Australia hoàn tất thử nghiệm tàu chiến mạnh nhất
(Dân trí) - Tàu khu trục tác chiến phòng không đầu tiên HMAS Hobart của Hải quân Hoàng gia Australia đã hoàn tất thành công giai đoạn đầu tiên của quá trình thử nghiệm trên biển ở vùng biển phía Nam Australia.
Thông báo của Liên minh Khu trục Tác chiến trên không (AWD) ngày 24/9 cho biết giai đoạn đầu tiên của quá trình thử nghiệm, được thực hiện trong vài ngày trên vùng biển ở phía Nam Australia, cho thấy thân tàu, động cơ đẩy và hệ thống định vị hoạt động ổn định. Giai đoạn hai của quá trình thử nghiệm sẽ diễn ra vào đầu năm tới khi tàu HMAS Hobart sẽ kiểm tra các hệ thống chiến đấu và liên lạc.
Liên minh AWD là dự án phối hợp chung chịu trách nhiệm xây dựng các tàu chiến lớp Hobart dựa trên chiến hạm lớp Álvaro de Bazán cùng với Hải quân Tây Ban Nha. Đơn vị quản lý các hoạt động liên quan tới AWD gồm hãng đóng tàu ASC của Australia, tập đoàn Raytheon và Bộ Quốc phòng Australia.
Giai đoạn đầu của quá trình thử nghiệm nêu trên diễn ra hai năm sau nhiều lần trì hoãn của chương trình phát triển tàu lớp Hobart và vấn đề giá thành sản xuất bị tăng lên nhiều so với dự kiến. Có những ý kiến chỉ trích cho rằng hệ thống chiến đấu Ageis trang bị trên tàu lớp Hobart đã lỗi thời và cần phải nâng cấp như phiên bản mà Hải quân Mỹ đã phát triển cho các tàu chiến của nước này thời gian qua.
Nhà thầu quốc phòng của Mỹ - tập đoàn Lockheed Martin đã bắt đầu phát triển và thử nghiệm hệ thống chiến đấu Aegis sử dụng cho tàu chiến vào tháng 3 năm nay. Chương trình phát triển tàu lớp Hobart là dự án phát triển quốc phòng lớn nhất được Australia thực hiện với tổng chi phí ước tính lên tới hơn 8 tỷ USD. Khoảng một nửa số tiền này dự tính được sử dụng cho những lần nâng cấp sau khi các tàu lớp Hobard được đưa vào sử dụng.
Tàu khu trục lớp Hobart với lượng giãn nước 7.000 tấn là mẫu tàu chiến đầu tiên được Hải quân Hoàng gia Australia phát triển dựa trên hệ thống chiến đấu Aegis của Hải quân Mỹ. Ngoài ra, các tàu cũng được trang bị những hệ thống sóng âm hiện đại và các ngư lôi cho những sứ mệnh tác chiến chống ngầm, cùng với hệ thống tên lửa chống hạm Harpoon nhằm đối phó với những mối đe dọa trên bề mặt nước. Theo kế hoạch, các tàu lớp Hobart sẽ có mặt sàn để trực thăng và các máy bay không người lái hoạt động.
Dù được gọi là tàu khu trục tác chiến trên không, tàu chiến lớp Hobart sẽ "có nhiều nền tảng vũ khí đa nhiệm vốn có thể được sử dụng cho các sứ mệnh chống hạm và chống ngầm, cũng như có vai trò hỗ trợ tấn công bằng súng máy và có thể bảo vệ các lực lượng hải quân trước những cuộc tấn công từ máy bay và tên lửa".
Tàu chính trong dự án trên - tàu HMAS Hobart sẽ thực hiện giai đoạn 2 trong quá trình thử nghiệm vào đầu năm 2017. Sau đó, tàu này sẽ được chuyển giao chính thức cho Hải quân Hoàng gia Australia vào tháng 6/2017, sau đó là tàu HMAS Brisbane vào tháng 9/2018 và tàu HMAS Sydney vào tháng 3/2020.
Ngọc Anh
Theo Diplomat