Ấn Độ triển khai tàu ngầm hạt nhân thuê của Nga
(Dân trí) - Sau 2 thập niên khuyết thiếu, Ấn Độ hôm nay đã chuyển giao chiếc tàu ngầm hạt nhân “gốc” Nga, tàu Nerpa, cho hải quân, gia nhập câu lạc bộ số ít các nước trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Antony chính thức bàn giao chiếc INS Chakra II tại căn cứ ở Visakhapatnam, một xưởng đóng tàu hải quân ở bờ biển đông nam thuộc bang Andhra Pradesh.
Ấn Độ đặc biệt chú trọng củng cố khả năng trên biển của mình, do New Delhi coi chính sách phát triển hải quân “nước xanh” của Trung Quốc là mối đe dọa đối với các tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương và các tài sản năng lượng của Ấn Độ.
“Đây sẽ là khích lệ lớn cho hải quân Ấn Độ”, ông Antony cho biết với các phóng viên sau khi bàn giao tàu cho lực lượng hải quân. “INS Chakra sẽ đảm bảo an ninh và sự toàn vẹn của đất nước”, ông cho hay.
Tàu ngầm hạt nhân 8.410 tấn INS Chakra có khả năng bắn hàng loạt ngư lôi cũng như tên lửa hành trình Granat gắn đầu đạn hạt nhân. Tàu được Mátxcơva cho Ấn Độ thuê trong 10 năm, theo hợp đồng bị nước láng giềng Pakistan kịch liệt phản đối.
Hoàn thành phát triển tàu ngầm lớp Arihant
Gần đây Ấn Độ cũng đang hoàn thành phát triển tàu ngầm hạt nhân lớp Arihant của riêng mình và tàu INS Chakra II dự kiến sẽ giúp đào tạo thủy thủ cho con tàu tự chế của nước này, khi nó được đưa vào sử dụng.
“Thủy thủ đoàn của chúng tôi sẽ có kinh nghiệm hoạt động dưới nước trong nhiều tháng trước đó, bởi tàu ngầm hạt nhân không giống với các tàu ngầm chạy điện diesel thông thường, phải nổi lên trên mặt nước trong một khoảng thời gian nhất định”, một quan chức hải quân giấu tên cho biết với hãng thông tấn PTI.
Tàu lớp Akula II là tàu ngầm hạt nhân đầu tiên được Ấn Độ điều khiển kể từ khi nước này bỏ một tàu do Liên Xô phát triển vào năm 1991.
Với INS Chakra và INS Arihant, dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động tuần tra vào cuối năm nay, Ấn Độ sẽ sớm sở hữu hai tàu ngầm hạt nhân để bảo vệ biên giới trên biển rộng lớn của mình.
Ấn Độ đã ký thuê tàu ngầm Nga, được biết đến với tên Nerpa, vào năm 2004 và tàu dự kiến được trao vào năm 2009, song đã bị hoãn do gặp trục trặc khi thử nghiệm.
Con tàu đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm trên Biển Nhật Bản vào năm 2008 và khi đó hệ thống cứu hỏa trên tàu bất ngờ bị hỏng, khiến khí độc bị rò rỉ, làm 20 người trên tàu thiệt mạng.
Báo chí cũng cho biết Ấn Độ đã phàn nàn hệ thống định vị vũ khí không hoạt động theo yêu cầu cụ thể của New Delhi.
Nga cung cấp 70% phần cứng quân sự cho Ấn Độ, song New Delhi không hài lòng về việc bị trì hoãn chuyển giao vũ khí nhiều lần. Vì vậy nước này đã tìm đến các nhà cung cấp khác, trong đó có Israel và Mỹ trong những năm gần đây.
5 nước khác đã triển khai tàu ngầm hạt nhân gồm Anh, Trung Quốc, Pháp, Mỹ và Nga.
Ấn Độ cam kết không trang bị cho tàu ngầm tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân, theo ràng buộc của các hiệp ước quốc tế nước này đã ký sau khi tiến hành hàng loạt các vụ thử hạt nhân vào những năm 1990.
Vũ Quý
Theo FPI