Australia: Nhà chứa máy bay trái phép của Trung Quốc phục vụ mưu đồ kiểm soát Biển Đông
(Dân trí) - Cựu cố vấn an ninh quốc gia Australia Andrew Shearer cho rằng những nhà chứa máy bay trái phép của Trung Quốc xuất hiện trên hình ảnh vệ tinh mới đây sẽ cho phép Bắc Kinh nhanh chóng thay đổi sức mạnh quân sự trên các đảo nhân tạo phi pháp để kiểm soát tuyến hàng hải quan trọng ở Biển Đông.
70 gian nhà chứa máy bay phi pháp
Theo tờ Sydney Morning Herald (Australia), ông Andrew Shearer, người từng là cố vấn an ninh quốc gia của cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott, đã nhận định về khả năng Trung Quốc kiểm soát tuyến hàng hải quan trọng ở Biển Đông sau khi thông tin về những nhà chứa máy bay trái phép của nước này được Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) có trụ sở tại Mỹ công bố gần đây.
Những bình luận của ông Shearer được đưa ra trong bối cảnh các chuyên gia quân sự bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc có thể ngang nhiên tuyên bố cái gọi là Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, trong đó yêu cầu các máy bay quân sự nước ngoài phải xin phép Bắc Kinh trước khi đi qua khu vực này.
Sự hiện diện của 70 gian nhà chứa máy bay trái phép tại các Đá Chữ Thập, Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho thấy Trung Quốc ít nhất đang tính đến việc trắng trợn tuyên bố lập ADIZ và giành phần thắng đáng kể trong tính toán lợi ích với các nước, trong đó có cả Australia, ở khu vực Biển Đông. Việc triển khai phi pháp các máy bay chiến đấu tới các đảo nhân tạo cũng là một chiêu bài để Trung Quốc củng cố ADIZ nếu Bắc Kinh thực sự lập vùng này trên Biển Đông.
Cũng theo SMH, các máy bay của Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia (RAAF) thường xuyên tiến hành các cuộc tuần tra ở Biển Đông, đồng nghĩa với việc các máy bay chiến đấu của Australia sẽ thách thức bất kỳ vùng nào mà Trung Quốc ngang nhiên thiết lập tại khu vực này.
Những hình ảnh vệ tinh mới nhất do CSIS công bố cho thấy tại mỗi Đá trong 3 Đá Chữ Thập, Xu Bi và Vành Khăn thuộc Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc đang xây dựng trái phép và sẽ sớm hoàn thiện khu nhà chứa đủ cho 24 máy bay chiến đấu cùng 4 máy bay cỡ lớn hơn như máy bay tiếp nhiên liệu trên không. Đây là những bằng chứng quan trọng cho thấy Bắc Kinh đang trắng trợn quân sự hóa các đảo nhân tạo mà nước này ngang nhiên xây dựng trên Biển Đông. Thực tế này đi ngược lại với cam kết phi quân sự hóa do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra nhân chuyến thăm tới Washington, Mỹ vào tháng 9 năm ngoái.
Ông Shearer, hiện là cố vấn cấp cao về an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại một trung tâm nghiên cứu có trụ sở ở Washington, cho biết bất chấp phán quyết của tòa trọng tài thường trực ở La Hay (Hà Lan) bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh vẫn ngang nhiên tiếp tục thực hiện các chiến lược dài hạn của nước này nhằm thiết lập quyền kiểm soát tại vùng biển này.
Cũng theo ông Shearer, những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc đang cố gắng xây dựng các cơ sở hạ tầng phi pháp trên Biển Đông. Theo đó, sau khi việc xây dựng này hoàn thành, Bắc Kinh sẽ nhanh chóng tiến hành quân sự hóa, trong khoảng thời gian một vài ngày, các thực thể chiến lược mà nước này chiếm đóng trái phép trên quần đảo Trường Sa.
Ý đồ lập ADIZ trái phép
Nhà nghiên cứu Australia dự đoán, Trung Quốc có thể tạm hoãn tuyên bố lập ADIZ cũng như không tiến hành thêm các hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp ở khu vực gần bãi cạn Scarborough cho đến khi Hội nghị thượng đỉnh G20, dự kiến tổ chức ở thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) vào tháng tới, chính thức bế mạc.
“Tuy nhiên, bất kỳ sự trì hoãn nào cũng có thể nằm trong tính toán chiến thuật của Trung Quốc. Thực tế đáng lo ngại là, cho đến nay, Bắc Kinh đã chuẩn bị cho các hành động mang tính rủi ro cao hơn nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược của mình ở Biển Đông, trước khi Mỹ và đồng minh kịp ngăn chặn điều đó xảy ra”, ông Shearer nhận định.
SMH cũng dẫn nhận xét của Malcolm Davism, chuyên gia phân tích cấp cao tại Viện chính sách chiến lược Australia, về việc Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng máy bay trái phép tại Biển Đông rằng: “Nếu Trung Quốc muốn tuyên bố lập ADIZ thì có nghĩa họ sẽ làm điều đó”.
Ông Davism cho rằng các máy bay chiến đấu của Trung Quốc sẽ không thể bắn hạ các máy bay của Mỹ hay Australia nếu họ đi vào vùng ADIZ do Bắc Kinh lập ra nhưng Trung Quốc sẽ tỏ thái độ cứng rắn bằng cách hung hăng tiến hành các cuộc tập trận hoặc thậm chí “khóa” các máy bay này bằng hệ thống radar. “Đó là sự cưỡng ép về chính trị”, ông nói.
Cũng theo đánh giá của ông Davism, nếu Trung Quốc triển khai máy bay chiến đấu đến các cơ sở trên Biển Đông, họ sẽ tiếp tục bào mòn thực trạng hiện tại ở vùng biển này theo chiến lược “cắt lát salami” (chiến lược chiếm đóng dần dần trái phép các bãi cạn và đảo), mà Bắc Kinh vẫn theo đuổi nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền ngang ngược của nước này tại đây.
Trước khi những hình ảnh vệ tinh về các nhà chứa máy bay của Trung Quốc được công bố, Bắc Kinh cũng đã trắng trợn xây 3 đường băng trên Biển Đông, trong đó có đường băng dài 3km đủ để một máy bay quân sự cất và hạ cánh, điều này làm dấy lên lo ngại Bắc Kinh có thể biến khu vực này thành một tiền đồn quân sự nhằm phục vụ tham vọng bá quyền trên Biển Đông.
Mới đây, trong cuộc họp báo ngày 9/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau nhấn mạnh: “Hoạt động xây dựng (các nhà chứa máy bay) đã gây ra căng thẳng trong khu vực. Điều này đã làm dấy lên hoài nghi về việc liệu Trung Quốc có sẵn sàng tuân thủ tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình rằng Bắc Kinh không có ý định quân sự hóa Biển Đông, hay không”. Bà Trudeau cũng cho rằng các hành động này đã “làm tổn hại lòng tin trong khu vực về việc Trung Quốc sẵn sàng giải quyết các vấn đề bất đồng bằng cách không cưỡng ép”.
Thành Đạt
Theo SMH