ASEAN giải bài toán cân bằng Mỹ - Trung khi thách thức gia tăng
(Dân trí) - Các nước ASEAN đang phải duy trì sự cân bằng phù hợp trong mối quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc để đảm bảo lợi ích tốt nhất cho khu vực.
Sau cuộc họp tại Thái Lan ngày 31/7, Bộ trưởng Ngoại giao của các nước ASEAN đã ra tuyên bố chung, cảnh báo các vụ việc xảy ra trên Biển Đông thời gian qua đã làm “xói mòn lòng tin” và có thể đe dọa tới ổn định khu vực.
Mối quan ngại của ASEAN được đưa ra cùng ngày Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thông báo về bản thảo sơ bộ của bộ quy tắc ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN, nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài suốt hàng chục năm trên Biển Đông.
“Chúng tôi đã thảo luận về tình hình tại Biển Đông, trong đó một số bộ trưởng bày tỏ quan ngại “về hành vi cải tạo đất, các hoạt động và sự cố nghiêm trọng trong khu vực đã làm xói mòn lòng tin và sự tin tưởng, gia tăng căng thẳng và có thể làm suy yếu hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực”.
Tuyên bố không đề cập tới tên của bất kỳ quốc gia cụ thể nào, song kêu gọi “các nước có tuyên bố chủ quyền cũng như các quốc gia khác không quân sự hóa và kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động” tại Biển Đông.
Mặc dù Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị thừa nhận các tranh chấp vẫn còn tồn tại, song ông cũng lạc quan tuyên bố rằng, sự đồng thuận về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông có thể sẽ đạt được trước thời hạn trong 3 năm tới. Phát biểu bên lề cuộc họp tại Thái Lan, ông Vương khẳng định Trung Quốc và ASEAN “hoàn toàn” có thể đạt được thỏa thuận về vấn đề Biển Đông.
“Tôi tin rằng những tiến triển đạt được cho thấy Trung Quốc và các nước ASEAN có năng lực, sự thông thái và ý chí để đạt được đồng thuận về bộ quy tắc ứng xử”, Ngoại trưởng Trung Quốc nói, đồng thời cảnh báo các nước ngoài khu vực không nên “gây mất lòng tin” giữa Trung Quốc và ASEAN.
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết Indonesia hoan nghênh tiến triển giữa Trung Quốc và ASEAN. Bà Marsudi hy vọng sự tiến triển này sẽ phản ánh những kết quả đạt được trên thực tế.
Những vụ việc xảy ra trong những tháng gần đây đã cho thấy tình hình gia tăng căng thẳng trên Biển Đông. Tàu khảo sát của Trung Quốc ngang nhiên tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong những tuần qua, trong khi trước đó, một tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu đánh cá Philippines khiến 22 ngư dân Philippines gặp nạn trên biển.
“Sự ổn định trên Biển Đông phục vụ cho lợi ích chung của Trung Quốc và các nước khác. Tuy nhiên, một sự thật đó là vẫn có một số tranh chấp hàng hải lịch sử giữa các nước liên quan”, ông Vương Nghị nói, đồng thời khẳng định tình hình trên Biển Đông đã cải thiện trong những năm gần đây.
Theo Paul Chambers, giảng viên Trường nghiên cứu Cộng đồng ASEAN tại Đại học Narensuan ở Thái Lan, hầu hết các nước ASEAN đều không muốn căng thẳng với Trung Quốc, vì điều này có thể gây khó khăn cho việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
“Hầu hết các nước đều không muốn căng thẳng với Trung Quốc. Chúng ta nên nhớ rằng chính quyền (Tổng thống) Duterte mãi gần đây mới thực thi một chính sách thận trọng hơn với Trung Quốc sau khi Trung Quốc đâm chìm tàu cá Philippines tại Biển Đông”, ông Chambers cho biết.
