Ấn Độ lặng lẽ "thôn tính" các công ty quốc tế
Sau làn sóng những công ty nước ngoài bị các công ty Nhật Bản và Trung Quốc mua lại, đến lượt các công ty nước ngoài bị Ấn Độ lặng lẽ "nuốt chửng".
Trong số này có một giàn khai thác dầu ở Sudan, một công ty luyện kim của Đức, một công ty chế tạo xe tải Hàn Quốc và một công ty sơn ở Singapore với các nhà máy tại 12 nước.
Trong tám tháng đầu năm nay, các công ty Ấn Độ đã chi ra 1,7 tỉ USD, hơn bốn lần năm 2001, để mua lại 62 công ty nước ngoài, theo Hãng kiểm toán KPMG.
Không giống các công ty khổng lồ được nhà nước hậu thuẫn ở Trung Quốc, các công ty Ấn Độ vươn ra nước ngoài đều là những công ty đa quốc gia cỡ nhỏ. Nhưng tình hình đang thuận lợi cho làn sóng sáp nhập các công ty nước ngoài của Ấn Độ. Hiện có khá nhiều công ty Mỹ cấp vốn cho các công ty Ấn Độ để mua lại các công ty ở phương Tây.
Bên cạnh đó lệnh cấm chi tiêu bằng ngoại tệ đã được nới lỏng ở Ấn Độ và nước này đang nắm giữ lượng ngoại tệ trị giá 143 tỉ USD.
Tình hình kinh tế thuận lợi ở Ấn Độ (lãi suất hạ, nhiều công ty lớn tái cơ cấu và đà tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ) đã góp thêm phần khuyến khích việc mua lại các công ty nước ngoài.
Đáng ghi nhận là một số công ty Ấn Độ đã phá vỡ khuôn mẫu đông Á: trước tiên phải tăng trưởng thông qua xuất khẩu, sau đó mới chuyển thành công ty đa quốc gia. Tại Ấn Độ, các công ty đa quốc gia cỡ nhỏ đang tìm cách trở thành các công ty toàn cầu có tính sáng tạo, sẵn lòng làm mọi thứ ở mọi nơi trước khi đạt tầm vóc toàn cầu.
Theo S.N.
Tuổi trẻ/IHT