1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

ARF-19 "dạt vòm" trên Biển Đông

Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN (ARF-19) dường như "tự thể hiện mình" được rất ít, khi mà trước đấy các ngoại trưởng đã xem tới 18 dự thảo Thông cáo chung về Hội nghị AMM-45, nhưng rồi tất cả đã bị hủy bỏ vì các bên không thống nhất với nhau về câu chữ.

ARF-19 dạt vòm trên Biển Đông


Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa tuyên bố hôm 12/7: ASEAN không ra được thông cáo chung là "vô trách nhiệm". Còn ai vô trách nhiệm thì lại là điều "bí mật công khai" khi mà đầu tuần này (10/7), Trung Quốc đã sớm trải lòng cám ơn (trước) nước chủ nhà (!) Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, theo Tân Hoa Xã đưa tin, trong cuộc gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen trước khi diễn ra hàng loạt hội nghị ngoại trưởng, đã bày tỏ lòng biết ơn đối với "sự ủng hộ bền bỉ và kiên định" của Campuchia trong những vấn đề có liên quan đến "lợi ích cốt lõi" của Trung Quốc.

 

Tuần qua, các ngoại trưởng ASEAN đã tìm cách soạn thảo một thông cáo tóm tắt quan điểm của các nước thành viên đối với những vi phạm gần đây nhất của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng đã không thành.

 

Đừng biến nạn nhân thành tội phạm!

 

Trong khi đó thì Campuchia lại đổ vấy trách nhiệm do Việt Nam và Philippines nên hội nghị AMM45 đã không ra được Thông cáo chung. Cú lội ngược dòng này khiến dư luận nhớ lại năm ngoái, khi xét xử tội ác diệt chủng của Khơ me Đỏ ở Phnom Penh, cũng từng có những vu khống tương tự, về "tác giả" của diệt chủng ở đất nước Chùa Tháp trước đây. Biến nạn nhân thành tội phạm là trò đổi trắng thay đen rẻ tiền.

 

Thế nhưng, thế lực nào đó đứng sau quên mất rằng, nhân loại đã bước sang thế kỷ 21 được 12 năm, và giờ đây thật khó cho những ai muốn đẩy quan hệ quốc tế trở lại thời trung cổ, nghĩa là các quốc gia chỉ có thể nói chuyện với nhau, duy nhất bằng võ biền!

 

Thông tấn xã Kyodo hôm 12/7 dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Campuchia nói Việt Nam và Philippines yêu cầu ASEAN phải có lời lẽ cụ thể để phản ánh quan điểm của hai nước này đối với những vi phạm mới đây nhất của Trung Quốc ở Biển Đông. Một quan chức ngoại giao Campuchia (lại giấu tên) mô tả lập trường của Việt Nam và Philippines là "bắt nạt" (bullying) nước khác. Campuchia, chủ tịch ASEAN năm nay đã không hài lòng với đòi hỏi này của hai nước thành viên.

 

Theo Kyodo, Việt Nam yêu cầu Thông cáo nhắc tới "ranh giới trên biển của khu vực kinh tế đặc quyền và tranh chấp thềm lục địa giữa Philippines, Việt Nam và Trung Quốc", trong khi Philippines muốn đề cập tới "bãi cạn Scarborough" trong văn bản.

 

Yêu cầu trên không được chấp nhận, và 10 nước ASEAN đã không thống nhất được nội dung Thông cáo, thường được đưa ra vào cuối các hội nghị cấp cao như thông lệ. Campuchia cũng đã cảnh báo từ trước rằng, nếu tình trạng bất đồng tiếp diễn thì có thể sẽ chẳng có thông cáo chung nào hết.

 

Ngay tại cuộc gặp ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc một hôm trước đó, tranh cãi về ngôn từ Thông cáo chung trong đoạn liên quan đến Biển Đông đã diễn ra khá gay gắt. Các nguồn tin cho hay Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì nói tại cuộc họp này rằng "một số thành viên ASEAN đã có hành động khiêu khích đơn phương trong chủ đề Biển Đông (?).

 

Cũng theo thông tấn xã AFP ngày 12/7 trích lời quan chức Mỹ quan sát hội nghị cho biết, đã có sự nổi nóng giữa các giới chức tham gia thảo luận. Quan sát viên này nói: "Đa số các đại diện ASEAN thừa nhận rằng tổ chức này đang chịu áp lực và căng thẳng to lớn để giữ đoàn kết khi đối mặt các thách thức nghiêm trọng, chủ yếu liên quan tới Biển Đông".

Quan chức Hoa Kỳ này nhận xét rằng Indonesia, nước cũng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn tại Biển Đông, tỏ ra muốn thỏa hiệp để đạt đồng thuận. Ngoại trưởng Natalegawa nói với báo giới: ông vô cùng thất vọng khi hội nghị ASEAN lần này không đưa ra được tiếng nói chung về Biển Đông.

 

Thông cáo của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh cuối ngày 12/7 đã tóm tắt lập trường của Việt Nam. Ngoại trưởng Việt Nam "bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, vi phạm tới quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển; nhấn mạnh các nước phải tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982, trong đó có các quy định về tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển; không sử dụng vũ lực và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; thực hiện đầy đủ DOC; sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông COC".

 

Trách nhiệm Trung Quốc và các nước lớn

 

Diễn đàn an ninh khu vực ARF-19 cùng các cuộc hội nghị ASEAN, ASEAN+3 trước đó dường như ít mang lại được điều gì mới mẻ trong việc thúc đầy đàm phán một bộ COC. Đặc biệt là báo chí Trung Quốc hoàn toàn không hề nhắc tới chủ đề Biển Đông khi phản ánh các cuộc họp của Ngoại trưởng Dương Khiết Trì tại Campuchia.

 

Thậm chí, tờ "Hoàn cầu thời báo", một phiên bản tiếng Anh của báo đảng ở Trung Quốc, ngày 10/7 còn đưa ra lời khuyên: "Con đường thực tế duy nhất cho Việt Nam là hợp tác với Trung Quốc để hạn chế sự xoay trục của Mỹ về châu Á". "...Thay vì làm mắt xích trong dây chuyền kiềm chế Trung Quốc, Việt Nam có thể là cột trụ để chống lại sự dính líu của Mỹ tại châu Á".

 

Với tư duy từ thời chiến tranh Lạnh như thế, xem ra việc đàm phán giữa Trung Quốc và ASEAN về COC, chưa thể bắt đầu sớm để hoàn tất vào cuối năm nay như ASEAN trông đợi.

 

Trong khi đó thì Hoa Kỳ và châu Âu ngay sau hội nghị đã ra tuyên cáo chung, trong đó lặp lại quan điểm về Biển Đông, rằng hai bên "sẽ hợp tác với các đối tác châu Á nhằm tăng cường an ninh hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế như quy định trong UNCLOS; cũng như hỗ trợ các biện pháp tăng cường lòng tin nhằm giảm nguy cơ khủng hoảng và xung đột".

 

"Về Biển Đông, châu Âu và Mỹ tiếp tục khuyến khích ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy COC và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ và trên biển thông qua giải pháp hòa bình, ngoại giao và hợp tác".

 

Trong khi đó thì ba trong số năm cường quốc thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc được kỳ vọng sẽ ký vào bản "Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân" (SEANWFZ) đã quyết định rút lui. Pháp, Anh và Nga cho biết họ muốn bảo lưu về một số điểm trong hiệp ước. Pháp và Nga do dự chưa muốn ký hiệp ước này vì tính đến quyền tự vệ của họ trong trường hợp bị tấn công hạt nhân. Moscow còn đề cập tới quyền của các tàu thuyền và máy bay nước ngoài thâm nhập vào khu vực không vũ khí hạt nhân. Còn Anh dẫn ra các mối đe dọa trong tương lai có thể cần họ phải vận chuyển các nguyên liệu hạt nhân qua khu vực Đông Nam Á.

 

Như vậy là cả 3 văn kiện đều đã không được ký lần này tại Phnom Penh. Đó là Tuyên bố ASEAN về Nghị định thư đối với Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (đáng ra phải ký vào ngày 9/7 vừa qua); Ghi nhớ Thỏa thuận giữa ASEAN và Trung Quốc về hiệp ước liên quan tới SEANWFZ (theo kế hoạch ký kết vào ngày 10/7); và Nghị định thư về Hiệp ước liên quan tới SEANWFZ do nhóm 5 quốc gia thường trực Hội đồng Bảo an LHQ ký kêt vào ngày 12/7. Dù sao mặc lòng, ASEAN vẫn hy vọng, theo như lời của Tổng thư ký Surin, việc ký các văn bản này sẽ được hoàn tất cùng lúc vào tháng 11 tới đây trong kỳ Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21".

 

Tương lai vẫn tiếp tục phải chờ đợi!

TheoQuảng Trí

Vietnamnet