Ấn Độ có nên "toàn tâm, toàn ý" với tiêm kích Su-30KMI?
(Dân trí) - Tờ Russia & India Report (RIR) tuần này nhận định việc không quân Ấn Độ (IAF) thay thế những chiếc MiG cũ bằng các chiến đấu cơ hiện đại Su-30MKI là một quyết định hợp lý trong ngắn hạn. Song về lâu dài, IAF cần hiểu rằng Su-30 KMI không phải các "máy bay vạn năng".
Một máy bay tiêm kích Su-30KMI của Ấn Độ. (Ảnh: RIR)
Theo RIR, Không quân Ấn Độ (IAF) sẽ thay thế 3 phi đội máy bay MiG-21 và MiG-27 vào cuối chu kỳ hoạt động của chúng bằng những chiếc Su-30 hiện đại được sản xuất trong nước. Trang Bharat Rakshak cho biết, Ấn Độ hiện có 204 chiếc MiG-21 và 99 MiG-27. Trong số này sẽ có 54 máy bay "nghỉ hưu" trong vòng 2-3 năm tới, thay vào đó là 18 chiếc Su-30.
Bước đi hợp lý ngắn hạn
Báo trên cho rằng cho đến hiện tại, quyết định dùng Su-30 Flanker lấp đầy khoảng trống cho những chiếc máy bay về hưu là một bước đi hợp lý của Ấn Độ. Bởi chịu giới hạn về ngân sách, IAF không thể phung phí vào những loại máy bay chiến đấu như Rafale mặc dù chúng có vẻ khá hấp dẫn.
Theo báo trên, chiến đấu cơ Rafale của Pháp có giá lên đến 200 triệu USD/chiếc, trong khi những chiếc Sukhoi chế tạo tại nhà máy nội địa HAL chỉ có giá khoảng 75 triệu USD/chiếc. Bên cạnh vấn đề chi phí, loại máy bay nội địa này giúp Ấn Độ là dễ dàng bù đắp thiệt hại của đội phi cơ trong chiến đấu.
Ngoài ra, hiện IAF cần nhiều loại máy bay chuyên biệt, gồm hạng nhẹ, hạng trung và hạng nặng, để đảm nhiệm những vai trò khác nhau. MiG-21 là tiêm kích đánh chặn, hộ tống hạng nhẹ và có khả năng tuần tra trên không. Su-30 cũng có thể thực hiện tất cả những nhiệm vụ này.
Su-30 không phải “máy bay vạn năng”
Tuy nhiên, theo RIR, nhà báo trong trường hợp IAF muốn điều chiến đấu cơ đánh chặn một chiếc JF-17 của Không quân Pakistan Su-30 sẽ không phải là một lựa chọn tốt, phương án tối ưu khi đó là MiG-21.
Dù Su-30 có thể đảm nhận nhiệm vụ này, lý do là bởi, một máy bay có khối lượng lên đến 18.000kg như Su-30 không thực sự phù hợp để đối phó một chiếc JF-17 tương đối nhỏ (khối lượng khoảng 6.400kg). Điều này là quá mức cần thiết.
Tiếp tục xem xét nhiệm vụ của mẫu bay tấn công mặt đất hạng trung MiG-27 trong không quân Ấn Độ.
IAF triển khai chiến đấu cơ này trong 2 vai trò khác nhau. Đầu tiên, khi hoạt động cùng các "máy bay bà già" Jaguar và tiêm kích đa nhiệm hiện đại Mirage-2000, MiG-27 được sử dụng như máy bay ném bom hạt nhân.
Khi chiến đấu cơ MiG-27 "về vườn", Ấn Độ dự kiến sẽ phải để 2 phi đoàn Su-30 đảm nhiệm vai trò tấn công hạt nhân vào năm 2020.
Theo thiết kế của Nga, loại máy bay Su-30 chưa từng được dùng cho vai trò mang vũ khí hạt nhân, do Không quân Nga sở hữu một số máy bay đặc biệt cho nhiệm vụ này. Các đồng nghiệp Ấn Độ buộc phải tiến hành chuyển đổi chức năng của Su-30 do có quá ít sự lựa chọn.
Trong vai trò thứ hai, MiG-27 được thiết kế để hỗ trợ nhanh chóng cho các lực lượng bộ binh và xe bọc thép, như trong các nhiệm vụ tiêu diệt đoàn xe tăng đang tiến tới New Delhi của Pakistan. Song, nhiệm vụ “mang tính cơ bản” của MiG-27 lại có thể là "tự sát" đối với những chiếc Su-30.
Những chiếc Sukhoi hạng nặng không được thiết kế để đảm nhiệm vai trò hỗ trợ trên chiến trường. Và dường như các quyết định mạo hiểm đưa chiếc máy bay trị giá 75 triệu USD để đấu với 1 chiếc xe tăng Al Khalid giá 5 triệu USD của Pakistan hoàn toàn không hợp lý. Những chiến đấu cơ cỡ nhỏ hoặc trực thăng tấn công sẽ phù hợp với vai trò này hơn.
Đâu là vị trí phù hợp với Su-30?
Theo RIR, sức mạnh chủ lực của Su-30 là tiêu diệt các mục tiêu chiến lược của đối phương và thiết lập ưu thế trên không cho các máy bay khác của IAF hoạt động.
Sở hữu tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos, những chiếc Su-30có thể thiết lập ưu thế tuyệt đối trên các vùng đại dương để ngăn chặn nguy cơ tái diễn cuộc chiến năm 1971 với Pakistan, khi Mỹ đưa Hạm đội 7 đến Vịnh Bengal để thể hiện sự ủng hộ nước này.
Báo RIR còn lập luận rằng những chiếc Sukhoi sẽ giúp đảm bảo rằng, Ấn Độ đều có thể vô hiệu hóa các mối đe dọa từ Mỹ và Trung Quốc trong bất kỳ cuộc xung đột tương lai nào mà không cần dựa vào Nga.
Ấn Độ cần có phương án thay thế
RIR cho rằng những chiếc Su-30 chỉ có thể là giải pháp mang tính tình thế, tạm thời. New Delhi cần nhanh chóng đưa vào hoạt động các máy bay chiến đấu hạng nhẹ Tejas do HAL phát triển, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu các phiên bản mới hơn.
Chỉ tiêu tốn từ 30 - 40 triệu USD/chiếc, các máy bay Tejas là rẻ hơn nhiều so với các máy bay Rafale. Báo trên cho rằng hàng trăm chiếc Tejas với nhiều cấu hình khác nhau có thể áp đảo hệ thống phòng thủ của đối phương.
Tuy nhiên, Ấn Độ cần có phương án dự phòng trong trường hợp Tejas không hoàn thành được nhiệm vụ của mình với các dự án chiến đấu cơ mới mang tầm cỡ thế giới. New Delhi cần thêm một công ty chế tạo máy bay mới, với các chuyên gia hàng không của nước ngoài, để đảm nhận nhiệm vụ này.
Ngành chế tạo máy bay của Ấn Độ cần học tập thành công của Liên doanh Brahmos của Nga, một công ty có có các kỹ sư, nhà khoa học hàng đầu, hoạt động như một công ty tư nhân, không chịu sự quản lý của Nhà nước.
Với một quốc gia có sức mạnh kinh tế và địa chính trị như Ấn Độ, phụ thuộc vào vũ khí nước ngoài không chỉ là một trở ngại mà còn là "tự sát", báo RIR nhấn mạnh.
Bạch Trúc
Theo RIR