1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Ẩn ý tin nhắn hình con dao cựu chủ tịch Interpol gửi vợ trước khi mất tích

(Dân trí) - Trong cuộc họp báo tại Pháp ngày 7/10, vợ cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ đã đưa ra giả thuyết về tin nhắn kỳ lạ có hình con dao mà chồng bà đã gửi trước khi ông mất tích tại Trung Quốc vào cuối tháng 9.

Vợ cựu Chủ tịch Interpol bị mất tích họp báo tại Pháp


Cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ (Ảnh: New York Times)

Cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ (Ảnh: New York Times)

Vào đêm 7/10, Ủy ban Giám sát Kỷ luật Trung ương Trung Quốc, cơ quan chống tham nhũng quyền lực của Bắc Kinh, đã đăng một thông báo xác nhận cựu Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) Mạnh Hoành Vĩ đang bị điều tra vì hành vi “vi phạm pháp luật nhà nước”. Thông báo mang nội dung ngắn gọn và không cung cấp thông tin chi tiết về vụ việc. Vài giờ sau, Interpol thông báo đã nhận được đơn từ chức của ông Mạnh.

Thông tin về việc Trung Quốc điều tra cựu chủ tịch Interpol và việc ông Mạnh từ chức xuất hiện chỉ một ngày sau khi Interpol yêu cầu chính phủ Trung Quốc cho biết hiện ông Mạnh đang ở đâu sau khi vợ ông, bà Grace Mạnh, báo tin chồng bị mất tích khi trở về Trung Quốc hồi cuối tháng 9.

Vài giờ trước khi Ủy ban Giám sát Kỷ luật Trung ương Trung Quốc xác nhận đang điều tra ông Mạnh Hoành Vĩ, bà Grace đã gặp mặt các phóng viên tại thành phố Lyon, Pháp để cung cấp một số thông tin mà bà cho là quan trọng liên quan tới sự mất tích bí ẩn của chồng bà. Sau khi ông Mạnh được bầu làm chủ tịch Interpol, bà Grace và các con cũng chuyển tới Lyon, nơi đặt trụ sở Interpol, sinh sống.

Theo lời kể của bà Grace, bà đã mất liên lạc với chồng kể từ sau tin nhắn cuối cùng được gửi vào ngày 25/9. Thông thường, hai vợ chồng bà vẫn liên lạc hàng ngày với nhau kể cả khi ông Mạnh đi công tác xa.

Trong đoạn tin nhắn cuối cùng gửi cho vợ, ông Mạnh viết: “Hãy chờ cuộc gọi của anh”. 4 phút sau đó, bà Grace nhận được hình một con dao từ số điện thoại của chồng. Bà Grace cho rằng hình ảnh con dao chính là ẩn ý của ông Mạnh, ám chỉ chồng bà “đang gặp nguy hiểm”.

“Tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với anh ấy. Trong suốt khoảng thời gian dài mà tôi không thể nói chuyện với chồng tôi, tôi không thể xem đó là tín hiệu tích cực”, bà Grace nói.

Tin nhắn hình con dao của bà Grace nhận được từ chồng (Ảnh: AFP)
Tin nhắn hình con dao của bà Grace nhận được từ chồng (Ảnh: AFP)

Trước khi ông Mạnh gửi tin nhắn hình con dao, bà Grace cũng gửi cho chồng một bức ảnh chụp một con gấu và một con ngựa, thể hiện cho hai con của họ.

Cuộc họp báo của bà Grace diễn ra tại một khách sạn. Bà quyết định ngồi quay lưng về phía các phóng viên để họ không thể chụp ảnh gương mặt của bà. Bà Grace muốn bảo vệ sự an toàn của chính bà cũng như các con trong lúc bà thường xuyên nhận được những lời đe dọa qua điện thoại và mạng xã hội.

Tại cuộc họp báo, bà Grace nói rằng bà quyết định công khai lên tiếng về vụ việc của chồng vì bà cảm thấy bà có trách nhiệm phải làm như vậy. Bà muốn “chính phủ các nước” vào cuộc để làm rõ vụ việc. Theo New York Times, động thái của bà Grace là bất thường vì các thành viên trong gia đình của các quan chức Trung Quốc thường ít khi nhờ đến sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế nếu các quan chức đó gặp rắc rối.

