Bài học đắt giá của những người chần chừ tiêm vắc xin Covid-19
(Dân trí) - Nhiều người mắc Covid-19 đã vật lộn trong bệnh viện, thậm chí trả giá bằng mạng sống, dù trước đó tin rằng mình không thể mắc bệnh và từ chối tiêm vắc xin.
Một vận động viên thể hình khỏe mạnh ở Anh. Một nữ tín đồ ở Canada. Một người dẫn chương trình phát thanh ở bang Tennessee, Mỹ. Tất cả đều từ chối tiêm vắc xin ngừa Covid-19, mặc dù sống ở những quốc gia có nguồn cung vắc xin dồi dào.
Nhưng sau khi mắc bệnh và lâm vào tình trạng ốm nặng, họ đều vô cùng hối hận và kêu gọi những người khác không phạm phải những sai lầm của mình. Một số người thậm chí chỉ kịp đưa ra lời khuyên trước khi qua đời vài ngày.
John Eyers sống ở thị trấn ven biển Southport tại Anh, thích đi bộ đường dài, cắm trại và chạy. Người đàn ông 42 tuổi từng tham gia các thử thách vận động khác nhau và thi đấu thể hình. 4 tuần trước khi tử vong vì Covid-19 trong bệnh viện, Eyers thậm chí còn đăng ảnh đứng trên đỉnh núi xứ Wales trên Facebook.
Em gái sinh đôi của John Eyers, Jenny McCann, đã viết trên Twitter rằng anh trai cô là người "khỏe mạnh nhất" mà cô từng biết. McCann cho biết bệnh viện đã làm mọi cách để cứu anh cô, nhưng Eyers đã qua đời vì Covid-19.
Trước khi chết, Eyers nói với y tá rằng, anh "ước mình đã tiêm vắc xin".
Chris Downham, một người bạn của Eyers ở Anh, đã viết trên Facebook: "Tôi từng hoài nghi về việc tiêm vắc xin, tôi nghĩ rằng tôi sẽ đợi thêm một năm hoặc lâu hơn vì tự tin mình không bao giờ bị ốm, hoặc nếu có bị nhiễm bệnh thì chắc chắn sẽ không gặp vấn đề gì. Nhưng tôi đã sai lầm. Tôi từng chơi khúc côn cầu với John Eyers và vẫn không thể tin rằng người đàn ông khỏe nhất mà tôi biết đã chết vì Covid-19. Tôi hy vọng anh ấy sẽ làm mọi thứ khác đi nếu có cơ hội".
Theo Washington Post, câu chuyện của Eyers đã thu hút sự chú ý tại Anh, nơi khoảng 88% người dân trên 18 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin. Tuy nhiên, giới chức Anh đang cân nhắc làm thế nào để thuyết phục thêm những người trẻ đi tiêm vắc xin, đặc biệt là khi việc tiêm vắc xin cho trẻ em đang gây nhiều tranh cãi.
Mỹ và Canada, những quốc gia có lần lượt 58% và 70% dân số được tiêm ít nhất một liều vắc xin, cũng phải đối mặt với vấn đề trên, trong khi các khu vực như châu Phi và phần lớn châu Á vẫn đang phải vật lộn để có được nguồn cung vắc xin.
Ở Canada, Katharina Giesbrecht, 33 tuổi, tin rằng cô không cần tiêm vắc xin vì Chúa sẽ bảo vệ cô khỏi virus. "Chúa biết bước tiếp theo là gì, và liệu chúng ta có chết hay không", Giesbrecht nói với CBC News.
Giesbrecht cho biết cô mắc Covid-19 hồi tháng 5, mặc dù luôn mặc đồ bảo hộ mỗi khi ra khỏi nhà. Cô tưởng rằng mình sẽ chết vì ngày càng khó thở hơn, và cuối cùng cũng phải nhập viện vì viêm phổi.
Giờ đây, Giesbrecht cho biết cô đã đặt lịch tiêm vắc xin và muốn kêu gọi những người còn do dự làm điều tương tự.
