1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Vụ giám đốc Interpol mất tích ở Trung Quốc: Mục tiêu “đả hổ diệt ruồi”?

(Dân trí) - Giới phân tích đã đưa ra nhiều đồn đoán về sự biến mất bí ẩn của Giám đốc Interpol Meng Hongwei sau khi ông này trở về Trung Quốc gần đây, bao gồm giả thuyết ông bị bắt để phục vụ điều tra.

Giám đốc Interpol Meng Hongwei (Ảnh: SCMP)
Giám đốc Interpol Meng Hongwei (Ảnh: SCMP)

Khi ông Meng Hongwei, một quan chức cấp cao trong cơ quan an ninh Trung Quốc, được bầu làm giám đốc Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) vào năm 2016, các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh rất vui mừng. Sự cất nhắc này đã giúp nâng cao hình ảnh của hệ thống tư pháp hình sự của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Meng, 64 tuổi, đã mất tích một cách bí ẩn sau khi ông trở về Trung Quốc gần đây. Theo New York Times, Bắc Kinh chưa đưa ra bất kỳ thông báo chính thức nào về sự biến mất của quan chức an ninh Trung Quốc nổi tiếng nhất thế giới này.

Không ai biết ông Meng đang ở đâu hoặc lý do ông đột nhiên mất tích là gì trong khi ông đang dẫn dắt một tổ chức được xem là “Liên Hợp Quốc” của các lực lượng cảnh sát thế giới.

Interpol hôm qua 5/10 đã phát đi một thông báo khó hiểu. Vợ ông Meng, người đang sống ở Pháp - nơi Interpol đặt trụ sở, đã thông báo về sự mất tích của ông vào tối 4/10 sau nhiều ngày mất liên lạc với chồng kể từ khi ông trở về Trung Quốc. Giới chức Pháp đã mở một cuộc điều tra về vụ việc này.

Trong khi câu chuyện về sự biến mất bí ẩn của giám đốc Interpol vẫn chưa được làm sáng tỏ, nhiều nghi vấn đã được đặt ra về việc liệu ông Meng có đang bị các nhà chức trách Trung Quốc điều tra hay bị các đặc vụ an ninh bắt đi mà không báo trước hay không. Nếu những nghi vấn trên là đúng, sự mất tích đột ngột và bí ẩn của ông Meng có thể đe dọa tới hình ảnh của Trung Quốc, khiến nhiều người nghĩ rằng ngay cả nhân vật cấp cao nhất của một tổ chức an ninh quốc tế cũng có thể gặp nguy hiểm.

“Nếu Meng Hongwei mất tích ở Trung Quốc, khả năng cao nhất đây có thể là một cuộc điều tra chống tham nhũng”, Deng Yuwen, cựu biên tập viên của tạp chí đảng Cộng sản Trung Quốc, nhận định.

“Trên phạm vi quốc tế, ông ấy là giám đốc của Interpol, nhưng trong mắt của các nhà chức trách Trung Quốc, ông ấy trước hết là công dân Trung Quốc, và họ không quan tâm quá nhiều đến danh tiếng quốc tế của ông ấy”, ông Deng cho biết.

Sự việc trên xảy ra trong bối cảnh giới chức Trung Quốc hồi đầu tuần đã phát đi một thông điệp cứng rắn rằng danh tiếng quốc tế không phải là “bùa hộ mệnh” giúp các công dân Trung Quốc. Hai ngày trước khi xuất hiện thông tin ông Meng mất tích, truyền thông Trung Quốc đưa tin Phạm Băng Băng, nữ diễn viên nổi tiếng từng tham gia các bộ phim bom tấn của Hollywood, đã phải làm việc với các cơ quan thuế Trung Quốc trong 4 tháng mất tích bí ẩn và bị phạt gần 70 triệu USD vì gian lận thuế.

Chiến dịch chống tham nhũng

Chủ tịch Tập Cận Bình (thứ 7 từ trái sang) chụp ảnh cùng đại diện các thành viên Interpol tại phiên họp toàn thể lần thứ 86 của Interpol ở Bắc Kinh năm 2017 (Ảnh: Xinhua)
Chủ tịch Tập Cận Bình (thứ 7 từ trái sang) chụp ảnh cùng đại diện các thành viên Interpol tại phiên họp toàn thể lần thứ 86 của Interpol ở Bắc Kinh năm 2017 (Ảnh: Xinhua)

Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền vào năm 2012, ông đã tuyên bố rằng không ai được phép miễn trừ trách nhiệm và nằm trong vòng an toàn dù cho người đó nắm giữ chức vụ cao đến đâu. Ông Tập đã phát động chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" nhằm vào cả "hổ" lẫn "ruồi", tức bài trừ tham nhũng trong các quan chức từ cấp cao tới địa phương. Năm nay, Trung Quốc đã thành lập một cơ quan điều tra chống tham nhũng với thẩm quyền mở rộng để bí mật bắt giữ các quan chức bị nghi mắc sai phạm.

