Bài học từ Hiệp định phân định lãnh hải Indonesia-Philippines
(Dân trí) - Theo một quan chức kỳ cựu của Indonesia, việc nước này và Philippines kết thúc thành công quá trình đàm phán lâu nay về phân định ranh giới trên biển đã đưa ra những bài học quý báu cho các nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Ông Arif Havas Oegroseno trong một buổi hội thảo về Biển Đông.
Trang mạng Viện nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) mới đây đã đăng bài viết thể hiện quan điểm riêng của ông Arif Havas Oegroseno, Đại sứ Indonesia tại Bỉ, Luxembourg và Liên minh châu Âu (EU), đồng thời là Chủ tịch hội nghị các nước tham gia UNCLOS 1982 lần thứ 20.
Ông Oegroseno nhận định việc Indonesia và Philippines - hai nước thành viên ASEAN - kết thúc đàm phán thành công sau 20 năm và ký kết Hiệp định phân định ranh giới trên biển hôm 23/5 vừa qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.
Indonesia và Philippines là hai trong số các quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới. Đây cũng là hai nước khởi xướng nguyên tắc pháp lý quần đảo và là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
“Bất chấp những vấn đề mang tính lịch sử của Hiệp ước Paris năm 1898 kết thúc cuộc chiến Tây Ban Nha-Mỹ mà đã không phân định rõ ranh giới trên biển giữa Philippines và các nước láng giềng, Philippines vẫn gắn lập trường của mình với UNCLOS và chính điều này đã mở đường kết thúc đàm phán phân định lãnh hải giữa Philippines và Indonesia. Đây có thể được xem là bài học thực tế đáng khuyến nghị cho luật pháp quốc tế”, ông Oegroseno nói.
Trước đó, Indonesia phản đối “đường chữ nhật” của Hiệp ước Paris do cho rằng không phù hợp với UNCLOS 1982.
Theo cựu Đại sứ Oegroseno, có 2 bài học quan trọng nổi lên từ quá trình đàm phán phân định ranh giới trên biển giữa Indonesia và Philippines.
Trước tiên, dù thích hay không, luật pháp quốc tế phổ biến hiện nay để giải quyết tranh chấp lãnh hải là UNCLOS 1982, bất chấp hồ sơ lịch sử của các nước là gì, có niên đại bao lâu. Một khi bản đồ “đường chữ nhật” của một hiệp ước cả trăm năm tuổi còn phải gắn kết với UNCLOS thì rõ ràng một bản đồ các đoạn đứt gãy chỉ được đưa ra giữa thập niên 1940 sẽ không có ý nghĩa gì với UNCLOS 1982.
Thứ hai, các nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông không cần phải nhìn đâu xa mà chỉ cần nhìn các nước trong khu vực hợp tác vì lợi ích lớn ở vùng biển rộng lớn không có ranh giới rõ ràng. Khi những lợi ích chung được các nước thúc đẩy và bảo vệ bất chấp việc thiếu phân định ranh giới, đó sẽ là cách thực thi cụ thể và tốt đẹp nhất, là những ví dụ rõ ràng cho thấy các nước Đông Nam Á có văn hóa luật pháp quốc tế.
Vì thế, căng thẳng leo thang gần đây ở Biển Đông không phải là một chuẩn mực mang tính khu vực. Đó là một sự bất thường ở Đông Nam Á và cần phải được sửa đổi.
Đại sứ Oegroseno cũng nhấn mạnh rằng tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhất là Trung Quốc trong vai trò Ủy viên thường trực HĐBA, cần phải có trách nhiệm đạo đức, chính trị và luật pháp trong việc kiến tạo hòa bình, ổn định trên thế giới, cùng nhau hợp tác hòa bình.
Khi đó, châu Á rất có thể sẽ trở thành một nhà lãnh đạo thế giới trong ngăn chặn xung đột và quản lý tranh chấp trên biển.