1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Bán đảo Triều Tiên, 57 năm trong “tình trạng chiến tranh”

(Dân trí) - Bán đảo Triều Tiên gần 6 thập kỷ qua trên thực tế vẫn trong tình trạng chiến tranh vì hai bên chưa đạt được thỏa thuận hòa bình sau cuộc Chiến tranh liên Triều năm 1950-1953.

Tại sao?

Chiến tranh Triều Tiên đã kết thúc năm 1953, nhưng hòa bình “vẫn chưa bao giờ đến” – theo từ ngữ của cả hai bên.

Quân đội các bên đã hạ vũ khí vào ngày 27/6/1953, 3 năm sau cuộc chiến tranh đã làm 140.000 lính Hàn Quốc, 36.000 lính Mỹ và 1 triệu dân thường thiệt mạng.

Hiệp định Đình chiến được Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Il-sung (người thành lập nước và là cha đẻ của Nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện nay Kim Jong-il), đại diện Trung Quốc (cũng là bên tham chiến, ủng hộ Triều Tiên) và một tướng Mỹ đại diện Bộ chỉ huy của lực lượng Liên Hợp Quốc ký kết.
 
Bán đảo Triều Tiên, 57 năm trong “tình trạng chiến tranh” - 1
 
Tướng Mark W. Clark, Tư lệnh Viễn Đông của Mỹ, ký Thỏa thuận Đình chiến ngày 27/7/1953…
 
Bán đảo Triều Tiên, 57 năm trong “tình trạng chiến tranh” - 2
… sau đó là Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Il Sung …
 
Bán đảo Triều Tiên, 57 năm trong “tình trạng chiến tranh” - 3

… và Chỉ huy của Trung Quốc Peng Dehuai

Hiệp định Đình chiến cho đến hôm nay vẫn có hiệu lực. Những năm qua, Hàn Quốc và Triều Tiên đã ký một loạt thỏa thuận không gây chiến và không can thiệp lẫn nhau. Năm 2000, hai bên đã đạt được một cam kết bước ngoặt kêu gọi chấm dứt nhiều năm thù địch, tiến tới hòa bình và hợp tác.

Hai bên đã thực thi những dự án thương mại, mỗi năm mang lại cho Triều Tiên hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, sau khi cáo buộc Triều Tiên đứng sau vụ chiến hạm Cheonan bị chìm, Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak đã quyết định đình chỉ những thỏa thuận này. Ông cho rằng vụ việc liên quan đến Triều Tiên “đã phá vỡ Thỏa thuận Đình chiến”.

Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên “đứng sau một loạt vụ gây hấn”, trong đó có vụ đánh bom ở Myanmar năm 1983 đã làm một số bộ trưởng Hàn Quốc đang ở thăm nước này thiệt mạng, hay vụ đánh bom một máy bay làm 115 người chết năm 1987. Cũng đã xảy ra những vụ va chạm hải quân chết người ở vùng biển tranh chấp giữa hai miền.

Đường giới hạn phía bắc là gì?

Nhiều tuần sau khi Hiệp định Đình chiến được ký kết, Tư lệnh Mỹ ở thời kỳ cuối cuộc chiến tranh Triều Tiên đã vẽ ra một đường ranh giới biển (NLL) để ngăn chặn nguy cơ xảy ra những cuộc xung đột vũ trang ở ngoài khơi bờ biển phía tây và phía đông của bán đảo Triều Tiên.
 
Bán đảo Triều Tiên, 57 năm trong “tình trạng chiến tranh” - 4


Thỏa thuận Đình chiến không đề cập trực tiếp đến các đường ranh giới trên biển (màu xanh lá mạ) này.
 
Bán đảo Triều Tiên, 57 năm trong “tình trạng chiến tranh” - 5

Đã từng xảy ra những vụ chạm trán hải quân giữa hai miền

Triều Tiên không có tuyên bố gì về NLL cho đến năm 1973. Năm 1991, hai bên đã đạt được thỏa thuận cam kết không xâm lược và công nhận chủ quyền chính trị của nhau.

Trong những năm 1990, Triều Tiên bắt đầu tranh cãi về NLL, cho rằng biên giới thực sự nằm sâu phía trong biển miền nam. Năm 1999, một vụ xung đột hải quân đã khiến một số lính Triều Tiên thiệt mạng khi Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đã vi phạm NLL tới 10km. Tháng 11 năm ngoái cũng xảy ra một vụ tương tự.

Liệu có chiến tranh?

Hầu hết các nhà phân tích nghi ngờ về nguy cơ bùng nổ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, bởi theo họ, chiến tranh cũng đồng nghĩa là tổn thất lớn đối với Triều Tiên và là sự hủy hoại kinh tế đối với Hàn Quốc.

Hàn Quốc cũng đã khẳng định nước này “sẽ không trả đũa” quân sự dù các kết quả điều tra “xác nhận rằng chiến hạm Cheonan chìm là do bị tàu ngầm Triều Tiên bắn”. Họ biết giới đầu tư sẽ hoảng sợ nếu nước này tấn công quân sự. Sự thật là những lời “khẩu chiến” với mức độ ngày càng nghiêm trọng đã tác động đến các thị trường chứng khoán của Seoul, khiến các nhà hoạch định chính sách phải kêu gọi một cuộc họp khẩn vào ngày 25/5 để tìm cách xoa dịu các nhà đầu tư.
 
Bán đảo Triều Tiên, 57 năm trong “tình trạng chiến tranh” - 6

Hàn Quốc triển khai loa tuyên truyền đến biên giới liên Triều

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng khi các cuộc “khẩu chiến” lên đến cao trào, có nguy cơ những cuộc đụng độ nhỏ sẽ biến thành cuộc xung đột lớn.

Nguy cơ thứ nhất là cuộc diễn tập hải quân chống tàu ngâm Mỹ-Hàn dự kiến diễn ra tại vùng biển phía tây bán đảo Triều Tiên. Nguy cơ thứ hai là việc Hàn Quốc nối lại chương trình phát thanh tuyên truyền qua biên giới liên Triều mà Triều Tiên tuyên bố là sẽ bắn trả. Nguy cơ nữa là việc tăng cường lực lượng quân sự Mỹ tại bán đảo Triều Tiên mà Bình Nhưỡng cho là hành động chuẩn bị cho một cuộc xâm lược.

Dù vậy, cả hai bên dường như rất cẩn trọng. Về phía Mỹ, nước hiện có 28.000 quân đóng tại Hàn Quốc và vừa tuyên bố “hoàn toàn” ủng hộ Seoul, vẫn nhắc lại rằng nước này sẽ nỗ lực để ngăn chặn tình trạng leo thang ngoài tầm kiểm soát.

Việt Hà
Tổng hợp

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm