Báo chí Hà Lan công bố hành vi ngược đãi tù nhân Iraq
(Dân trí) - Dư luận Hà Lan đã vô cùng sửng sốt trước thông tin đăng trên tờ nhật báo De Volkskrant ngày hôm qua. Bài báo cho biết trong thời gian thực hiện sứ mạng tại Iraq hồi năm 2003, các sĩ quan điều tra quân đội Hà Lan đã có những hành vi tra tấn, ngược đãi tù nhân Iraq.
Phản ứng trước thông tin này, Bộ Quốc phòng Hà Lan đã ra lệnh tiến hành một cuộc điều tra ngay lập tức. Một ủy ban điều tra độc lập được thành lập với sự hợp tác của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp Hà Lan.
Dù cảnh sát đã có những kết luận rõ ràng nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Henk Kamp vẫn yêu cầu thành lập ủy ban điều tra. Trong một buổi họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Henk Kamp tuyên bố: "Tôi nghĩ cần phải đối xử hết sức thận trọng với các tù nhân. Đó là lý do tại sao chúng tôi đã quyết định thành lập ủy ban điều tra độc lập". Ông tỏ ra cương quyết: "Ủy ban điều tra phải xét xử tất cả những người có liên quan, ngay cả tôi cũng sẽ phải chịu trách nhiêm nếu sự việc có liên quan đến mình".
Ông Kamp thừa nhận binh lính Hà Lan đã thực hiện những "buổi thẩm vấn bằng cơ bắp" đối với tù nhân song ông không nghĩ rằng sự việc lại trầm trọng như vậy và đã vượt ngoài sự kiểm soát của Bộ Quốc phòng.
Theo tờ De Volkskrant, vào tháng 10-2003, không muốn bị nhận diện, những điều tra viên của Cơ quan tình báo quân sự Hà Lan đã bắt khoảng 50 tù nhân Iraq phải đeo loại kính làm lóa mắt và hậu quả là những người tù không may này đã bị mù.
Ngoài ra những tù nhân chịu sự giám sát của Chính quyền lâm thời của liên minh Samawa phía bắc Iraq đã bị hắt nước lạnh vào mặt, phải chịu đựng âm thanh lớn từ những chiếc loa công suất mạnh khiến họ không thể ngủ và bị điếc.
Nhà lãnh đạo Công đảng Wouter Bos tỏ ra phẫn nộ trước vụ việc. Phát biểu trên đài phát thanh Hà Lan ông nói: "Mùi mẽ của vụ tai tiếng ngày càng nặng, nó làm chúng ta nghẹt thở". Còn Bộ trưởng ngoại giao Ben Bot nói rằng ông đã không hề biết gì về vụ việc và tất cả những hành vi ngược đãi là không thể chấp nhận được.
Hà Lan đã gửi khoảng 1.400 binh lính đến tỉnh Mouthanna, phía nam Iraq. Thời hạn lưu trú của họ đã hết hạn vào tháng 3-2005. Hiện nay, khoảng 1.550 quân lính Hà Lan đang có mặt ở Oruzgan, phía đông nam Afghanistan, trong lực lượng cứu trợ hòa bình của NATO.
Vụ tai tiếng này được công bố chỉ 5 ngày trước khi Hà Lan bước vào cuộc tổng tuyển cử đã làm tổn hại đến uy tín của Chính phủ và Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu của Thủ tướng Jan Peter Balkenende. Một buổi thảo luận giữa Quốc hội và Chính phủ sẽ diễn ra vào thứ 2 tuần tới trước 2 ngày bầu cử Quốc hội.
N.H
Theo TV5