1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Ấn Độ lo Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo ở Ấn Độ Dương

(Dân trí) - Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã bồi đắp và mở rộng hơn gấp 3 lần diện tích một hòn đảo mà nước này thuê 50 năm của Maldives.

Sputnik đưa tin, Trung Quốc và Ấn Độ, vốn xảy ra đụng độ ở biên giới trong vài ngày qua, vẫn vướng vào cuộc đối đầu âm thầm bất chấp dịch Covid-19. Các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng chính trị tại các quốc đảo ở Ấn Độ Dương đã khiến New Delhi lo ngại.

Trong một diễn biến có thể làm ảnh hưởng quan hệ giữa hai nước, các hình ảnh vệ tinh mới nhất chụp hòn đảo Feydhoo Finolhu ở Ấn Độ Dương đã gây ra những lo ngại nghiêm trọng đối với Ấn Độ.

Ấn Độ lo Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo ở Ấn Độ Dương - 1

Ảnh vệ tinh chụp đảo Feydhoo Finolhu vào tháng 1/2018. (Ảnh: Twitter)

Các bức ảnh vệ tinh chụp vào tháng 1/2018 cho thấy quy mô ban đầu của hòn đảo vào khoảng 38.000 m2. Tuy nhiên, một bức ảnh chụp vào tháng 2/2020 cho thấy phần bồi đắp do Trung Quốc thực hiện, khiến diện tích hòn đảo tăng lên 100.000 m2. Hình ảnh cũng cho thấy công việc xây dựng đang diễn ra tại khu vực được bồi đắp.

Đảo Feydhoo Finolhu, cách Ấn Độ 600 km và nằm gần sân bay Male, đã được Maldives cho một công ty chưa rõ danh tính của Trung Quốc thuê 50 năm với giá 4 triệu USD vào tháng 12/2016.

Chuyên gia địa chính trị người Mỹ Hans Kristensen đã chỉ trích dự án trên vì các lý do môi trường, lo ngại rằng Trung Quốc có thể phá hủy bãi san hô khi bồi đắp khu vực.

Ấn Độ lo Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo ở Ấn Độ Dương - 2

Đảo Feydhoo Finolhu đã được mở rộng hơn gấp 3 trong một bức ảnh chụp tháng 2/2020. (Ảnh: Twitter)

Trong khuôn khổ sáng kiến Một vành đai, một con đường nhằm gia tăng sự hiện ở khu vực Ấn Độ Dương, Trung Quốc đã nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng tại các quốc gia Đông Nam Á.

Giống hòn đảo Feydhoo Finolhu ở Maldives, Bắc Kinh cũng đã tham gia vào các dự án hạ tầng quan trọng tại Myanmar, như khu công nghiệp và cảng nước sâu Kyaukphyu ở thành phố New Yangon và đặc khu kinh tế biên giới Trung Quốc - Myanmar.

Với sự hiện diện ngày càng gia tăng của các tàu Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương trong vài tháng qua, các chuyên gia đã nhấn mạnh rằng các động thái này là một phần trong chiến lược "Chuỗi ngọc trai" của Bắc Kinh - được nhắc tới trong một báo cáo năm 2005 của tổ chức tư vấn quốc phòng, tình báo Booz Allen Hamilton (Mỹ) mang tên “Tương lai năng lượng ở châu Á” - nhằm mở rộng sự hiện diện hải quân Trung Quốc trên khắp khu vực Ấn Độ Dương bằng cách xây dựng hạ tầng dân sự trên biển tại một số quốc gia.

Ấn Độ, vốn có vị trí quan trọng ở khu vực Ấn Độ Dương, đã cố gắng đối trọng với các nỗ lực của Trung Quốc nhằm bao vây nước này, nhưng Bắc Kinh luôn bác bỏ về sự tồn tại của một chiến lược như vậy.

An Bình

Theo Sputnik

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm