Bác sĩ ở New York: "Tôi đang bơi trong đại dịch Covid-19"
(Dân trí) - Các y tá đã tử vong, nhiều bác sĩ nhiễm bệnh và sự hoảng loạn đang gia tăng trên tuyến đầu chống dịch ở New York, nơi hiện là điểm nóng nhất của đại dịch Covid-19 tại Mỹ.
New York Times, một người giám sát đã kêu gọi các bác sĩ phẫu thuật tại Trung tâm y tế Irving Đại học Columbia tại Manhattan, New York tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch vì một nửa nhân viên của bộ phận chăm sóc tích cực đã mắc Covd-19.
“Khu chăm sóc tích cực sắp VỠ TRẬN”, bà viết trong một email.
Một bác sĩ tại Trung tâm y tế Weill Cornell ở Manhattan đã miêu tả trải nghiệm đáng sợ khi hàng ngày phải đi qua một đồng nghiệp mới ở độ tuổi 30 bị nguy kịch, phải đặt nội khí quản, và tự hỏi ai có thể là nạn nhân tiếp theo.
Một bác sĩ khác tại một bệnh viện lớn ở thành phố New York miêu tả cảnh tượng giống một “hộp petri” (đĩa có nắp dùng để cấy vi khuẩn), khi có tới hơn 200 nhân viên y tế đã đổ bệnh.
Hai y tá trong các bệnh viện thành phố đã tử vong.
Đại dịch Covid-19, vốn đã khiến hơn 67.000 người mắc bệnh tại bang New York, đang bắt đầu tấn công những người ở tuyến đầu chống dịch: các bác sĩ, y tá và nhân viên khác tại các bệnh viện và phòng khám. Tại các phòng cấp cứu và các khu chăm sóc tích cực, các chuyên gia y tế - những người vốn đã chai lì với cảm xúc - đang bắt đầu cảm thấy hoảng sợ khi số các đồng nghiệp mắc bệnh ngày càng gia tăng.
“Tôi có cảm giác như tất cả chúng tôi được cử đi sát sinh”, Thomas Riley, một y tá tại Trung tâm y tế Jacobi ở quận Bronx, người đã mắc Covid-19 cùng chồng cô, cho biết.
Các nhân viên y tế đang ngày ngày đối mặt với các phòng cấp cứu bị quá tải, điều khiến họ được khen ngợi như những người hùng.
Nhưng các bác sĩ và nhân viên y tế cho biết, khi nhìn ra thế giới, họ có thể thấy mối nguy hiểm đang đối mặt, đặc biệt khi các trang thiết bị bảo hộ bị thiếu trầm trọng.
Theo trang Worldometers, Mỹ đã ghi nhận 164.435 ca mắc Covid-19 và 3.175 ca tử vong, trong số đó bang New York có 67.325 ca mắc và 1.342 ca tử vong.
Tại Trung Quốc, hơn 3.000 bác sĩ đã mắc Covid-19, gần một nửa trong số họ tại Vũ Hán, nơi dịch bệnh khởi phát, theo các số liệu của chính phủ. Bác sĩ Li Wenliang, người đầu tiên cố gắng cảnh báo về Covid-19, cũng tử vong vì chính căn bệnh này.
Tại Italia, số các nhân viên y tế mắc bệnh giờ đã tăng gấp đôi con số của Trung Quốc và hơn 60 bác sĩ nước này đã tử vong cho tới nay. Còn tại Tây Ban Nha, gần 14% trong tổng số các ca mắc Covid-19 là các nhân viên y tế.
Hệ thống y tế của thành phố New York đang quá tải, khiến việc đưa ra tỷ lệ lây nhiễm chính xác trong số đội ngũ nhân viên y tế trở nên khó khăn. Một phát ngôn viên của Tập đoàn các bệnh viện và y tế, vốn điều hành các bệnh viện công tại thành phố New York, cho biết hãng này không thể chia sẻ số liệu về các nhân viên y tế nhiễm bệnh vào thời điểm hiện nay.
"Các bác sĩ đang bị nhiễm bệnh khắp nơi"
Tuy nhiên, William P. Jaquis, chủ tịch Hiệp hội các bác sĩ cấp cứu Mỹ, cho hay tình hình hiện nay trên khắp nước Mỹ khiến việc thu thập dữ liệu khó khăn, nhưng dự đoán rằng mối nguy hiểm sẽ ngày càng gia tăng. “Các bác sĩ đang bị lây bệnh ở khắp nơi”, ông nói.
Hồi tuần trước, 2 y tá tại New York, trong đó có Kious Kelly, một trợ lý quản lý y tá 48 tuổi tại Bệnh viện Mount Sinai West, đã chết vì Covid-19. Họ được cho là những nạn nhân đầu tiên trong số đội ngũ y tế chống dịch Covid-19, nhưng các nhân viên y tế khắp thành phố lo sợ rằng danh sách các nạn nhân sẽ còn tăng.
Ông Riley, một y tá tại Bệnh viện Jacobi, cho hay khi ông nhìn vào một phòng cấp cứu gần đây, ông nhận ra rằng ông và các đồng nghiệp không bao giờ tránh được việc bị lây nhiễm. Các bệnh nhân gặp khó khăn về hô hấp đã đông kín bệnh viện, trong khi các khẩu trang và thiết bị bảo hộ thiếu trầm trọng.
“Tôi đang bơi trong tình cảnh này”, ông nói, và từng nghĩ rằng chắc là rồi mình cũng nhiễm thôi.
