1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Báo động bom giả khắp các thành phố châu Âu

Mối đe doạ bị đánh bom sau vụ tấn công ở London khiến 52 người thiệt mạng tuần trước khiến người dân châu Âu lo ngại, họ tự hỏi không rõ nơi nào sẽ bị biến thành mục tiêu tiếp theo và cố gắng đối mặt với rất nhiều báo động giả.

Người dân London, đang cố gắng duy trì nếp sống bình thường sau 4 vụ đánh bom tuần trước, vẫn phải nhận hàng loạt những lời đe doạ đánh bom và phải sơ tán.

 

Hôm qua, phố Whitehall, nơi có nhiều toà nhà chính phủ, đã phải đóng cửa và sơ tán trong khoảng 30 phút trong khi cảnh sát điều tra một "cái túi khả nghi". Nhà ga King's Cross cũng bị đóng cửa một lát do có báo động an ninh.

 

Không chỉ riêng London. Italy, Đan Mạch, những nước đồng minh thân thiết của Mỹ trong chiến tranh Iraq cũng là mục tiêu của những lời đe doạ đánh bom được lan truyền qua các tin nhắn trên Internet. Đe doạ đánh bom trở thành mối lo hàng ngày

 

"Tất nhiên là chúng tôi sợ, nhưng làm thế nào được? Chúng tôi vẫn phải đi làm, chúng tôi vẫn phải đi metro để tới sở", Adriano Lardera, 64 tuổi, nói khi đứng trong đám đông tại nhà ga Duomo của Milan.

 

"Cuộc sống vẫn tiếp tục. Chuyện gì đến sẽ đến".

 

"Không có lý do gì để báo động mãi", Ngoại trưởng Italy Gianfranco Fini nói khi một phóng viên hỏi ông liệu nước này có nguy cơ trở thành mục tiêu tiếp theo hay không. "Nhưng điều đó cho thấy chúng ta càng không có lý do để không hành động với quyết tâm cao".

 

Vài ngày gần đây, Rome đã phải sơ tán một cổng của sân bay quốc tế, một con phố gần nhà của bộ trưởng nội vụ và một ngân hàng lớn. Giới chức thành phố Copenhaghen thì sơ tán một đoàn tàu và các nhà ga ngầm tới 3 lần để tìm kiếm các gói hành lý khả nghi.

 

Trong tất cả các vụ việc trên, báo động hoá ra đều là giả, nhưng chúng khiến người dân châu Âu lo ngại và bất an. Thậm chí đến việc mất điện thông thường do trạm có sự cố hay một đoàn tàu trễ giờ cũng gây nên nỗi hoảng loạn.

 

Ngay sau các vụ đánh bom ở London, một nhóm tự xưng là có liên quan đên Al-Qeada đã nhận trách nhiệm vụ đánh bom đồng thời đe doạ nhằm vào các mục tiêu tiếp theo là Italy và Đan Mạch, nếu các nước này không rút quân khỏi Iraq. 

 

Người dân các thành phố châu Âu đang cố gắng thích nghi với thực tế mới trong cuộc sống. 

 

"Suốt ngày tôi nghĩ đến những vụ tấn công. Tôi phân vân không biết có nên đi tàu hay không", Helle Bovbjerg, 34 tuổi, phát biểu trên tờ nhật báo Ekstra Bladet. "Tất nhiên là có sốc, nhưng anh phải sống cuộc sống như trước đây. Nếu không thì sẽ phát điên mất".

 

Theo VnExpress/Reuters