Theo New York Times, các quan chức Trung Quốc nằm trong diện bị điều tra thường mất tích vài tuần, thậm chí vài tháng trước khi chính quyền Trung Quốc bắt đầu tiết lộ về số phận của họ. Nếu thông tin ông Meng bị bắt giữ tại Trung Quốc là chính xác, vụ việc của ông là dấu hiệu cho thấy chiến thuật của chính quyền Trung Quốc đang được lặp lại.

Vào năm 2013, Li Dongsheng, cựu thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, đã bị điều tra vì cáo buộc tham nhũng trước khi bị kết án 15 năm tù với tội danh nhận hối lộ. Tháng trước, cơ quan chống tham nhũng Trung Quốc thông báo đang điều tra Nur Berki, một trong những quan chức cấp cao hiếm hoi xuất thân từ nhóm thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Ông Nur là cựu lãnh đạo vùng Tân Cương ở tây bắc Trung Quốc và gần đây nhất là giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc.

Nhiệm kỳ giám đốc Interpol của ông Meng dự kiến kéo dài đến năm 2020. Ông là người Trung Quốc đầu tiên được giữ chức vụ này trong suốt lịch sử 95 năm hoạt động của tổ chức.

Interpol là tổ chức với 192 quốc gia thành viên. Cơ quan này có thể phát lệnh truy nã toàn cầu theo đề nghị của quốc gia thành viên, song không có quyền ban hành lệnh bắt giữ trực tiếp. Năm 2014, Interpol đã phát lệnh truy nã 100 quan chức Trung Quốc chạy trốn ra nước ngoài.

Andrew Wedeman, nhà khoa học chính trị tại Đại học bang Georgia và là người chuyên nghiên cứu về vấn đề tham nhũng tại Trung Quốc, cho biết chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình dường như đã “hạ nhiệt” sau giai đoạn đỉnh cao vào năm 2015, tuy nhiên Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục hạ gục “những con hổ” - cụm từ được Trung Quốc sử dụng để ám chỉ những quan chức cấp cao “ngã ngựa”.

“Theo suy đoán của tôi, năm nay họ (Trung Quốc) đã hạ được 17 con hổ và ông Meng có thể là con hổ thứ 18. Cảm nhận của tôi đó là giai đoạn tăng tốc của chiến dịch chống tham nhũng đã qua và Trung Quốc đang quay trở lại cấp độ bình thường. Tuy vậy, chiến dịch săn hổ chắc chắn vẫn tiếp diễn”, Giáo sư Wedeman nhận định.

Tại Pháp, các nhà điều tra biết đến sự mất tích của ông Meng khi vợ ông tới sở cảnh sát ở Lyon để báo tin. Bà cho biết không nhận được bất kỳ thông tin nào từ chồng kể từ khi ông quay trở về Trung Quốc hồi cuối tháng 9. Theo AFP, phu nhân của giám đốc Interpol cũng nói với cảnh sát Pháp rằng bà từng nhận được những lời đe dọa qua điện thoại cũng như trên mạng xã hội và các nhà chức trách Pháp đã đưa ra biện pháp bảo hộ cho bà.

Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, một tờ báo tiếng Anh được xuất bản ở Hong Kong, dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết ông Meng đã bị bắt đi sau khi đặt chân tới Trung Quốc và đang bị điều tra.

Ông Meng vẫn giữ ghế thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc khi ông nhậm chức giám đốc Interpol. Tới tháng 4 năm nay, bộ này thông báo rằng ông Meng không còn là thành viên của ủy ban đảng Cộng sản Trung Quốc - cơ quan giám sát Bộ Công an. Động thái này làm dấy lên đồn đoán trên các trang web Trung Quốc hải ngoại rằng ông Meng có thể đã gặp rắc rối.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc không đăng tải bất kỳ thông tin nào liên quan tới cáo buộc nhằm vào ông Meng. Tháng 8 vừa qua, ông Meng vẫn đón các vị khách ở Bắc Kinh. Trước đó, ông từng chủ trì phiên họp toàn thể của các thành viên Interpol ở Bắc Kinh năm 2017.

Thành Đạt

Theo New York Times