Các quan chức bệnh viện tại Trung tâm Y tế Boundary Trails, tây nam Winnipeg, Canada nơi Giesbrecht được điều trị, nói với CBC hồi tháng 6 rằng gần như tất cả bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 đều chưa được tiêm chủng.
"Lẽ ra nên tiêm vắc xin"
"Lẽ ra anh nên tiêm loại vắc xin đó" Micheal Freedy, 39 tuổi, ở Las Vegas, đã nhắn tin cho vợ mình, Jessica DuPreez, ngay trước khi qua đời vì Covid-19.
DuPreez nói rằng chồng cô không phản đối việc tiêm vắc xin. Nhưng cũng giống như nhiều người Mỹ còn chần chừ khác, ông bố 5 con muốn chờ đợi và tìm hiểu thêm xem vắc xin ảnh hưởng như thế nào đến mọi người trước khi quyết định tiêm.
DuPreez bây giờ trở thành một nhà vận động để kêu gọi mọi người tiêm vắc xin.
Ở Tennessee, Mỹ, người dẫn chương trình phát thanh Phil Valentine từng công khai bày tỏ sự hoài nghi đối với vắc xin Covid-19. Tháng trước, Phil phải nhập viện vì mắc Covid-19.
Gia đình Phil nói rằng anh rơi vào tình trạng nguy kịch, cần phải sử dụng ECMO - biện pháp cuối cùng cho bệnh nhân Covid- 19 có nồng độ ôxy thấp ngay cả khi thở máy.
"Phil muốn thính giả của anh ấy biết rằng mặc dù anh ấy chưa bao giờ phản đối việc tiêm chủng, nhưng Phil hối tiếc vì đã không ủng hộ tiêm vắc xin mạnh mẽ hơn và mong muốn có thể làm điều đó nếu được ra viện", anh trai của Phil, Mark Valentine, viết trên Facebook, kêu gọi mọi người đi tiêm phòng.
Hiện mới chỉ có khoảng 39% dân số ở bang Tennessee được tiêm chủng đầy đủ, và đây là một trong nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất tại Mỹ.
David Byrd, một dân biểu ở Tennessee, đã trải nghiệm cuộc chiến với Covid-19. Từ một người tham gia các cuộc tụ tập không khẩu trang, Byrd đã phải thở bằng máy trong 55 ngày. Sau cuộc chiến cam go kéo dài 8 tháng với Covid-19, giờ đây, Byrd đang kêu gọi những người dân trong bang của mình và những người Mỹ khác đánh giá nghiêm túc về Covid-19.
"Đó là dịch bệnh có thể giết chết chúng ta. Dịch bệnh không phải là vấn đề mà chúng ta nên chia rẽ", Byrd cho biết.
Sự gia tăng số ca mắc Covid-19 tại Mỹ do biến chủng Delta khiến những người Mỹ đã tiêm chủng từ cách đây nhiều tháng nổi giận với những người không tiêm chủng. Các bang tại Mỹ đang áp đặt lại yêu cầu đeo khẩu trang, các cơ quan công sở đang trì hoãn việc cho phép nhân viên trở lại văn phòng và các nhà chức trách đang thực thi những biện pháp mạnh tay hơn để kiểm soát sự lây lan của virus, bao gồm yêu cầu bắt buộc tiêm vắc xin.
Giới chức Mỹ nói rằng các ca mắc Covid-19 gần đây chủ yếu được phát hiện ở những cộng đồng dân cư chưa được tiêm chủng.
Viện Y tế Quốc gia Italia tuần trước cho biết gần 99% số ca tử vong vì Covid-19 tại nước này kể từ tháng 2 là những trường hợp chưa được tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó, tại Anh, cố vấn khoa học Patrick Vallance hồi tháng trước cho biết, 60% số ca mắc Covid-19 nhập viện ở nước này là những trường hợp chưa được tiêm chủng.