1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Ấn Độ bí mật đàm phán mua 2 tàu ngầm hiện đại của Nga

(Dân trí) - Hải quân Ấn Độ đang đề nghị Bộ quốc phòng nước này mua 2 tàu ngầm hiện đại lớp Amur do Nga chế tạo để tăng cường hạm đội tàu ngầm đang suy yếu.

Tàu ngầm lớp Amur do Nga chế tạo. (Ảnh minh họa)
Tàu ngầm lớp Amur do Nga chế tạo. (Ảnh minh họa)

Đề nghị trên được đưa ra trong bối cảnh Ấn Độ trì hoãn đưa ra bản đấu thầu toàn cầu trị giá 12 tỷ USD nhằm mua 6 tàu ngầm thông thường với công nghệ hệ thống không khí tuần hoàn độc lập (AIP) trong khuôn khổ dự án 75-I của hải quân Ấn Độ.

Sự trì hoãn trên dường như đang làm lợi cho Nga. Một nhóm chuyên gia cấp cao từ Tập đoàn xuất khẩu Nga Rosoboronexport đã có mặt tại thủ đô New Delhi 2 tuần trước để đám phán về việc bán hoặc cho thuê 2 tàu ngầm Amur, một nguồn tin trong Bộ quốc phòng Ấn Độ cho biết nhưng không tiết lộ các thông tin chi tiết.

Tàu ngầm lớp Amur là một trong các lớp tàu ngầm mới nhất của Nga. Amur là phiên bản dành cho xuất khẩu của tàu ngầm lớp Lada, một phiên bản cải tiến cao cấp hơn tàu ngầm lớp Kilo, với việc ít gây tiếng động hơn nhiều, hệ thống chiến đấu mới và thêm động cơ đẩy không cần không khí.

Hải quân Ấn Độ cũng có kế hoạch mua 6 tàu ngầm Scorpene thông thường theo giấy phép của hãng đóng tàu Pháp DCNS tại xưởng đóng tàu Mazagon ở Mumbai. Việc bàn giao các tàu ngầm này bị trì hoãn hơn 4 năm. Theo kế hoạch mới nhất, chiếc đầu tiên sẽ được bàn giao cho hải quân Ấn Độ vào năm 2016, so với kế hoạch ban đầu là 2012.

"Sự trì hoãn trong việc bàn giao Scorpene cũng như trì hoãn trong dự án tàu ngầm 75-I đã khiến hạm đội tàu ngầm bị suy yếu", Shyam Kumar Singh, Đại tá về hưu của hải quân Ấn Độ, cho biết.

"Tàu ngầm mới đầu tiên sẽ gia nhập hạm đội vào năm 2018. Do vậy, cần phải mua các tàu ngầm mới từ Nga", ông Singh nói thêm.

Nga đã cho Ấn Độ thuê tàu ngầm hạt nhân Chakra vào năm 1984 và Nga cũng là quốc gia duy nhất cho Ấn Độ thuê tàu ngầm hạt nhân.

Lép vế so với Trung Quốc

Hải quân Ấn Độ hiện đang vận hành 7 tàu ngầm lớp Kilo do Nga chế tạo và 4 tàu ngầm SSK do Đức chế tạo. Chiếc mới nhất được đưa vào sử dụng vào cuối những năm 1990.

Trong năm qua, 3 tàu ngầm lớp Kilo của Ấn Độ đã không thể hoạt động do các vụ tai nạn.

Mặc dù hải quân Ấn Độ đã đề nghị Bộ quốc phòng đàm phán để mua 2 tàu ngầm Amur, vẫn có các quan điểm khác nhau trong giới chức Ấn Độ về việc New Delhi sẽ mua tàu ngầm Nga hay tàu ngầm của phương Tây.

Một bên ủng hộ mua tàu ngầm của Nga, cho rằng chúng an toàn hơn và mạnh hơn, trong khi một nhóm khác, chủ yếu là những người trẻ, lại thích tàu ngầm phương Tây hơn do chúng được đánh giá tốt hơn về hệ thống điện, kiểm soát và cảm ứng.

"Các tàu ngầm của Nga rẻ hơn trong việc vận hành do Ấn Độ đã đầu tư mạnh vào việc thiết lập cơ sở hạ tầng liên quan để hỗ trợ các tàu. Bên cạnh đó, cũng có sự huấn luyện kỹ càng trên các tàu ngầm Nga", một quan chức hải quân cấp cao cho biết.

Một quan chức khác đã phản bác lại ý kiến trên: "Mặc dù các tàu ngầm của Nga có giá mua ban đầu rẻ hơn nhưng chi phí hỗ trợ đắt hơn và đây trở thành một vấn đề trong hải quân Ấn Độ. Trong khi đó, các tàu ngầm của Pháp và phương Tây dễ vận hành hơn".

Mặc dù hải quân Ấn Độ đối mặt với sự suy yếu trong năng lực tàu ngầm, nhưng vẫn chưa rõ số phận bản đấu thầu toàn cầu của dự án 75-I, hiện đã bị trì hoãn hơn 4 năm. Bộ quốc phòng Ấn Độ không công bố lý do hoãn công bố đấu thầu dự án này.

Một số hãng đóng tàu quốc phòng nước ngoài đã bày tỏ sự quan tâm tới dự án 75-I, trong đó có tập đoàn DCNS của Pháp, HDW của Đức, Rosoboronexport của Nga và Fincantieri của Ý.

Sức mạnh của hạm đội tàu ngầm hải quân Ấn Độ đã giảm từ tổng cộng 21 chiếc vào những năm 1980 xuống còn 14 chiếc. Trong khi đó, Trung Quốc có hơn 60 tàu ngầm và điều này trở thành mối lo ngại của hải quân Ấn Độ.

An Bình
Tổng hợp