Báo Trung Quốc "ghen ăn tức ở" vì mối thân tình Nhật-Ấn
(Dân trí) - Chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh tới Nhật Bản có thể thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước, nhưng điều đó cũng khiến Trung Quốc giận dữ.
Nhật-Ấn tăng cường hợp tác
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh hiện đang có chuyến công du quan trọng kéo dài 4 ngày tới Nhật Bản nhằm thúc đẩy các quan hệ kinh tế và sự hợp tác khác giữa hai nước.
Chuyến công du của ông Singh diễn ra chỉ một tuần sau khi Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm Ấn Độ.
Phát biểu khi đang có mặt tại Tokyo hôm 28/5, Thủ tướng Manmohan Singh cho hay Ấn Độ và Nhật chia sẻ lợi ích chiến lược mạnh mẽ trong việc mở rộng hợp tác về an ninh quốc phòng và thúc đẩy sự ổn định trong khu vực.
Ông Singh cũng nói thêm rằng việc đảm bảo các tuyến đường biển luôn thông thoáng và tự do có ý nghĩa sống còn đối với sự thịnh vượng của khu vực, do sự phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ Trung Đông.
"Quan hệ của Ấn Độ với Nhật Bản quan trọng không chỉ vì sự hợp tác kinh tế, mà còn vì chúng tôi xem Nhật Bản là đối tác tự nhiên và không thể thiếu trong cuộc tìm kiếm sự ổn định và hòa bình cho khu vực rộng lớn này", Thủ tướng Singh nhấn mạnh.
Thủ tướng Singh không đề cập trực tiếp tới Trung Quốc, nhưng ông nhấn mạnh tới "cam kết chung của Ấn Độ và Nhật Bản đối với các lý tưởng về dân chủ, hòa bình và tự do".
"Chúng ta chia sẻ mối quan tâm về an ninh hàng hải, đối mặt với các thách thức chung về an ninh năng lượng. Có các mối liên kết mạnh mẽ giữa 2 nền kinh tế của chúng ta, vốn cần một hệ thống thương mại quốc tế mở, dựa trên luật pháp để phát triển", ông nói.
Ấn Độ đã tìm cách phát triển quan hệ thân thiết hơn với Nhật Bản và các quốc gia châu Á khác, trong khi cùng lúc tăng cường các khả năng quân sự, một phần nhằm đối phó với thách thức từ Trung Quốc và người láng giềng Pakistan. Ấn Độ và Nhật Bản từ lâu đã bày tỏ lo ngại về các mối đe dọa tiềm tàng đối với các nguồn cung năng lượng của họ vì các tuyến đường biển dễ bị hải tặc tấn công và bị phong tỏa.
Nhật báo kinh doanh Nihon Keizai Shimbun của Nhật Bản đưa tin rằng Tokyo và New Delhi sắp ký kết một thỏa thuận trong đó Nhật Bản sẽ bán các thủy phi cơ cho Ấn Độ.
Nhật Bản và Ấn Độ cũng đang bàn bạc về một thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân, trong bối cảnh Tokyo muốn thúc đẩy xuất khẩu công nghệ nguyên tử và các cơ hạ tầng khác để giúp thúc đẩy nền kinh tế.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe muốn thúc đẩy việc bán các công nghệ hạt nhân của Nhật trong nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là tại các thị trường đang nổi ở châu Á và Trung Đông vốn có tiềm năng tăng trưởng mạnh hơn tại Nhật mà không gặp phải các căng thẳng chính trị như Tokyo đang gặp phải với Trung Quốc.
Hồi đầu tháng này, Nhật Bản và Ấn Độ đã ký kết các thỏa thuận về hợp tác kinh tế và đầu tư, trong đó có các kế hoạch nhiều tỷ đôla cho các hành lang kinh tế giữa New Delhi và Mumbai, giữa Chennai và Banglalore. Hai bên dự kiến cũng thảo luận việc tăng cường hợp tác quân sự.
Trung Quốc "ghen ăn, tức ở"
Trong khi Tokyo và New Delhi tăng cường quan hệ, Bắc Kinh dường như không hài lòng với điều này.
Tờ People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 28/5 đã đăng tải một bài viết nói rằng các chính trị gia Nhật là "những kẻ trộm vặt" trong bất kỳ vấn đề gì liên quan tới Trung Quốc và rằng họ chỉ thổi phồng quá đáng mối bất hòa giữa Bắc Kinh và New Delhi.
Bài viết, mang tựa đề "Các chính trị gia Nhật bối rối vì phép màu ngoại giao Trung-Ấn", nói rằng trước chuyến thăm của Thủ tướng Lý Khắc Cường tới Ấn Độ, truyền thông quốc tế đã thổi phồng cuộc tranh cãi biên giới Trung-Ấn được cho là đe dọa mối quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Ấn Độ và Trung Quốc đã khiến truyền thông thế giới ngạc nhiên khi giải quyết thỏa đáng vấn đề trong thời gian ngắn và đi tới "sự hợp tác và nhất trí chiến lược".
Bài báo kết luận rằng Trung Quốc tin tưởng Ấn Độ có đủ hiểu biết để giải quyết các vấn đề với Bắc Kinh "mà không bị ảnh hưởng bởi những kẻ khiêu khích trong và ngoài nước", rõ ràng là nhằm ám chỉ Nhật Bản.
Bài báo cũng nhắc tới việc Thủ tướng Shinzo Abe kêu gọi Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Mỹ thành lập "chuỗi hạt kim cương" mà Trung Quốc tin là nhằm cạnh tranh với sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh. Bài báo nói rằng những từ ngữ được sử dụng như "ngoại giao chiến lược", "các giá trị ngoại giao" dường như rất chiến lược nhưng thực tế lại cho thấy "các tư tưởng ngoại giao hẹp hòi" của chính phủ Nhật.
Trong khi đó, tờ Thời báo hoàn cầu của Trung Quốc lại nhấn mạnh tới các thông tin về việc Ấn Độ và Nhật Bản sắp ký kết một thỏa thuận mua bán thủy phi cơ US-2 trong chuyến thăm của Thủ tướng Singh.
Lu Yaodong, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Nhật Bản tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng thỏa thuận đánh dấu liên minh thắt chặt giữa Nhật Bản và Ấn Độ về hợp tác quân sự và quốc phòng. Ông Lu còn nói thêm rằng Nhật đang cố gắng lợi dụng các xung đột biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc và để kiềm chế Trung Quốc với thỏa thuận vũ khí tiềm năng.
An Bình
Tổng hợp