày. Đây thực sự là vấn đề rất đáng lo ngại trong xã hội Trung Quốc hiện đại.
Những con số gây sốc
Viện Bảo trợ xã hội Zhongmin nhận định, số lượng người già mất tích đang gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng những người cao tuổi đang bị lãng quên, nhất là ở những vùng quê nghèo, nơi mà con cái họ phải rời quê hương, bươn chải kiếm sống tại các thành phố lớn.
“Người từ 65 tuổi trở lên chiếm 80% các trường hợp mất tích. Hầu hết các trường hợp người già mất tích xảy ra ở khu vực nông thôn và thành phố nhỏ. Đây là nơi những người trẻ đổ xô đến các thành phố lớn hơn để kiếm sống. Vấn đề đáng báo động này vẫn đang diễn ra hàng ngày và là mối lo ngại thực sự trong xã hội Trung Quốc hiện đại”, một đoạn trong báo cáo nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cuộc khảo sát cho thấy, khoảng 25% những người mất tích được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer hoặc mất trí nhớ, 72% mắc chứng suy giảm trí nhớ. Trong số những người đã được tìm thấy sau khi mất tích, 25% đã “biến mất” thêm một lần nữa. Wang Zhikun, Giám đốc của Viện bảo trợ xã hội Zhongmin đánh giá: “Đây rõ ràng là một con số khổng lồ và một vấn đề mà chúng ta không thể bỏ qua, nó có ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, các giá trị đạo đức cốt lõi của Trung Quốc”.
Giám đốc của Viện Bảo trợ xã hội Zhongmin kêu gọi thiết lập mạng lưới quốc gia để ghi nhận những trường hợp mất tích và phối hợp với trung tâm hỗ trợ tìm kiếm. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương có đông người già sinh sống cũng cần quan tâm đặc biệt đến điều kiện sống của họ, đồng thời tìm giải pháp hiệu quả để ngăn chặn người già mất tích.
Thách thức từ tình trạng già hóa dân số
Người cao tuổi ở Trung Quốc thường dựa vào con cái, coi đó là chỗ dựa tinh thần và tài chính vững chắc khi về già. Chăm sóc cha mẹ cũng được coi là nghĩa vụ thiêng liêng nhất trong nấc thang giá trị đạo đức ở Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thế hệ trẻ có xu hướng tập trung vào sự nghiệp hơn so với thực hiện nghĩa vụ với cha mẹ. Theo các chuyên gia, 4 thập kỷ của chính sách một con hà khắc đã dẫn đến tình trạng lực lượng lao động ở Trung Quốc giảm mạnh, trong khi dân số già đi nhanh chóng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau lòng này.
Vào năm 2013, Bắc Kinh thông qua một đạo luật nhằm buộc con cái trưởng thành phải chăm sóc cha mẹ của họ. Trong đạo luật này liệt kê nhiều nghĩa vụ buộc con cái phải đáp ứng “nhu cầu tinh thần cho người cao tuổi”. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động xã hội chỉ trích rằng, những quy định về vấn đề trên rất khó thực thi.
Dân số của Trung Quốc đang già hóa nhanh chóng. Hiện nay, Trung Quốc có 114 triệu người trong độ tuổi từ 65 trở lên, con số này cao hơn nhiều so với bất kỳ quốc gia đang phát triển khác trên thế giới. Ước tính, đến năm 2050, 30% dân số của Trung Quốc sẽ ở độ tuổi từ 60 trở lên. Liên hợp quốc chỉ ra rằng, số người già ở Trung Quốc sẽ chiếm 20% tổng số người già trên toàn thế giới vào năm 2050, trong khi đó, con số này là 10% vào năm 2000. Cùng với sức ép về tình trạng dân số già hóa, dự kiến chi phí về y tế của Trung Quốc sẽ tăng mạnh. Trung tâm nghiên cứu rủi ro châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở ở Singapore ước tính, chi phí về y tế ở Trung Quốc có thể sẽ tăng lên con số 20.000 tỷ USD vào năm 2030.
Theo Mạnh Tường
An ninh thủ đô