1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ấn Độ nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới

(Dân trí) - Ấn Độ một lần nữa lại đứng đầu danh sách các quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất trên thế giới, chiếm tới 14% tổng giá trị nhập khẩu vũ khí toàn cầu, Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế (SIPRI), trụ sở tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển, cho biết.

Dàn tên lửa của Ấn Độ (Ảnh: Hindustan Times)
Dàn tên lửa của Ấn Độ (Ảnh: Hindustan Times)

Trong một nghiên cứu đưa ra, SIPRI giải thích rằng: “Lý do chính của việc nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ tăng mạnh là bởi vì đến nay ngành công nghiệp quốc phòng của New Delhi phần lớn vẫn chưa sản xuất được các vũ khí công nghệ nội địa có khả năng cạnh tranh cao”.

Nga là nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ trong giai đoạn 5 năm vừa qua và chiếm tới 70% giá trị nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ, theo nghiên cứu của SIPRI.

Nhằm chấm dứt vị thế nhập khẩu vũ khí, Ấn Độ đang đặt cược vào kế hoạch “sản xuất tại Ấn Độ” trong lĩnh vực quốc phòng nước này, theo tờ Hindustan Times. Trong giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2011-2015, nhập khẩu vũ khí của quốc gia Nam Á tăng vọt 90%, theo SIPRI.

Xếp sau Ấn Độ là Trung Quốc (đứng thứ 2) và Pakistan (đứng thứ 4) với giá trị nhập khẩu chiếm lần lượt là 4,7% và 3,3% kim ngạch nhập khẩu vũ khí toàn cầu trong giao đoạn 2011-2015.

Theo SIPRI, Trung Quốc có khả năng tự sản xuất các vũ khí hiện đại và giảm lệ thuộc vào việc nhập khẩu vũ khí. Nhập khẩu vũ khí của Trung Quốc giảm tới 25% trong giai đoạn 2006-2010 và giai đoạn 2011-2015.

Chi tiêu quân sự trung bình của châu Á chiếm khoảng 1,48% GDP khu vực, cao nhất kể từ năm 2010. Trong đó, Trung Quốc chiếm 41% chi tiêu quân sự toàn khu vực, cao hơn nhiều so với Ấn Độ là 13,5%, Nhật Bản là 11,5%, theo tờ Wall Street Journal.

Tạp chí quân sự IHS Jane’s ước tính, chi tiêu quân sự khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt 533 tỷ USD vào năm 2020, từ mức 435 tỷ USD năm ngoái.

Vũ Duy

Theo Hindustan Times