1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Bắc Kinh nói giải pháp hòa bình nơi này, gây hấn nơi khác?

(Dân trí) - Quan điểm ủng hộ “giải pháp hòa bình” của Bắc Kinh cho bán đảo Triều Tiên, một lần nữa lại bị dư luận đặt câu hỏi khi thấy quá mâu thuẫn với những hành động của Trung Quốc vẫn đang gia tăng căng thẳng trên Biển Đông!

Bắc Kinh nói giải pháp hòa bình nơi này, gây hấn nơi khác? - 1

Khu vực phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên. (Nguồn: Vietnam+)

Trong khuôn khổ Hội nghị về vấn đề Triều Tiên vừa diễn ra tại Bắc Kinh ngày 19/9, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh ý nghĩa của đàm phán thay cho “các hành vi khiêu khích”! Đài RFI đưa tin cùng ngày.

“Các bên liên quan cần nối lại đàm phán về vấn đề hạt nhân Triều Tiên và cần tránh mọi hành vi khiêu khích”, ông Vương Nghị nói đồng thời nhấn mạnh: “Bắc Kinh mong muốn các bên tỏ rõ trách nhiệm” trước những diễn biến phức tạp trên bán đảo Triều Tiên và không có thêm những hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực Đông bắc Á.

Phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là con đường duy nhất để bảo đảm ổn định và hòa bình cho khu vực, ông Vương Nghị khẳng định và nêu rõ "tuyên bố chung (ngày 19/9 cách đây 10 năm) là cách thức tốt nhất giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, là con đường đúng đắn mang lại hòa bình và ổn định trên bán đảo".

Được cho là vẫn giữ quan hệ thân cận với Triều Tiên, nhưng gần đây Trung Quốc không tránh khỏi bất bình trước những động thái của Bình Nhưỡng liên tục gây xôn xao dư luận. Mặt khác, Bắc Kinh cũng chỉ trích mạnh mẽ các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc với đồng minh Hoa Kỳ, với lý do “gây thêm căng thẳng” trong khu vực.

Bình Nhưỡng vừa thông báo kế hoạch bắn thử tên lửa tầm xa và “tiết lộ” rằng công nghệ chế tạo vũ khí nguyên tử của Triều tiên đang có nhiều tiến triển khả quan.

Báo chí Hàn Quốc dự đoán có thể vào lễ kỷ niệm ngày thành lập Đảng Lao động Triều Tiên (10/10), Bình Nhưỡng sẽ phóng tên lửa đạn đạo, bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Trước mắt, Hàn Quốc chưa có phản ứng cụ thể nào đáp trả việc Triều Tiên có thể bắn thử tên lửa đạn đạo mà nguyên do theo giới phân tích, là nhằm tránh gây thêm khó khăn cho tiến trình hòa giải vốn khá mong manh.

Bên cạnh đó, có lẽ Seoul cũng không muốn Bình Nhưỡng viện cớ này để hủy bỏ cuộc đoàn tụ các gia đình bị ly tán trong Chiến tranh Triều Tiên, dự kiến diễn ra từ ngày 20 đến 26/10.

Bắc Kinh nói giải pháp hòa bình nơi này, gây hấn nơi khác? - 2

Ảnh chụp vệ tinh bãi Đá Subi (Subi Reef) tháng 8 năm 2015. Theo báo Anh The Guardian, Trung Quốc bồi đắp các đảo để xây trên đó các đường băng, đồn bốt và cả những thị trấn nhỏ, gây nguy hại cho các hệ sinh thái biển vốn mang tính thiết yếu trong việc duy trì trữ lượng thủy sản và tính đa dạng sinh học.

Đàm phán 6 bên về hạt nhân Triều Tiên bao gồm Triều Tiên, Hàn Quốc Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản được khởi động năm 2003. Tuyên bố chung 19/9 được Trung Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Hàn Quốc, Nga và Nhật Bản đưa ra trong khuôn khổ vòng đàm phán thứ tư năm 2005.

Đây được coi là thỏa thuận quan trọng nhất đạt được trong đàm phán 6 bên, trong đó nêu rõ: Bán đảo Triều Tiên phải được phi hạt nhân hóa theo phương thức hòa bình. Triều Tiên cam kết từ bỏ mọi vũ khí hạt nhân và chương trình hạt nhân hiện có của nước này, song vẫn nhấn mạnh quyền được sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đã bị trì hoãn từ tháng 12/2008. Tháng 4/2009, Triều Tiên tuyên bố không tham gia đàm phán nhằm phản đối các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc. Đàm phán đi vào bế tắc từ đó đến nay.

Tuy nhiên sự ủng hộ “giải pháp hòa bình” này của Bắc Kinh cho bán đảo Triều Tiên, một lần nữa lại bị dư luận đặt câu hỏi khi thấy quá mâu thuẫn với những hành động của Trung Quốc đang gia tăng căng thẳng trên Biển Đông!

Quý Cao (tổng hợp)

Bắc Kinh nói giải pháp hòa bình nơi này, gây hấn nơi khác? - 3