Ấn Độ mất liên lạc với tàu thăm dò mặt trăng
(Dân trí) - Quan chức Ấn Độ hôm nay cho hay họ đã buộc phải kết thúc sứ mệnh khám phá mặt trăng của tàu thăm dò không người lái sau khi mất liên lạc với tàu này.
Tàu Chandrayaan-I được phóng lên quỹ đạo vào tháng 10 năm ngoái.
Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ hiện không có phương tiện để xác định vị trí của tàu vũ trụ bay quanh quỹ đạo mặt trăng Chandrayaan-I. Người phát ngôn của cơ quan nghiên cứu không gian cho hay, tàu này có thể đang trôi nổi trong không gian giống như một vệ tinh chết thêm 1.000 ngày nữa trước khi đâm xuống bề mặt mặt trăng.
“Chúng tôi đang xem xét khả năng nhờ Mỹ và Nga giúp chúng tôi định vị của tàu, bởi họ có các hệ thống radar mạnh hơn”, người phát ngôn có tên S. Satish cho hay.
Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn Độ cho rằng trục trặc trên tàu Chandrayaan-I đã cắt đứt liên lạc với mặt đất vào hôm thứ bảy vừa qua.
Đầu tiên Chandrayaan-I được dự tính sẽ ở trên quỹ đạo trong hai năm. Nhưng sau đó, thời gian hoạt động của tàu được kéo dài thêm. “Đó có thể là một nguyên nhân”, ông cho hay.
Tuy nhiên, Tổ chức nghiên cứu không gian Ấn cho hay tàu vũ trụ đã đạt được hầu hết các nhiệm vụ khoa học của mình, khi cung cấp về cho trái đất “một lượng lớn dữ liệu”.
Trong vòng 312 ngày, tàu đã đi hơn 3.400 vòng quanh mặt trăng, trước khi biến mất khỏi màn hình radar.
Được biết tàu Chandrayaan-I đã chụp các bức ảnh rõ nét, ba chiều về bề mặt mặt trăng, đặc biệt là ở những vùng cực tối, do bị che khuất. Tàu mang theo các vệ tinh con của Mỹ, châu Âu và Bulgaria. Một trong những mục tiêu chính của tàu là tìm kiếm bằng chứng về nước, đá và nhận dạng hợp chất hóa học ở một số loại đá trên mặt trăng.
Đầu năm nay, chính phủ Ấn Độ đã tăng ngân sách cho nghiên cứu vũ trụ từ 700 triệu USD lên khoảng 1 tỷ USD.
Phan Anh
Theo CNN