1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh:

APEC ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam

(Dân trí) - Việt Nam đang bước sang thời kỳ chiến lược mới, tiếp tục đổi mới sâu rộng và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện. Do đó, châu Á-Thái Bình Dương nói chung và Diễn đàn APEC nói riêng càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam.

APEC ngày càng có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam

Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại hội nghị (Ảnh TG&VN)

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tại Hội nghị “APEC trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của thế kỷ 21” diễn ra tại Hà Nội sáng nay 15/11.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, quyết định tham gia Diễn đàn APEC cách đây 15 năm là bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

“Việt Nam đã trở thành thành viên của Diễn đàn APEC. Trong thời kỳ phát triển chiến lược mới hiện nay, với chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, một trong những ưu tiên chính sách của Việt Nam là cùng đồng hành hiệu quả hơn với các thành viên khác và đóng góp một cách chủ động hơn, thiết thực hơn vào các nỗ lực chung của khu vực và APEC”, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình khẳng định trong bài phát biểu khai mạc tại hội nghị.

“Hầu hết các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và đối tác kinh tế-thương mại hàng đầu của Việt Nam đều ở châu Á-Thái Bình Dương. Đây cũng là khu vực có đầu tư trực tiếp lớn nhất với 65% tổng số vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 60% giá trị xuất khẩu, 80% giá trị nhập khẩu và 75% lượng khách du lịch quốc tế của Việt Nam. 12 trong 14 Hiệp định mậu dịch tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán là với các đối tác trong khu vực”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Mình nhấn mạnh: "Việt Nam sẽ tiếp tục tích cực tham gia các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế đa tầng nấc ở châu Á-Thái Bình Dương, từ tiểu vùng đến xây dựng Cộng đồng ASEAN, Diễn đàn APEC và cả khu vực. Trong khuôn khổ APEC, Việt Nam ưu tiên đẩy mạnh thực hiện các Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư, Chiến lược tăng trưởng mới, và tăng cường kết nối khu vực".

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp hết sức mình vào các nỗ lực chung nhằm bảo đảm an ninh lương thực, quản lý bền vững nguồn nước, ứng phó với thiên tai và tình trạng khẩn cấp.

 
APEC cũng đang đứng trước không ít những thách thức nội tại

APEC cũng đang đứng trước không ít những thách thức nội tại

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đề cập đến vai trò không thể thiếu của APEC trong liên kết kinh tế, điều phối, gắn kết các cơ chế liên kết khu vực, hướng tới hình thành Khu vực thương mại tự do toàn châu Á- Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra một số thách thức đối với APEC: “APEC cũng đang đứng trước không ít những thách thức nội tại. Việc triển khai các Mục tiêu Bogor còn hạn chế. Nội hàm hợp tác và tầm đóng góp trong các vấn đề khu vực và quốc tế cần tiếp tục được điều chỉnh. Quá trình cải cách APEC chưa kịp với tình hình mới. Sự nổi lên của một số cơ chế khu vực cũng là thách thức đối với vị thế của APEC".

Đây là Hội nghị quan trọng nhất về Diễn đàn APEC do Việt Nam tổ chức trong năm nay, đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm Việt Nam tham gia APEC (15/11/1998 -15/11/2013).

Hội nghị lần này thảo luận, đánh giá thực chất vai trò, triển vọng của APEC, cũng như xu thế liên kết kinh tế khu vực; rà soát tổng thể sự tham gia và đóng góp của Việt Nam trong 15 năm qua; đề xuất chính sách nâng cao hiệu quả tham gia, phát huy vai trò của Việt Nam trong APEC và các tầng nấc liên kết kinh tế khu vực; đồng thời hướng mục tiêu nâng cao nhận thức của các Bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương Việt Nam về xu thế liên kết kinh tế khu vực, xây dựng định hướng chuẩn bị cho Việt Nam đăng cai Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 25 vào năm 2017.

Nam Hằng