“Kể từ bây giờ, tôi phải bước qua nỗi đau khổ và sợ hãi để theo đuổi sự thật, công lý và trách nhiệm đối với lịch sử”, bà Grace nói.

Theo AP, bà Grace không tin rằng chồng bà, người từng giữ chức thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc và là lãnh đạo cơ quan cảnh sát thế giới, đã vi phạm pháp luật Trung Quốc như thông báo của Ủy ban Giám sát Kỷ luật Trung ương.

“Tôi không thể tin nổi điều đó vì pháp luật Trung Quốc là mục tiêu mà anh ấy theo đuổi suốt đời”, bà Grace khẳng định.

Tác động tới Trung Quốc

Bà Grace phát biểu tại họp báo nhưng quay lưng về phía các phóng viên (Ảnh: AFP)
Bà Grace phát biểu tại họp báo nhưng quay lưng về phía các phóng viên (Ảnh: AFP)

Giới phân tích cho rằng cách cựu Chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ biến mất tại Trung Quốc đã gây tổn hại không chỉ cho nỗ lực của Bắc Kinh trong việc xây dựng các thỏa thuận hợp tác với nước ngoài về các vấn đề tư pháp và hành pháp, mà còn giảm đi cơ hội để các quan chức nước này được bổ nhiệm vào các vị trí cấp cao tại các thể chế toàn cầu trong tương lai.

Theo nhà bình luận chính trị Zhang Lifan, Trung Quốc chắc chắn đã dự đoán trước tất cả những nguy cơ mà họ có thể phải đối mặt khi bất ngờ bắt giữ và điều tra ông Mạnh.

“Tôi chắc rằng họ đã đoán trước được phản ứng mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế trước khi đưa ra quyết định hành động. Tôi nghĩ chắc hẳn có điều gì đó khẩn cấp ở đây. Đó là lý do khiến giới chức Trung Quốc chọn cách hành động ngay lập tức, bất chấp nguy cơ bị mất thể diện trên trường quốc tế. Nếu ông Mạnh chỉ liên quan tới một vụ việc tham nhũng thông thường, các cơ quan chức năng Trung Quốc không cần phải hành xử gấp gáp như vậy”, ông Lifan nhận định.

“Mặc dù Trung Quốc luôn để mắt tới những công dân của nước này đang nắm giữ những vị trí chủ chốt tại các tổ chức toàn cầu quan trọng, việc ông Mạnh biến mất mà không được thông báo trước sẽ tác động xấu tới nỗ lực xây dựng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc. Thật khó tưởng tượng rằng sẽ có một tổ chức quốc tế nào đó cảm thấy thoải mái khi bổ nhiệm một người Trung Quốc vào vị trí lãnh đạo mà không lo ngại chuyện tương tự sẽ xảy ra”, Julian Ku, giáo sư tại Đại học Hofstra, cho biết.

Bà Grace Mạnh không muốn phóng viên chụp ảnh mặt để bảo vệ an toàn cho bà và các con (Ảnh: AP)
Bà Grace Mạnh không muốn phóng viên chụp ảnh mặt để bảo vệ an toàn cho bà và các con (Ảnh: AP)

Ông Mạnh Hoành Vĩ được bổ nhiệm làm Chủ tịch Interpol từ năm 2016 và nhiệm kỳ của ông dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2020. Ông Mạnh từng giữ chức thứ trưởng cơ quan cảnh sát quốc gia vào năm 2004, ông cũng từng trải qua nhiều vị trí công tác trong các lực lượng vũ trang Trung Quốc.

Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, Ủy ban Giám sát Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đã mở rộng chiến dịch chống tham nhũng và sẵn sàng “sờ gáy” mọi quan chức ở tất cả các cấp. Ủy ban này có thể bắt giữ các quan chức trong vài tháng hoặc vài năm để phục vụ điều tra trước khi tước bỏ chức vụ, tuyên bố các quan chức này vi phạm điều lệ đảng và áp theo khung hình phạt của luật Trung Quốc.

Theo Maggie Lewis, giáo sư về luật Trung Quốc và Đài Loan tại Đại học luật Seton Hall, vụ bắt giữ ông Mạnh đã phát đi một tín hiệu rằng “không ai được xem là an toàn”.

Thành Đạt

Tổng hợp