1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Bangladesh: Hỏa hoạn tại tòa nhà bị sập, không còn ai sống sót

(Dân trí) – Một vụ hỏa hoạn bất ngờ bùng lên trong tòa nhà bị sập tại Bangladesh đã giết chết người phụ nữ sống sốt cuối cùng bên dưới đống đổ nát sau 110 giờ bị mắc kẹt. Đến nay, tổng cộng 381 người được xác định đã thiệt mạng.

Theo người đứng đầu cơ quan cứu hỏa Bangladesh, vụ hỏa hoạn xảy ra khi các lực lượng cứu hộ đang tìm cách cắt một thanh rầm để đưa nạn nhân nữ nêu trên ra khỏi đống đổ nát. Trước đó thông tin về việc có người còn sống sau 110 giờ bị mắc kẹt đã khiến cả quốc gia Nam Á này xúc động và được xem như biểu tượng cho sự dũng cảm trong cuộc chiến với “tử thần”.

Đã có 381 người được xác định thiệt mạng bên dưới đống đổ nát
Đã có 381 người được xác định thiệt mạng bên dưới đống đổ nát

Những hình ảnh được truyền hình trực tiếp từ hiện trường cho thấy nhiều lính cứu hỏa đã xúc động không cầm được nước mắt khi không thể cứu nữ công nhân may, người đã chịu cảnh góa bụa để nuôi một con nhỏ. Danh tính của chị được xác định là Shahnaz.

“Ngọn lửa bùng lên khi chúng tôi đang cắt một thanh rầm để đưa ra ngoài nạn nhân mà chúng tôi tin là người còn sống cuối cùng trong tòa nhà bị sập. Chúng tôi đã kịp dập lửa nhưng khi trở lại thì cô ấy đã chết”, Ahmed Ali, người đứng đầu cơ quan cứu hỏa Bangladesh xác nhận với AFP.

“Cô ấy là một phụ nữ dũng cảm và đã chiến đấu đến cùng. Hôm nay chúng tôi làm việc suốt 10 – 11 tiếng chỉ để đưa cô ấy ra ngoài còn sống. Chúng tôi đã chấp nhận thử thách nhưng lại thất bại”, ông Ali xúc động nói. Ngoài nạn nhân nữ nêu trên còn 3 nhân viên cứu hộ bị thương trong vụ hỏa hoạn.

Lính cứu hỏa Abul Khayer, người đã nói chuyện Shahnaz trong suốt nỗ lực giải cứu cho biết, Shahnaz kể rằng chị có một cậu con trai 18 tháng tuổi. “Chị ấy cố gắng bám trụ vì đứa con…Chị ấy nói rằng: “Cậu là em trai tôi, xin đừng bỏ tôi một mình””, Khayer thuật lại.

Trước đó, chủ tòa nhà bị sập, “trùm” bất động sản Sohel Rana, đã bị bắt trong lúc tìm cách trốn sang Ấn Độ và được áp giải bằng trực thăng về đến Dhaka. Rana sẽ phải ra hầu tòa trong vài ngày tới vì đã để xảy ra vụ tai nạn thảm khốc nhất lịch sử ngành may mặc Bangladesh.

Trong ngày hôm nay, dự kiến sẽ có thêm nhiều thi thể được tìm thấy sau khi nhiều máy móc, thiết bị hạng nặng được điều đến hiện trường để tháo dỡ các tấm bê tông, giúp đẩy nhanh tiến độ dọn dẹp đống đổ nát.

Mohammed Sohel Rana, chủ tòa nhà bị sập bị bắt khi tìm cách trốn sang Ấn Độ
Mohammed Sohel Rana, chủ tòa nhà bị sập bị bắt khi tìm cách trốn sang Ấn Độ

Ông Mukhlesur Rahman, người đứng đầu tiểu đoàn phản ứng nhanh của Bangladesh, đơn vị thực hiện vụ bắt giữ chủ công trình cho biết Rana “là người phải chịu trách nhiệm lớn nhất về thảm họa này. Mọi người trong tòa nhà đã được yêu cầu phải di tản nhưng chính Rana đã buộc các xưởng may và công nhân tiếp tục làm việc trong tòa nhà”.

Khi vụ bắt giữ Rana được công bố, các công nhân may và thân nhân của những người mất tích tại hiện trường đã vui mừng hò reo và còn hô vang “Treo cổ Rana, treo cổ kẻ sát nhân”.

Cảnh sát địa phương cho biết một tòa nhà cao tầng khác cũng thuộc sở hữu của Rana đã bị niêm phong sau khi xuất hiện nhiều vết nứt trên các cột trụ.

Một người phát ngôn của cảnh sát địa phương cho biết Anisur Rahman, chủ sở hữu của xưởng may Ether Tex cũng đã bị bắt. Trước đó 3 chủ cơ sở may khác trong tòa nhà cũng đã bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Cho đến tối qua, số người thiệt mạng theo xác nhận của sỹ quan cảnh sát Liakot Hossain đã lên tới 381 người. Khoảng 2500 người đã được giải cứu khỏi hiện trường. Không ít người được đưa ra sau khi lực lượng cứu cứu hộ phải cắt bỏ chân hoặc tay của nạn nhân do bị mắc kẹt dưới những tấm bê tông lớn.

Thảm kịch này một lần nữa khiến vấn nạn mất an toàn lao động trong ngành dệt may có quy mô tới 20 tỷ USD của Bangladesh trở thành tâm điểm chú ý. Áp lực lên các nhà bán lẻ phương Tây, những người có sản phẩm được sản xuất tại đây cũng gia tăng.

Các tập đoàn Primark của Anh và Mango của Tây Ban Nha đã thừa nhận có sản phẩm được sản xuất tại các xưởng may trong tòa nhà bị sập. Trong khi đó tập đoàn Benetton của Italia lại phủ nhận dù phóng viên AFP đã tìm thấy những chiếc áo mang nhãn hiệu “United Colors of Benetton” trong đống đổ nát.

Vụ tai nạn khiến các tập đoàn trên đối mặt với những cáo buộc mới từ các nhà hoạt động nhân quyền rằng các doanh nghiệp phương Tây đặt lợi nhuận lên trên an toàn khi đặt mua sản phẩm từ một nước mà công nhân thường có thu nhập dưới 40 USD/tháng.

Cuối tuần qua tại London, nhiều người biểu tình đã tụ tập trước các cửa hàng của Primark mang theo các biểu ngữ như: “Yêu thời trang, ghét sự bóc lột”, hay “Sự xấu hổ của Primark”.

Thanh Tùng
Theo AFP