Các triệu chứng bệnh Covid-19 của Riley bắt đầu với cơn ho, không hề sốt, sau đó là buồn nôn và tiêu chảy. Ít ngày sau đó, người bạn đời của ông cũng bị ốm. Riley cho biết ông và người bạn đời đang khá lên, nhưng vẫn có các triệu chứng bệnh.
Giống các vị tướng thường động viên tinh thần của các binh sĩ trước mỗi trận đấu, các lãnh đạo bệnh viện tại New York đã phải động viên, thuyết phục và thậm chí cảnh báo các nhân viên.
“Hệ thống y tế của chúng ta đang chiến đấu với đại dịch”, Craig R. Smith, trưởng khoa phẫu thuật tại Bệnh viện NewYork-Presbyterian viết trong một email gửi đến các nhân viên vào ngày 16/3, một ngày sau khi thành phố đóng cửa các trường học để kiểm soát virus. “Các bạn vẫn phải chiến đấu với bất kỳ loại vũ khí nào mà các bạn có thể sử dụng”.
“Ốm chỉ là tương đối”, ông viết, nói thêm rằng các nhân viên y tế thậm chí sẽ không được xét nghiệm Covid-19 trừ khi “rõ ràng bị phơi nhiễm và có triệu chứng với mức cần phải nhập viện”. “Điều đó có nghĩa bạn phải đi làm”.
Đi làm mỗi ngày, các bác sĩ và y tá đối mặt với sự hỗn loạn.
Tại một chi nhánh của hệ thống bệnh viện Montefiore tại quận Bronx, các y tá phải mặc áo mưa mùa đông trong một túp lều lạnh lẽo được thiết lập để điều trị cho các bệnh nhân có triệu chứng Covid-19, trong khi tại Trung tâm bệnh viện Elmhurst ở quận Queens, thỉnh thoảng có bệnh nhân hấp hối trước khi được đưa vào giường bệnh.
Khẩu trang cũng phải tái sử dụng
Các quy định bắt buộc trong một số trường hợp đã bị gạt sang một bên. Việc thay đổi các quy định vốn nhằm để bảo vệ nguồn cung trang thiết bị bảo hộ đang sụt giảm đã gây lo ngại hơn cả.
Khi dịch bệnh mới tấn công New York, các nhân viên y tế thay khẩu trang và đồ bảo hộ mỗi lần khi họ đến khám cho một bệnh nhân nhiễm bệnh. Nhưng sau đó, họ được không báo mặc nguyên bộ đồ bảo hộ cho tới khi hết ca làm việc. Khi nguồn cung ngày càng hạn chế, một bác sĩ tại một khu chăm sóc tích cực cho biết ông đã được đề nghị lộn khẩu trang và thiết bị che mặt vào cuối ca làm việc để khử trùng cho lần sử dụng tiếp theo. Những người khác được yêu cầu cất giữ khẩu trang trong một túi giấy giữa các ca làm việc.
“Điều đó khiến chúng tôi gặp nguy hiểm, và cũng khiến chính xác bệnh nhân của chúng tôi gặp nguy hiểm. Tôi không thể tin điều đó lại xảy ra ngay tại nước Mỹ”, Kelley Cabrera, y tá phòng cấp cứu tại Trung tâm y tế Jacobi nói.
Các bác sĩ và y tá lo ngại rằng họ có thể truyền virus cho các bệnh nhân, làm phức tạp thêm cuộc khủng hoảng khi biến các bệnh viện thành các “lò ấp” virus. Điều đó đã xảy ra tại Italia, một phần vì các bác sĩ nhiễm bệnh đã dốc sức cho các ca làm việc.
Các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch tại New York giờ đây được yêu cầu đo nhiệt độ cứ 12 giờ một lần, mặc dù các bác sĩ và y tá lo ngại họ có thể nhiễm virus và lây lan nó cho các bệnh nhân khác trước khi phát triệu chứng.
Họ cũng cho hay, để biết khi nào phải trở lại làm việc sau khi bị ốm là một thách thức. Tất cả các nhân viên y tế có triệu chứng, dù không được xét nghiệm, phải cách ly ít nhất 7 ngày và phải không có triệu chứng trong 3 ngày trước khi trở lại làm việc.
Một số lãnh đạo bệnh viện thậm chí yêu cầu nhiều hơn từ các nhân viên y tế.
Một y tá tại Trung tâm y tế Lincoln cho biết cô vẫn yếu và vẫn có các triệu chứng nhưng đã thuyết phục quay trở lại làm việc. Cô đã phải trải qua một ca làm việc dài, đầy hỗn loạn mà cô không nhớ đã tiếp xúc bao nhiêu bệnh nhân. Vào thời điểm cô trở về nhà, cô lại bị cảm lạnh và ho.
“Tôi biết virus vẫn âm ỉ ở trong người. Và tôi cũng biết không chỉ mình tôi như vậy”, cô nói.
Cũng có những lo ngại về nguy cơ nhân viên y tế mang virus về nhà và lây bệnh cho người thân. Một số nhân viên y tế cho biết họ phải ngủ trong phòng riêng để cách ly với người thân và thậm chí đeo khẩu trang khi ở nhà. Một số người lựa chọn cách ly hoàn toàn khỏi gia đình, hoặc đưa người thân ra khỏi thành phố hay thậm chí chuyển vào khách sạn.
An Bình
Tổng hợp