Mối quan hệ Mỹ - Trung với ASEAN
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự cuộc họp bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc ngày 31/7 tại Thái Lan. (Ảnh: Reuters)
Giới phân tích nhận định cả Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc đều nỗ lực để thắt chặt mối quan hệ với các đồng minh và đối tác ASEAN, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng tại Đông Nam Á khi tới Thái Lan dự họp tuần này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được cho là tìm cách thúc đẩy chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương do Washington dẫn đầu, trong khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng nỗ lực thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, chuyến đi của Ngoại trưởng Pompeo nhằm làm sâu sắc thêm “mối quan hệ đồng minh lâu dài và mối quan hệ song phương mạnh mẽ với các nước”, “tái khẳng định cam kết của Mỹ với ASEAN, nơi được xem là trọng tâm trong tầm nhìn của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương”.
Giới chuyên gia nhận định chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương là khuôn khổ quân sự và kinh tế do Mỹ thiết lập nhằm kiềm chế sự mở rộng của Trung Quốc tới các vùng biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đồng thời tạo ra đối trọng với chương trình Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pompeo bác bỏ thông tin nói rằng, tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các nước thành viên ASEAN đang gia tăng. Nhà ngoại giao Mỹ khẳng định những lời đồn đoán như vậy là “không chính xác”.
“Các nước ASEAN đang tìm kiếm những đối tác để có thể giúp họ phát triển kinh tế và chăm sóc tốt cho người dân của họ”, ông Pompeo nói.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Vương Nghị đã khởi động chương trình Vành đai và Con đường với những người đồng cấp Campuchia, Philippines và Indonesia ngay sau khi ông tới Thái Lan dự họp.
Các dự án Vành đai và Con đường chủ yếu nhằm phát triển cơ sở hạ tầng trên bộ và trên biển, kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi. Tuy nhiên, phương Tây vẫn nghi ngờ rằng, sáng kiến Vành đai và Con đường ra đời để làm xói mòn trật tự thế giới do Mỹ dẫn đầu.
Theo nhà nghiên cứu Rajeev Ranjan Charturvedy tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nayang ở Singapore, diễn đàn ASEAN năm nay diễn ra trong bối cảnh các nước trong khu vực đang có xu hướng ngả về sáng kiến của Trung Quốc, một phần bởi vì sự khó đoán của chính quyền Mỹ.
“Sự bất ổn về chính sách dưới thời chính quyền Trump đã đẩy một số nước ASEAN lại gần Trung Quốc theo những cách chưa từng xảy ra trong vài năm trước đây”, chuyên gia Charturvedy nhận định.
Các nhà phân tích cho biết cách tiếp cận “Nước Mỹ là số một” của Tổng thống Trump đã định hình chính sách của Washington với ASEAN. Ông Trump thậm chí cảnh báo sẽ áp lệnh “trừng phạt” với một số nước, bao gồm các nước ASEAN, nếu góp phần tạo nên thâm hụt thương mại với Mỹ.
Việc Tổng thống Trump vắng mặt tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Singapore năm ngoái làm dấy lên lo ngại rằng, cam kết của Washington đối với châu Á đã sụt giảm.
Chuyên gia Charturvedy cho rằng trọng tâm của diễn đàn ASEAN là nhằm xây dựng chủ nghĩa khu vực mang tính xây dựng, tuy nhiên cách tiếp cận của Trung Quốc về an ninh có thể tạo ra thách thức.
“Các nước ASEAN rõ ràng không muốn bị ép buộc phải lựa chọn giữa đề xuất của Mỹ hay của Trung Quốc. Thay vào đó, họ muốn tự do hơn trong việc lựa chọn, trong khi vẫn thích ứng với vai trò ngày càng lớn hơn của Trung Quốc trong khu vực”, ông Charturvedy nói.
Clarit Carlos, giáo sư về khoa học chính trị tại Đại học Philippines cũng cho rằng các nước ASEAN nên thực tế khi tham gia diễn đàn khu vực. Theo ông Carlos, mỗi nước cần tìm ra sự cân bằng riêng của mình trong mối quan hệ với Trung Quốc và Mỹ, nhằm tối đa hóa lợi ích và lợi thế của từng nước.
Thành Đạt
Theo Bloomberg, SCMP