1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Ấn Độ nỗ lực "hồi sinh" khối an ninh hàng hải đối phó Trung Quốc

Thanh Thành

(Dân trí) - Việc Ấn Độ quyết định chào đón 3 thành viên mới vào nhóm Hiệp định An ninh Colombo cho thấy rõ tham vọng ngày càng tăng của New Delhi trong khu vực cũng như sự cảnh giác của nước này trước Trung Quốc.

Ấn Độ nỗ lực hồi sinh khối an ninh hàng hải đối phó Trung Quốc - 1

Tàu sân bay bản địa của Ấn Độ, INS Vikrant, bắt đầu thử nghiệm trên biển vào ngày 4/8 (Ảnh: AFP).

Khi các đối thủ chiến lược ở Thái Bình Dương ngày càng gia tăng, một nhóm đa phương mới đã xuất hiện ở Ấn Độ Dương.

Nhóm Hiệp định An ninh Colombo về an ninh hàng hải tại Ấn Độ Dương, bao gồm các nước Ấn Độ, Sri Lanka và Maldives, hồi tuần trước đã tổ chức cuộc họp thứ hai chỉ trong vòng 8 tháng qua, nhấn mạnh "4 trụ cột" của hợp tác, bao gồm an ninh biển, chống khủng bố, buôn người và an ninh mạng.

Cuộc họp trực tuyến diễn ra 1 tháng sau khi hải quân 3 nước có cuộc tập trận tình huống giả định đầu tiên trong 2 ngày. New Delhi nhấn mạnh cuộc tập trận này là biểu tượng của "cam kết 3 bên sâu sắc" trong lĩnh vực hàng hải.

Nhóm trên được thành lập vào năm 2011 và hồi sinh vào tháng 11/2020 sau 6 năm gián đoạn. Nhóm hiện đã sẵn sàng để mở rộng thành viên mới gồm Bangladesh, Seychelles và Mauritius. Đây là những quốc gia hiện đang giữ tư cách quan sát viên.

Các chuyên gia cho rằng, quyết định chào đón 3 thành viên mới cho thấy rõ tham vọng ngày càng tăng của Ấn Độ trong khu vực cũng như sự cảnh giác của New Delhi trước những nỗ lực của Trung Quốc trong việc vun đắp các mối quan hệ đối tác tương tự.

Vào năm 2015, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ khi đó là Sushma Swaraj cho biết, nhóm ba nước đang "khám phá năng lực" để từng bước đưa các quốc gia như Seychelles và Mauritius vào nhóm. Nhưng kế hoạch bị đình trệ khi mối quan hệ giữa New Delhi và Male rạn nứt trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Maldives Abdulla Yameen.

Nhưng 6 năm sau, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ và quyết đoán hơn trong các vấn đề tranh chấp ở dãy Himalaya, New Delhi đã chủ động hơn.

Báo SCMP dẫn lời chuyên gia Rajeswari Pillai Rajagopalan của Quỹ Nghiên cứu Quan sát có trụ sở tại New Delhi, cho biết: "Rất rõ ràng, lý do thúc đẩy Ấn Độ mở rộng nhóm này là Trung Quốc".

Bắc Kinh đã và đang mở rộng sự hiện diện của mình trong khu vực: thiết lập một căn cứ quân sự ở Djibouti, vận hành cảng Gwadar ở Pakistan và cảng Hambantota ở Sri Lanka. Vào tháng 5, Kenya đã khánh thành một cảng do Trung Quốc xây dựng trên đảo Lamu ở Ấn Độ Dương, trong khi chính phủ Tanzania cho biết có kế hoạch khôi phục thỏa thuận trị giá 10 tỷ USD với Bắc Kinh để xây dựng một cảng mới ở thị trấn ven biển Bagamoyo.

Thậm chí, các nhà quan sát quân sự còn cho rằng, Hải quân Trung Quốc có thể điều động một hạm đội hải quân đặc biệt tới Ấn Độ Dương.

Các hoạt động hàng hải của Trung Quốc trong khu vực khiến New Delhi lo ngại vì lâu nay họ luôn xem mình là "nước phản ứng đầu tiên trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong khu vực và cũng là quốc gia cung cấp đảm bảo an ninh cho khu vực".

"Một nhóm đa phương như vậy sẽ giúp Ấn Độ thực hiện vai trò này và đảm bảo có không còn chỗ cho bất kỳ nước nào khác", một cựu sĩ quan giấu tên của Ấn Độ nhận định.

Ngoài ra, Ấn Độ đang tìm kiếm hợp tác song phương với các nước Ấn Độ Dương, tặng tàu tuần tra nhanh cho Seychelles và nâng cấp quan hệ quốc phòng với Maldives.

Theo một số chuyên gia, chiến lược như vậy đang dần cho thấy hiệu quả. Giám đốc Chương trình Phân tích Chiến lược và Chính sách tại CNA Nilanthi Samaranayake, cho biết: "Bộ ba an ninh hàng hải giữa Ấn Độ, Sri Lanka và Maldives trong giai đoạn 2011-2015 thực sự là một tổ chức đa phương Nam Á hiếm hoi với những hoạt động đáng kể trong một thời gian ngắn".

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, 6 năm sau, New Delhi có thể cần phải kiềm chế những kỳ vọng vào nhóm này. Giáo sư Lailufar Yasmin tại Đại học Dhaka cho rằng, Bangladesh có thể cảnh giác với việc nhóm này trở thành một chiến lược địa chính trị để "kiềm chế hoặc chống lại Trung Quốc".

Chuyên gia Rajagopalan cũng nhất trí rằng, vẫn còn nhiều câu hỏi về tính hiệu quả của nhóm này. Tuy nhiên, bà cho rằng, Ấn Độ có thể phải bằng lòng với những chiến thắng nhỏ để bắt đầu chiến lược của mình, chẳng hạn như các cuộc tập trận chung trên biển.

"Nhưng quan trọng hơn, với sự can dự này, New Delhi sẽ có thể ngăn hải quân Trung Quốc sử dụng các hải cảng của các quốc gia này, không giống như trước đây khi tàu chiến Trung Quốc dễ dàng cập cảng Sri Lanka", bà Rajagopalan nhận định.