1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Ấn Độ, Nhật Bản thúc đẩy quan hệ an ninh-hàng hải

(Dân trí) - Nhật Bản và Ấn Độ hôm qua đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh và đẩy nhanh các cuộc đàm phán nhằm cho phép Tokyo xuất khẩu các lò phản ứng hạt nhân, trong bối cảnh hai nước đều lo ngại về sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Ấn Độ, Nhật Bản thúc đẩy quan hệ an ninh-hàng hải

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải)và người đồng cấp Ấn Độ Manmohan Singh họp báo chung sau cuộc hội đàm ngày 29/5.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Manmohan Singh hôm qua đã có cuộc hội đàm tại thủ đô Tokyo trong khuôn khổ chuyến công du Nhật kéo dài 4 ngày của Thủ tướng Singh.

"Trong lĩnh vực an ninh và chính trị, hợp tác an ninh hàng hải sẽ được tăng cường... Về hợp tác hạt nhân dân sự, cuộc đàm phán sẽ được đẩy nhanh nhằm sớm tiến tới một thỏa thuận", ông Abe phát biểu bên cạnh người đồng cấp Singh.

Ấn Độ đã muốn xây dựng các lò phản ứng hạt nhân bất chấp những lo ngại toàn cầu về sự an toàn. Quốc gia Nam Á không thể chỉ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, vốn gặp trở ngại vì thiếu nguồn cung và chìm trong các bê bối. Hàng trăm triệu người Ấn Độ vẫn sống trong cảnh không có điện và các nhà máy thường xuyên bị mất điện.

Một thỏa thuận năng lượng hạt nhân dân sự với Ấn Độ cũng giúp các công ty công nghệ hạt nhân Nhật Bản tiếp cận thị trường đang phát triển mạnh mẽ của Ấn Độ.

Ấn Độ hiện vận hành 20 lò phản ứng hầu hết là kích cỡ nhỏ tại 6 địa điểm, sản xuất 4.780 MW, tương đương 2% tổng sản lượng điện. New Delhi hi vọng sẽ nâng sản lượng điện hạt nhân lên 63.000 MW vào năm 2032 bằng việc bổ sung gần 30 lò phản ứng.

Ông Abe và ông Singh cũng hoan nghênh mở rộng hợp tác quốc phòng và nhất trí sẽ tiến hành các các cuộc tập trận hải quân chung thường xuyên. Cuộc tập trận đầu tiên như vậy sẽ được tổ chức vào tháng 6.

Đối mặt với sự mở rộng hàng hải của Trung Quốc, ông Singh và ông Abe cho biết họ cam kết tự do hàng hải và tự do thương mại, và nhất trí thúc đẩy hợp tác về các vấn đề biển.

Trong một động thái riêng rẽ, Nhật Bản đã nhất trí cấp cho Ấn Độ khoản viện trợ phát triển chính thức trị giá 694 triệu USD cho một dự án tàu điện ngầm ở Mumbai.

"Các cuộc hội đàm của chúng tôi dẫn đường chỉ lối bởi một niềm tin quan trọng rằng trong bối cảnh có những bất ổn, thay đổi và thách thức toàn cầu, Ấn Độ và Nhật Bản là các đối tác tự nhiên và tuyệt đối cần thiết", Thủ tướng Singh tuyên bố

"Chúng tôi đặt tầm quan trọng đặc biệt cho việc tăng cường đối thoại chính trị và tham vấn chiến lược và đẩy mạnh các mối quan hệ quốc phòng", ông Singh nói thêm.

Ấn Độ và Nhật Bản cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, bảo tồn năng lượng, các công nghệ than đá sạch và nhiên liệu hóa lỏng.

Nhật-Ấn bắt tay phá "chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ gần đây vướng vào cuộc tranh cãi biên giới với Trung Quốc, trong đó New Delhi cáo buộc quân đội Trung Quốc tiến sâu vào lãnh thổ nước mình. New Delhi cũng lo ngại về mối quan hệ ngày càng thân thiết giữa Bắc Kinh với Pakistan, đối thủ lâu đời của Ấn Độ.

Trong khi đó, Nhật Bản có cuộc tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc vì một quần đảo ở Hoa Đông và ngày càng lo ngại về sức mạnh quân sự, ngoại giao của Bắc Kinh.

New Delhi cũng lo ngại về các thỏa thuận của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng của Ấn Độ.

Người Ấn đôi khi nhắc tới điều đó như là một "chuỗi ngọc trai" của Trung Quốc, bao gồm mối quan hệ thân thiết với Pakistan, tiếp cận một căn cứ hải quân ở Myanmar, việc xây dựng một cảng nước sâu ở Sri Lanka và thúc đẩy quan hệ với Nepal và quốc đảo Maldives.

An Bình
Tổng hợp